Hoàng Tiễn, Đồng sáng lập kiêm CEO chuỗi Coffee Bike, nói anh rất "ngán" nếu dịch thực sự quay lại. "Những ngày giãn cách xã hội trước đây cho tôi rất nhiều bài học về sự khó khăn. Nhưng thật lòng tôi không muốn học lại bài ấy lần nữa", Hoàng Tiễn chia sẻ.
Tâm trạng của Hoàng Tiễn không lạ trong giới kinh doanh F&B, khi các ca dương tính Covid-19 mới xuất hiện trong cộng đồng những ngày gần đây... Nhiều khả năng, ngành này sẽ bước vào cuộc chiến "sinh tồn" mới. Ở đó, những người "sống sót" qua đợt bùng phát đầu năm cũng chỉ mới khôi phục hoạt động bình thường hơn 2 tháng, một số có doanh thu còn chưa về được mức trước dịch.
Tại chuỗi cửa hàng và điểm bán có chỗ ngồi lại của Coffee Bike, doanh thu giảm đều 15-20% sau dịch. Tuy nhiên, mô hình nhượng quyền cà phê pha máy mang đi thì tăng trưởng mạnh về điểm bán và đơn hàng. "Có thể sau dịch mọi người đang thắt chặt chi tiêu và cũng hạn chế đến nơi đông người", Tiễn nói.
89’s Presso, một cửa hàng đồ uống và thức ăn nhẹ ở quận 1, TP.HCM chỉ mới khôi phục được kinh doanh bằng một nửa trước khi có dịch. "Chúng tôi khá lo lắng vì các hoạt động kinh doanh vừa được mở lại không lâu", Người đại diện của 89’s Presso nói phải chuẩn bị tâm lý cho khả năng phải giãn cách xã hội trở lại và biết tình hình kinh doanh sẽ ảnh hưởng rất nhiều.
Nhà hàng Kin Đee - Thai Gastropub (quận 1, TP.HCM) vừa khôi phục được phong độ hoàn toàn so với bình thường trước khi có dịch vào tháng này. Anh Nam Khuất, chủ nhà hàng nói khá lo ngại về những ca dương tính những ngày qua dù đã chuẩn bị tinh thần về khả năng có đợt dịch mới bùng phát.
Ông Hoàng Tùng, CEO chuỗi Pizza Home, một chuyên gia trong ngành F&B nhận định, có khả năng ngành này phải đối mặt với đợt khủng hoảng tiếp theo do Covid-19. Tuy nhiên, vẫn có 2 mặt tích cực.
Thứ nhất, sức mua của người dân vẫn mạnh và đặc biệt là công tác chống dịch được chính phủ thực hiện tốt, biểu hiện là ngay sau đợt cách ly xã hội lần trước, kinh tế phục hồi nhanh.
Thứ hai, mỗi đợt khủng hoảng là một cuộc thanh lọc. "Tôi nghĩ những doanh nghiệp đã trụ được đến hiện tại thì đều có sức mạnh và tích lũy tốt. Khó khăn trước đây ngành F&B đã vượt qua được thì đợt tới tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ vẫn tìm cách để có hướng đi và vượt bão thành công", ông Tùng đánh giá.
Thực tế, nhiều đơn vị đang tất bật lên kế hoạch "sinh tồn" lần hai, nếu cách ly xã hội diễn ra. Phần lớn biện pháp tương tự, được rút từ lần bùng phát dịch trước đó.
Ông Tùng vẫn trung thành với công thức 3 bước: Cắt - Giảm - Tăng, tức là cắt các điểm bán không hiệu quả; giảm chi phí trong sản xuất và giá thuê mặt bằng; tăng bán hàng qua ứng dụng và ra mắt sản phẩm mới, phù hợp nhu cầu.
"Lần này chúng tôi đã có kinh nghiệm ứng phó, những dịch chuyển cần thiết cũng đã làm xong và mô hình kinh doanh cũng đã tối ưu hơn", ông nói đã cho bộ phận kho hàng chuẩn bị sẵn nguyên liệu để có thể đảm bảo giá thành sản phẩm.
Tương tự, 89’s Presso hay Kin Đee - Thai Gastropub nói đã có kinh nghiệm ứng phó hơn. Anh Nam Khuất cho biết nếu giãn cách xã hội trở lại, anh sẽ thương lượng lại tiền thuê mặt bằng, giảm giờ làm nhân viên toàn thời gian và giảm số lượng nhân viên bán thời gian và chuyển sang mô hình giao hàng với thực đơn mới phù hợp với nhu cầu và đảm bảo chất lượng mang đi.
"Nhân viên lẫn khách hàng đều đã quen với việc phòng chống dịch, nên cũng dễ dàng hơn, giờ có chỉ thị thì chúng tôi sẽ kích hoạt ngay các bước. Chỉ có điều về mặt kinh doanh chắc sẽ vẫn khó khăn nhiều", phía 89’s Presso nói.
Hoàng Tiễn thì chọn phương pháp "án binh bất động", ưu tiên phòng thủ. "Trong dịch bệnh, mình muốn xoay xở cho mọi việc tốt hơn nhưng dịch có nhiều yếu tố bất ngờ, nên tôi thấy cần nghỉ ngơi ngay từ đầu", Tiễn nói. Anh từng thấy một bức ảnh con rắn quấn quanh lưỡi cưa, càng cựa quậy thì vết thương càng lớn. Nó giống những gì anh cảm nhận trong tình huống này.
Tuy nhiên, anh nói thêm rằng, nhiều bạn bè kinh doanh cũng thành công bằng việc bán hàng qua ứng dụng giao hàng, nên các đơn vị có thể cân nhắc quyết định nghỉ hẳn việc bán hàng trực tiếp và chuyển cửa hàng lên online hoàn toàn.
Bên cạnh tự thân tìm hướng xoay xở, giới F&B cho rằng họ cũng cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Các chủ nhà hàng, quán ăn, tiệm đồ uống hiểu diễn biến phức tạp và yếu tố bất ngờ cao, nên đội ngũ điều hành chống dịch của nhà nước rất khó đưa ra hướng dẫn chi tiết cho từng ngành nghề. Nhưng nếu có thể, các văn bản hướng dẫn cần được chi tiết hơn.
"Dịp dịch bệnh vừa qua, khi nhận được các văn bản thông báo, tâm lý chung các cửa hàng là chưa hiểu nội dung cần phải thực hiện, dẫn đến lúng túng, đôi khi là thực hiện sai", một đơn vị cho biết.
Thời gian công bố giãn cách xã hội cũng cần sớm hơn để các đơn vị kịp chuẩn bị, nêu rõ mô hình F&B nào được hoạt động ra sao. "Lần trước khi có thông báo các nhà hàng phải đóng cửa thì ngay 6h chiều hôm đó là có hiệu lực luôn rồi", anh Nam Khuất chia sẻ.
Còn theo Hoàng Tiễn, để triệt tiêu khả năng lây lan qua hành vi mua bán trực tiếp, có thể cho chuyển đổi ngay lập tức từ ăn uống tại chỗ sang bán mang đi hoặc giao hàng thay vì qui định ngồi 20 người, 10 người hay 2 người. "Cửa hàng cố gắng hoạt động trong tình trạng như thế, không giúp tình hình kinh doanh tốt hơn. Mà nguy cơ lây lan dịch bệnh lại rất lớn", anh góp ý.