Aa

Hàng ngàn tỷ đồng sai phạm ở các dự án địa ốc đắc địa

Thứ Bảy, 20/10/2018 - 03:02

3.974 tỷ đồng là tổng số tiền sai phạm về tài chính đã được Thanh tra Chính phủ phát hiện sau khi thanh tra 38 dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Tp.Hà Nội giai đoạn 2003 - 2016.

Văn bản 1468/KL - TTCP của Thanh Tra Chính phủ (tháng 9/2018) về kết luận thanh tra các dự án trên chỉ rõ, trong tổng số tiền sai phạm, có hơn 403 tỷ đồng do chủ đầu tư tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; khoảng 90 tỷ đồng tiền sử dụng đất bổ sung đối với tầng kỹ thuật do chủ đầu tư sử dụng vào mục đích kinh doanh; hơn 1.462 tỷ đồng tiền sử dụng đất, thuê đất do các chủ đầu tư còn nợ đọng; 489 tỷ đồng tiền chậm nộp tiền sử dụng đất; 1.480 tỷ đồng tiền sử dụng đất của một số dự án phải nộp bổ sung do tính tiền sử dụng đất đã đưa một số khoản chi phí vào xác định không đúng quy định; trên 49 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp do một số nhà đầu tư chưa thực hiện.

Nhiều dự án vi phạm quy hoạch xây dựng

"Trong giai đoạn 2003 - 2016, UBND Tp. Hà Nội và các sở ngành đơn vị của thành phố đã tích cực đưa các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành không còn phù hợp quy hoạch phát triển đô thị hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khu vực ngoại thành. Đồng thời chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án, trong đó chủ yếu là các dự án phát triển kinh tế. Việc chuyển mục đích sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình hạ tầng, phát triển quỹ nhà, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho thành phố…

Tuy nhiên, việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đã tạo sơ hở, gây thất thoát ngân sách Nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án ở những vị trí đắc địa", Thanh tra Chính phủ cho biết.

Một góc dự án Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng.

Một góc dự án Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng.

Cụ thể, qua thanh tra, có tới 20/38 dự án vi phạm quy hoạch xây dựng. Ví như dự án Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng (trước là cơ sở sản xuất, kinh doanh của Công ty thức ăn chăn nuôi Trung ương) do Công ty Cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư đã khởi công trước khi được UBND Tp.Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Dự án này xây vượt 2 tầng căn hộ so với phương án kiến trúc và hồ sơ xin phép xây dựng, diện tích xây dựng mỗi tầng căn hộ vượt 1.012m2. Xây dựng 2 tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch được duyệt và đã tự ý chuyển đổi công năng các tầng này. Tầng kỹ thuật giữa tầng 2 và 3 cao 4,5m hiện đang cho thuê làm văn phòng, tầng kỹ thuật giữa tầng 11 và 12 cao 3m hiện đã chia thành 14 căn hộ ở.

Trong tổng số 239 căn hộ để bán, có 161 căn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, 78 căn sai phép đã bán cho các hộ dân. Số căn hộ sai phép, chủ đầu tư chưa làm việc với cơ quan chức năng để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, gây bức xúc đối với các hộ dân đang sử dụng số căn hộ này.

Tương tự, dự án tổ hợp khách sạn, thương mại văn phòng và nhà ở thấp tầng tại 107 Xuân La khởi công xây dựng khi chưa đủ điều kiện theo quy định: chưa có biên bản bàn giao hồ sơ mốc giới giao đất tại thực địa, chưa có quyết định phê duyệt thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng chủ đầu tư đã thi công phần hạ tầng kỹ thuật và khu nhà thấp tầng 46 căn với tổng diện tích xây dựng 3.400m2, vượt 6 căn so với quy hoạch tổng mặt bằng được duyệt.

Hay dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại 409 đường Nguyễn Tam Trinh, trước là cơ sở sản xuất của công ty Da giầy, đến 2006 được Hà Nội cho phép chuyển sang mục đích đất để thực hiện dự án.

Qua thanh tra, có 4 thửa đất thấp tầng là C12, C13, C36, C37, chủ đầu tư chuyển nhượng cho khách hàng vượt quy hoạch tổng mặt bằng, mỗi thửa tăng thêm 30m2 vào diện tích đất giao thông nội bộ, thu của khách hàng hơn 2,3 tỷ đồng. Diện tích này chưa được các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, chưa xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung…

Phương án kiến trúc không tuân thủ quy định

Kết quả thanh tra cũng cho thấy Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận phương án kiến trúc không tuân thủ quy định của pháp luật. Chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc và cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư 11 dự án xây dựng công trình tầng hầm vượt chỉ giới xây dựng, có dự án trùng với chỉ giới đường đỏ.

Sở Xây dựng thì cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho 10 dự án có thêm các tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt. Trong khi thực tế, một số chủ đầu tư không sử dụng vào công năng kỹ thuật mà chủ yếu xây dựng để sử dụng vào mục đích kinh doanh: làm văn phòng, dịch vụ công cộng cho thuê nhưng chưa được UBND thành phố và các cơ quan chức năng xác định giá thu tiền sử dụng đất. Từ đó dẫn đến nhiều chủ đầu tư được hưởng lợi vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà ngân sách thì thất thu.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ 30 dự án tính toán và phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất giá tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng không căn cứ vào thông tư 145/2007/TT- BTC và thông tư 36/2014/TT-BTNMT gây thất thu ngân sách1.480 tỷ đồng.

Một số nhà đầu tư tại một số dự án sau khi hợp tác đầu tư thực hiện dự án, có phát sinh về thu nhập chuyển nhượng vốn góp nhưng không kê khai hoặc kê khai thiếu, cơ quan thuế chưa tiến hành thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ tạm tính số tiền này ở Công ty Cổ phần Dệt Mùa Đông - dự án 47 Nguyễn Tuân là gần 23 tỷ đồng, Công ty Thực phẩm Miền Bắc - dự án 210 Trần Quang Khải và 17 Tôn Đản khoảng 6 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Dụng cụ số 1 - dự án 108 Nguyễn Trãi hơn 20 tỷ đồng…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top