Đó là chia sẻ của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC tại cuộc toạ đàm về giải pháp kích cầu du lịch giai đoạn 2021-2023, vừa diễn ra tại Sầm Sơn (Thanh Hoá) chiều ngày 3/4/2021.
Nhiều giải pháp cụ thể
Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, để phục hồi du lịch nội địa, chính quyền và doanh nghiệp cần làm mới sản phẩm cũ. Trong khi chờ đợi du lịch quốc tế hồi phục bằng với mức của năm 2019, ngành du lịch cần chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa. Sau đó, sẽ chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
Trong khi đó, người đứng đầu FLC cho biết tại cuộc toạ đàm: ngoài việc tung ra các sản phẩm - dịch vụ liên kết giữa khách sạn, hàng không, giải trí, sắp tới FLC sẽ đẩy mạnh tổ chức các giải đấu thể thao ven biển như giải golf, giải bóng chuyền bãi biển tại Thanh Hoá, Quảng Ninh, Bình Định…, xem đó là một trong những giải pháp kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn khi đến mỗi địa phương.
Trước đó, FLC cũng đã và đang triển khai nhiều chương trình, sự kiện kích cầu du lịch trên quy mô lớn, tại nhiều địa phương. Như tại Thanh Hoá, vào tối cùng ngày, tại quần thể FLC Sầm Sơn sẽ diễn ra đêm nhạc với sự góp mặt của các nghệ sỹ nổi tiếng để phục vụ du khách. Hay vào ngày 10/4 sắp tới, một lễ hội hoa quy mô lớn và chương trình bắn pháo hoa cũng sẽ được FLC phối hợp cùng tỉnh Thanh Hoá tổ chức tại FLC Sầm Sơn, để khởi động mùa du lịch cao điểm sắp tới tại đây.
Đánh giá cao nỗ lực của FLC trong việc tổ chức nhiều giải đấu quy mô lớn thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực golf, ông Lê Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Động Lực, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cho hay thời gian tới, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ kết hợp với FLC tổ chức nhiều giải đấu hấp dẫn.
“Các sự kiện thể thao này sẽ tạo điều kiện và cơ hội để kích cầu du lịch tại các vùng biển của Việt Nam”, ông Thành nói tại cuộc toạ đàm, và mong muốn các đơn vị cũng như doanh nghiệp tăng cường tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ để thu hút du khách cho điểm đến.
Trong khi đó, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch Thường trực FLC lưu ý về con số 8-10 tỷ USD mà người Việt chi trả cho du lịch nước ngoài, theo các thống kê chưa đầy đủ. Đó là một tiềm năng mà ngành du lịch trong nước cần chú ý, trong bối cảnh việc đi du lịch nước ngoài bị ngưng trệ.
Để thúc đẩy du lịch trong năm 2021, bà Hương Trần Kiều Dung đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó có đề xuất thêm một ngày nghỉ có tên Ngày Du lịch Việt Nam, bố trí sát các ngày nghỉ hiện tại để tăng thời gian lưu trú nhiều hơn.
Cũng theo bà Dung, nhân sự ngành du lịch hiện đã giảm 50% trong dịch, vì vậy việc đào tạo, củng cố đội ngũ nhân sự, nâng cấp hạ tầng du lịch nên được xem là một ưu tiên trong thời gian tới. Năm nay, FLC dự kiến khai trương thêm ít nhất 3 khu du lịch quy mô lớn tại Việt Nam, đồng thời tạo ra các sản phẩm liên kết đa dạng với chi phí tối ưu phục vụ du khách.
“Cần xây sẵn bộ tiêu chuẩn khi đón khách quốc tế trở lại”
Bà Nguyễn Trần Kim Thanh, Quản lý cấp cao của Traveloka nhận xét, thị trường du lịch nội địa của Việt Nam đang dẫn đầu về khả năng phục hồi so với các quốc gia khác mà ứng dụng đặt phòng trực tuyến này hoạt động.
“Dữ liệu nội bộ của Traveloka ghi nhận giao dịch đặt phòng đã về lại mức 100% trước Covid”, bà Thanh nói.
Đơn vị này cho rằng chính Covid đã khiến Traveloka phải thay đổi về tư duy tiếp thị, vừa phải tập trung vào người dân địa phương, tìm hiểu sâu nhu cầu của họ để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất; và đồng thời phải đặt ưu tiên về sức khoẻ và an toàn của du khách lên hàng đầu bên cạnh việc truyền cảm hứng về du lịch và khám phá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, cho biết: ngày 23/3 vừa qua, Thủ tướng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tìm giải pháp khả thi đón khách quốc tế trong bối cảnh dịch.
Về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, Bộ dự kiến triển khai giai đoạn thí điểm, trên nguyên tắc dựa vào hộ chiếu vaccine, kết hợp công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân địa phương.
Chia sẻ về định hướng của doanh nghiệp đối với phương án của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết tại cuộc toạ đàm: Bamboo Airways đang cùng các cơ quan trong nước và Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass - dự án hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA, và sẵn sàng là hãng hàng không tiên phong triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine tại Việt Nam.
Để chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa trở lại, Bamboo Airways đã nỗ lực để tạo ra môi trường an toàn nhất cho du khách, áp dụng tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất trong quá trình vận chuyển hành khách, bao gồm nhiều giải pháp như khuyến khích tự làm check-in, thiết lập các kios check in online, giảm thiểu tiếp xúc, tái bố trí xuất ăn để đảm bảo an toàn cho tổ bay và tiếp viên...
Còn theo ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng giám đốc Flamingo Redtours thì nhiều doanh nghiệp đã rất sẵn sàng đón khách quốc tế, nhưng các khó khăn vẫn còn tồn tại.
“Cần xây dựng sẵn bộ tiêu chuẩn khi đón khách quốc tế, đảm bảo an toàn nhưng đừng quá chặt chẽ. Ban, ngành cũng đừng đưa ra những tiêu chí mà doanh nghiệp không thực hiện được. Và cũng cần xác định là nếu mở cửa thị trường quốc tế, sẽ gặp những rủi ro. Vậy vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp là như thế nào, thì cần phải có cơ chế cụ thể để tránh bị động cho doanh nghiệp”, ông Hoan nói.