Aa

Hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang trong khi nhà giá rẻ “cháy hàng”

Thứ Ba, 25/07/2023 - 11:00

Nguồn cung nhà chung cư được dự báo tiếp tục khan hiếm, nhất là phân khúc bình dân và nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hàng nghìn căn hộ phục vụ tái định cư lại đang bị bỏ hoang gây lãng phí rất lớn.

Nhà bỏ hoang trong khi dân đỏ mắt đi tìm

Hiện nay, phân khúc căn hộ bình dân đang dần vắng bóng ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Để mua được căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2, người dân buộc phải tìm kiếm ở những khu vực xa trung tâm nhưng vẫn không dễ dàng mua được. Nguồn cung căn hộ được dự báo tiếp tục khan hiếm, nhất là phân khúc căn hộ bình dân và giá rẻ. Đồng thời giá nhà khó có thể giảm trong thời gian tới, bao gồm cả nhà ở xã hội.

Hàng nghìn căn hộ tái định cư tại khu nhà A4 Nam Trung Yên bị bỏ hoang. Ảnh: Nguyễn Tiến

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, Hà Nội có hàng nghìn căn hộ tái định cư đang bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Đặc biệt, nhiều tòa nhà được xây dựng ở những khu “đất vàng” của Thủ đô nhưng vẫn không có người đến ở.

Bị bỏ hoang nhiều năm lại không được bảo trì, các công trình này hiện đang bị xuống cấp. Bên ngoài cỏ mọc um tùm, nhiều nơi biến thành vườn rau hay tệ hơn là thành nơi tập kết rác hay vật liệu xây dựng gây. Điều này không chỉ gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước mà còn gây mất mỹ quan đô thị.

Tình trạng nhà xây xong từ lâu nhưng không ai chịu đến ở của các công trình này là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, phổ biến là các công trình tái định cư này thiếu hạ tầng, các hạng mục như hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy, chợ, trường học hay các tiện ích cơ bản phục vụ đời sống của người dân. Bên cạnh đó, nhiều người dân trước kia sống ở nhà mặt đất, nguồn thu nhập chính đến từ buôn bán. Tuy nhiên, sau khi giải phóng mặt bằng họ phải chuyển đến các tòa chung cư gây mất kế sinh nhai cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân không mặn mà với những căn hộ tái định cư này.

Khu tái định cư thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Ảnh: Tuoitrethudo

Được đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng từ năm 2012 nhằm phục vụ chủ trương giãn dân phố cổ và đã xây dựng xong từ nhiều năm nhưng đến nay ,5 tòa nhà với hàng nghìn căn hộ thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên vẫn không một bóng người về ở. Điều đáng nói, những tòa nhà này được xây dựng trên khu đất vàng rộng 30ha trên mặt đường Lý Sơn nhưng vẫn phải chịu cảnh hoang tàn, đầy cỏ dại và rác thải. Nhiều hạng mục của công trình này đã xuống cấp do không được sử dụng và bảo trì.

Theo một số người dân quanh khu vực 5 tòa nhà tái định cư này cho  biết, nhìn những căn hộ bị bỏ hoang này vừa xót xa, vừa tiếc. Đây là niềm mơ ước của biết bao nhiêu gia đình đang không có nhà, phải đi thuê.

Gia đình anh P chấp nhận sinh sống trong căn hộ chật hẹp chỉ khoảng 20m2 ở phố hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mà nhất định không muốn chuyển đến khu tái định cư mới. Lý do được anh P đưa ra là vì kế sinh nhai của cả nhà. Thu nhập của cả nhà được trông chờ từ việc bán hàng ăn uống, nay chuyển sang nhà chung cư sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Được ở nhà rộng rãi thì ai chẳng thích, nhưng đang ở nơi sầm uất quen giờ phải chuyển ra tít tận ngoại thành. Chưa kể, ở đây một ngày vợ chồng tôi kiếm nhẹ nhàng cũng được 1-2 triệu đồng, ra đó chúng tôi biết làm nghề gì để sống”, anh P chia sẻ.

Hai tòa nhà tái định cư bị bỏ hoang ở khu đất vàng trên đường Tân Mai ngay hồ Đền Lừ. Ảnh: Baodautu​​​​​

Quận Hoàng Mai là quận có mật độ dân cư cao nhất ở Hà Nội, tuy nhiên ngay trên mặt phố Tân Mai, đối diện hồ Đền Lừ lại có 3 tòa nhà cao hơn 10 tầng dù đã được hoàn thiện bị bỏ hoang nhiều năm nay. Đây có thể coi là vị trí đắc địa, một khu đất vàng của Thủ đô khi ở mặt đường lớn, trước mặt là hồ điều hòa, gần bến xe Giáp Bát, gần chợ đầu mối nhưng hiện 3 tòa nhà này đã xuất hiện nhiều vết nứt và xuống cấp.

Được biết, 3 tòa nhà này là khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng thuộc dự án mở rộng đường Tam Trinh. Các hạng mục của dự án này cơ bản đã hoàn thành nhưng hạng mục phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được nghiệm thu. Do đó, công trình chưa được bàn giao cho người dân về ở.

