Aa

Bất động sản đóng băng, hàng trăm doanh nghiệp Thanh Hóa “thở oxy“… chờ thời

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Năm, 09/03/2023 - 13:50

Thị trường đóng băng khiến doanh nghiệp bất động sản không thể ra hàng. Việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn, trong khi lãi vay ngân hàng cao khiến không ít doanh nghiệp lao đao, có nguy cơ phá sản.

Áp lực bán hàng - nguồn vốn đè nặng…

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa, doanh nghiệp bất động sản Thanh Hóa hiện nay đang gặp những thách thức bởi các yếu tố như: Vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án chưa được tháo gỡ đồng bộ, thống nhất về chính sách, đặc biệt là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất; Khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất cho vay cao, tỷ giá ngoại tệ biến động; Giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động; Khách hàng mua bất động sản khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm dự án bất động sản, dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư; Nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, thậm chí bị điều tra, dẫn đến các sở, ngành liên quan chậm phối hợp cho ý kiến hoặc giải quyết thủ tục pháp lý dự án.

thanh hoá
Thị trường bất động sản Thanh Hóa hầu như đóng băng, các giao dịch ít hẳn, các sản phẩm như đất nền,
nhà phố giảm giá từ 20 - 30% nhưng không thể bán được. (Ảnh minh họa: Viết Huy)

Từ những khó khăn trên, thị trường bất động sản Thanh Hóa hầu như đóng băng, các giao dịch ít hẳn, các sản phẩm như đất nền, nhà phố giảm giá từ 20 - 30% nhưng không thể bán được. Thực trạng này đã khiến hàng loạt công ty xây dựng, kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch, văn phòng môi giới bất động sản tại Thanh Hóa đóng cửa, thậm chí có nguy cơ phá sản hoặc tạm dừng hoạt động.

Ông Lê Văn T., chủ một doanh nghiệp bất động sản có tiếng tại Thanh Hóa cho biết khoảng gần 3 quý trở lại đây, doanh nghiệp của ông rơi vào cảnh vô cùng khó khăn, hoạt động kinh doanh hầu như bị chững lại, trong khi dự án vẫn phải huy động mọi nguồn lực để gấp rút thi công cho kịp tiến độ. Không những vậy, nhiều khách hàng liên tục có đơn xin hoãn thanh toán tiền theo hợp đồng đã ký. Thậm chí, có không ít khách hàng xin hủy hợp đồng, nhận lại tiền đặt cọc dù chịu lãi phạt.

"Kể từ khi thị trường bất động sản chững lại, doanh nghiệp hầu như không có giao dịch nào, thậm chí, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng mua hàng từ trước còn viết đơn xin thanh lý hợp đồng, dù chấp nhận chịu phạt. Mỗi tháng trôi qua, công ty phải chi trả nhiều khoản chi phí để duy trì vận hành bộ máy trong khi vẫn chịu áp lực dòng tiền cho các khoản lãi vay ngân hàng, đáo hạn thanh toán ngân hàng cùng với các chi phí như lương, hoa hồng môi giới…".

Dự án không thể bán được hàng dẫn đến áp lực dòng vốn để "xoay vòng" ngày một lớn, trong khi lãi vay tín dụng vẫn còn cao khiến không ít doanh nghiệp bất động sản lao đao, khó khăn lại càng khó khăn hơn.

"Khoảng 5 tháng trở lại đây là thời gian khó khăn nhất đối với công ty chúng tôi, do việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng trở nên vô cùng khó. Trong khi đó, tiền lãi từ những hợp đồng vay trước ngày một tăng cao khiến doanh nghiệp đã khó nay còn khó hơn. Nếu tình hình này tiếp tục, công ty sẽ có nguy cơ vỡ nợ hoặc chấm dứt hoạt động". Ông T. cho biết thêm.

bđs thanh hoá
Nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa thừa nhận tình hình kinh doanh và "sức khỏe" doanh nghiệp
hiện đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. (Ảnh minh họa: Viết Huy)

Còn theo ông Loan, chủ một doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh bất động sản tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho rằng dòng tiền bị nghẽn đang là vướng mắc lớn nhất của thị trường hiện nay. Lãi suất vay ở mức cao dẫn đến thanh khoản sản phẩm ngưng hẳn, nếu tình hình này không được kịp thời tháo gỡ thì khả năng thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đóng băng trong những tháng tiếp theo.

