Vỡ mộng
Một dự án làm thất vọng khách hàng tại TP.HCM là Dự án Căn hộ cao cấp SaiGonRes Plaza (79-81 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh) do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Nam Đô (thuộc Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn) làm chủ đầu tư. Qua hơn 5 tháng Dự án được đưa vào sử dụng (cuối năm 2016), niềm vui nhận nhà đúng tiến độ chưa dứt, thì cư dân sinh sống ở đây đã gặp quá nhiều điều không hài lòng về chất lượng công trình, cũng như các dịch vụ và cách quản lý của khu chung cư.
Cụ thể, chỉ qua 3 trận mưa đầu mùa, các căn hộ ở Block B đều bị ngấm nước, thấm dột. Những căn hộ ở tầng 7 Block A bị nứt tường, nên mưa nước chảy vào nhà, làm đồ đạc bị ẩm ướt, dễ gây hỏng hóc. “Các thiết bị trong nhà vệ sinh đều không có tem, nhãn mác thương hiệu đàng hoàng. Nếu có chữ viết ghi thương hiệu, thì dùng tay cũng có thể xóa được. Nhà vệ sinh liên tục xuất hiện mùi khó chịu do hệ thống thoát nước kém”, một cư dân tại đây phản ánh thêm.
Để xảy ra tình trạng trên, lỗi lớn thuộc về chủ đầu tư, nhưng vẫn có phần lỗi của cơ quan chức năng khi thẩm định, nghiệm thu công trình.
Tương tự, Dự án chung cư cao cấp tại Thảo Điền Pearl tại quận 2 mới được đưa vào hoạt động, nhưng cư dân tại đây đã phải đau đầu về chất lượng sản phẩm. Thậm chí, vừa qua, chủ nhân của một căn hộ tại đây phải bỏ nhà đi vì nhà vệ sinh bị trào hầm cầu, ngập ngụa chất thải… Nguy hiểm hơn, cửa sổ các căn hộ còn bị vỡ kính nhiều lần, gây mất an toàn cho người sử dụng.
Ai chịu trách nhiệm?
Câu chuyện trách nhiệm ở các dự án nêu trên đang được hàng ngàn cư dân tại đây đặt ra. Theo nhiều chuyên gia, để xảy ra tình trạng này, lỗi lớn thuộc về chủ đầu tư, nhưng vẫn có phần lỗi của cơ quan chức năng khi thẩm định, nghiệm thu công trình. “Nếu thẩm định kỹ từng hạng mục, cũng như vật liệu thi công trước khi nghiệm thu, thì chủ đầu tư khó mà làm ăn gian dối, gây cảnh khổ sở như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành nói.
Theo Luật sư Đoan Bá Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM), tại nước ngoài, luật quy định rõ, khi chủ đầu tư bán sản phẩm, thì người mua bắt đầu thành lập ban quản trị để giám sát và xem xét hồ sơ xây dựng. Việt Nam chưa thực hiện việc này, mà chủ đầu tư tự làm, rồi cơ quan chức năng nghiệm thu và đưa vào hoạt động.
“Tại sao chúng ta không bổ sung quy định người mua sẽ giám sát ngay từ đầu để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Chứ đợi đến khi dự án xong rồi, vào ở mới phát hiện chất lượng kém, thì ở cũng khổ mà đi cũng không xong, rồi dẫn tới kiện cáo”, ông Trường nói.
Cũng theo ông Trường, nếu chất lượng công trình kém, người mua có quyền kiện, lựa chọn một trong 2 phương án: không chấp nhận căn hộ và yêu cầu chủ đầu tư chịu phạt để tự sửa chữa; cùng chủ đầu tư kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa, đồng thời bồi thường vì vi phạm chất lượng, nếu hợp đồng cho phụ lục điều này.
“Hầu hết các hợp đồng mua bán giữa khách hàng và chủ đầu tư, cũng như mẫu đăng ký tại cơ quan nhà nước đều không có quy định phạt về chất lượng công trình kém, nên khách hàng rất khó kiện được chủ đầu tư trong trường hợp này”, Luật sư Trường nói.