Dột nát và xuống cấp là thực trạng tại khu nhà tái định cư N01-D17 Duy Tân. Ảnh: Kinhtedothi

Ngoài ra, hiện Hà Nội còn nhiều công trình nhà tái định cư khác đang bị bỏ hoang gây lãng phí lớn ngân sách và quỹ đất của thành phố như nhà 4A Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng), 4 toà nhà chung cư A14 Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), 3 tòa CT1A, CT1B, CT1C khu thành phố Giao Lưu (quận Bắc Từ Liêm) hay khu nhà tái định cư N01-D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), ... Đây đều là những khu đất vàng của Thủ đô, là niềm mơ ước của rât nhiều hộ gia đình chưa có nhà.

Quy hoạch cần gắn với nhu cầu thực tế của người dân

Qua thực tế cho thấy, các khu tái định cư thời gian qua đa phần đều được quy hoạch và xây dựng riêng biệt với quy mô nhỏ. Nhiều khu thậm chí được xây dựng ở những vị trí xa trung tâm nhưng lại thiếu hạ tầng phục vụ nhu cầu của người dân như trường học, bênh viện, đường vào. Nhiều khu tái định cư sau một thời gian được đưa vào sử dụng đã xuống cấp nhanh chóng do chất lượng công trình không đảm bảo. Thậm chí, nhiều tòa nhà được xây dựng xong nhưng một số hạng mục cơ bản như phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý nước thải, cấp thoát nước hay nước sạch, thang máy, ... không được nghiệm thu. Đây là những nguyên nhân khiến nhiều người không mặn mà với nhà tái định cư, khiến nhiều dự án xây xong lại bị bỏ hoang gây lãng phí lớn.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, Hà Nội hiện có hàng loạt dự án tái định cư bị bỏ hoang do người dân không chịu nhận nhà mà nhận tiền. Như vậy, những khu nhà tái định cư này không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, theo Luật Đất đai hiện nay, phải có nhà tái định cư mới được triển khai dự án. Vì vậy, thực trạng nhà tái định cư ở Hà Nội hiện nay là “thừa thì vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu”.

Để giải bài toán này, theo ông Dũng, hoàn toàn có thể giao cho cấp tỉnh bố trí nhà tái định cư sang nhà ở xã hội và ngược lại. Nhà ở xã hội hiện nay đang thiếu rất nhiều, trong khi nhà tái định cư lại bỏ hoang, rất lãng phí.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT. Ảnh: Vneconomy

Còn theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT chia sẻ, chủ trương về nhà tái định cư là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chủ trương này lại có nhiều vấn đề. Trong tâm chí nhiều người, nhà tái định cư thường bị gắn với mác chất lượng thấp. Vì vậy, ngay từ đầu người dân đã cảm thấy không có thiện cảm với nhà tái định cư.

Bên cạnh đó, nhiều dự án nhà tái định cư được xây dựng nhưng không đáp ứng được nhu cầu của người dân bị giải tỏa. Phổ biến là liên quan đến kế sinh nhai của người dân khi đa phần những người thuộc diện bị thu hồi đất thường có thu nhập chủ yếu nhờ bám vào nhà mặt đất. Do đó, khi phải chuyển vào nhà chung cư cao tầng không giải quyết được vấn đề công ăn việc làm của người dân. Không có việc làm, không có thu nhập, người được tái định cư sẽ buộc phải bán lại nhà tái định cư với giá rẻ, thậm chí là bỏ không để tìm nơi khác để kiếm kế mưu sinh.

“Tái định cư không thể chỉ là vấn đề mỗi người dân được bao nhiêu m2 và xây cho xong. Để giải quyết vấn đề tái định cư thì cần phải tính đến các vấn đề sinh kế, công việc, thu nhập và đời sống của người dân ở nơi ở mới”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ nói.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội. Ảnh: áo Tài nguyên và môi trường

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, trong quy hoạch và xây dựng nhà ở tái định cư của Hà Nội thời gian qua còn tồn tại nhiều vấn đề. Theo đó, nhiều dự án nhà tái định cư vẫn đang được xây dựng theo cơ chế xin cho mà chưa bám sát theo nhu cầu sử dụng thực tế của người dân. Bên cạnh đó, các vấn đề về chất lượng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của các dự án chưa được đảm bảo. Do đó, nhà tái định cư ngày càng mất dần sức hấp dẫn đối với người dân, điều này dẫn đến nhiều công trình bị bỏ hoang, không người ở.

Ngoài ra, ông Điệp còn cho biết thêm, định hướng nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ trong chính sách nhà tái định cư là đúng vì điều này sẽ góp phần giúp đẩy nhanh quá trình thu hồi giải phòng mặt bằng vốn gặp nhiều khó khăn và kéo dài ở nhiều dự án.Tuy nhiên, hiện nay hiếm có dự án nhà tái định cư nào đạt được mục tiêu theo định hướng này, phần lớn đều thiếu các tiện ích, hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân.

“Hàng nghìn căn hộ tái định cư xây dựng xong bị bỏ hoang gây thất thoát, lãng phí hàng chục nghìn tỷ đồng và còn gây lãng phí quỹ đất rất lớn của đất nước. Do đó, cần có chính sách phù hợp để chuyển đổi mục đích sử dụng các công trình, dự án nhà tái định cư bị bỏ hoang. Có thể chuyển đổi thành nhà ở xã hội hoặc bán đấu giá để thu hồi vốn cho Nhà nước”, ông Điệp nói thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top