Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội nhận định, những tháng đầu quý 2 năm nay, thị trường bất động sản tại những khu vực tăng nóng đã chững lại do có các chính sách mới được đưa ra như tạm dừng phân lô, tách thửa; siết tín dụng vào bất động sản…
"Đến thời điểm hiện nay, việc đầu tư ở một số nơi đã lắng lại. Không tránh khỏi thực tế, bất động sản được bán với giá ngang bằng hoặc hơn là khó so với giá bỏ ra đầu tư trong vòng một năm trở lại đây”, bà Hằng cho hay.
Cùng quan điểm, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, nhiều tỉnh thành ra văn bản dừng các hoạt động phân lô, bán đất nền khiến thị trường bị chững lại.
Theo thống kê của Batdongsan.com.vn về tình hình thị trường quý I cho thấy, nhu cầu đầu tư vẫn tập trung chính ở loại hình đất nền. Bởi, người dân có xu hướng chọn đất nền để trú ẩn dòng tiền trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Giới chuyên gia thừa nhận, sự tăng giá "nóng" của thị trường đất nền thời gian qua chủ yếu là đầu cơ. Do không phải là nhu cầu thực nên cơn sốt chắc chắn hạ nhiệt.
Số liệu đã chứng minh, trong tháng 4, mức độ quan tâm đến sản phẩm đất nền trên cả nước đã giảm đến 18% so với tháng 3 và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy, thị trường đất nền đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thực tế hiện nay, không ít nhà đầu tư FOMO bị chôn vốn vào đất nền khi xuống tiền vào đúng thời điểm đỉnh “sốt” đất.
Anh N.V.D (37 tuổi, Hà Nội) thấy bạn bè trong 2 năm vừa qua thắng lớn khi đầu tư đất đai. Nghe bạn bè kể lại quá trình đầu tư thì cũng không có gì khó khăn bởi đám bạn anh đều đầu tư theo nhóm, có người phân tích thị trường, chỉ đâu đầu tư đó. Thấy vậy, anh cũng xin vào nhóm đầu tư cùng.
“Nào ngờ, ngay phi vụ đầu tiên tôi đã “mắc cạn” tại thị trường Bắc Giang. Nhóm của tôi đã đầu tư ở đó một thời gian, họ mua đi bán lại và lãi khá ổn. Đến khi tôi xuống tiền thì lại “bắt” trúng đỉnh thành ra tôi thành kẻ cuối cùng cầm “hòn than” nóng trong cơn “sốt” đất”, anh D chia sẻ.
Anh D cho biết, số tiền đầu tư đó ⅔ là tiền tiết kiệm và phần còn lại anh đi vay ngân hàng. Hiện nếu muốn rút tiền về anh chỉ có thể giảm giá so với lúc ban đầu anh mua thì mới có giao dịch. Do đó, anh D chấp nhận chôn vốn.
Đồng cảnh ngộ, anh D.S (47 tuổi, Bắc Ninh) cho biết đã rao bán lô đất nền 3 tháng nay mà không tìm được người mua. Ban đầu anh S chỉ tính “lướt sóng” trong thời điểm thị trường sốt xình xịch. Thế nhưng, vừa mua rời tay thì cũng là lúc thị trường có dấu hiệu chững lại, giao dịch nơi anh đầu tư không có mấy.
“Tôi có ký gửi nhiều môi giới trên địa bàn mà họ đều trả lời rằng: Có khách có ý định mua nhưng họ muốn mua với giá thấp hơn giá chào bán. Môi giới cho hay, bởi hầu hết khách muốn mua thời điểm này là khách có nhu cầu thực chứ không phải mua để đầu cơ”, anh S cho biết.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá nhà tăng nhưng thanh khoản thấp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện "bong bóng" cục bộ. Đáng chú ý, giá nhà cũng leo thang theo giá đất và lập mặt bằng giá mới ở nhiều nơi, song lượng giao dịch chỉ đạt mức thấp. Để ổn định thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước đang đẩy mạnh củng cố hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), giá bất động sản thời gian qua đã bị đẩy lên quá cao ở nhiều địa phương có thông tin quy hoạch, dự án, sân bay… Do đó, khi thị trường trải qua nhiều cơn "sốt đất" liên tục, nhà đầu tư phải thận trọng hơn trong việc ra quyết định xuống tiền.
Vị này cho rằng: “Cần đánh thuế nặng với nhà đầu tư, đầu cơ bất động sản. Thuế cao, tự nhiên người ta sẽ thấy không tham gia được. Lúc đấy họ thấy không đầu tư được ở thị trường này sẽ tìm cách đưa dòng vốn về thị trường truyền thống, sản xuất ở nhiều ngành nghề khác. Khi đó sẽ có bài toán cân bằng được mọi vấn đề”./.