"Ba tháng trở lại đây, công ty chúng tôi không thực hiện bất cứ giao dịch bất động sản nào, trong khi đó nguồn vốn đã đổ hết vào dự án. Để kéo sức mua, huy động vốn, công ty đã tung ra những chính sách kích cầu, ưu đãi, hỗ trợ lãi vay nhưng vẫn không ăn thua. Với tình hình hiện nay, ngoài việc huy động vốn từ khách hàng và tín dụng ngân hàng với lãi suất cao, công ty không thể huy động vốn từ các nguồn hợp pháp khác. Hy vọng rằng trong thời gian tới, các cấp quản lý sẽ có những biện pháp kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh trở lại".

Cùng chung những khó khăn như trên, nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa thừa nhận tình hình kinh doanh và "sức khỏe" doanh nghiệp hiện đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng ngặt ngèo. Nhiều doanh nghiệp đang kiệt sức bởi hàng bán không được, không có doanh thu trong khi nguồn vốn đang bị siết chặt, lãi suất cao, nợ đáo hạn phải trả cận kề, áp lực chi phí doanh nghiệp đè nặng,…

Hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, phá sản

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, trong 2 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có 285 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 26% và 239 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 59% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và doanh nghiệp giải thể, thông báo giải thể đều có xu hướng tăng mạnh, với trên 500 doanh nghiệp.

Còn theo ước tính của các công ty tài chính trong nước, hiện nay có khoảng 46.145 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn trong nửa đầu 2023 và 64.185 tỷ đồng đáo hạn trong nửa cuối 2023, gây ra áp lực thanh khoản trả nợ vay cho các chủ đầu tư.

bđs thanh hoá
Nguồn cung mới ra thị trường từ những dự án mới chưa thể khơi thông do nhiều vướng mắc về pháp lý
cần được xem xét để tháo gỡ. (Ảnh minh họa: Viết Huy)

Thực trạng hiện nay đó là dòng vốn của các doanh nghiệp ở Thanh Hóa chủ yếu huy động từ ngân hàng, tỉ lệ huy động vốn từ trái phiếu là rất ít. Cả hai kênh huy động này đều đang gặp khó khăn bởi sự giám sát chặt chẽ. Trong khi nguồn cung mới ra thị trường từ những dự án mới chưa thể khơi thông do nhiều vướng mắc về pháp lý cần được xem xét để tháo gỡ.

Những khó khăn kể trên đã khiến không ít các doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ, các sàn giao dịch, văn phòng môi giới cắt giảm nhân viên, nợ lương và cuối cùng là đóng cửa. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ, mới đây một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lớn tại Thanh Hóa đã thông báo cắt giảm trên 90% nhân sự. Nhiều chi nhánh, văn phòng của doanh nghiệp này đóng cửa, trả mặt bằng. Thế nhưng, doanh nghiệp này vẫn không thoát khỏi nguy cơ bị phá sản trong thời gian tới.

Chuyên gia bất động sản đánh giá: "Nguyên nhân khiến thị trường trầm lắng, đóng băng, doanh nghiệp phá sản nhiều như hiện nay chủ yếu là do thiếu dòng vốn vay từ ngân hàng, huy động từ trái phiếu và doanh nghiệp không có doanh thu...

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các khoản vay ngân hàng bị thắt chặt, thị trường trái phiếu chao đảo và bán hàng trầm lắng khiến dòng tiền của nhiều nhà phát triển bất động sản dần cạn kiệt. Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản phá sản sẽ ngày một cao".

reatimes
Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tài chính, tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội là biện pháp được nhà đầu tư mong đợi. (Ảnh minh họa: Viết Huy)

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận vốn đã khó, mà ngay cả các khách hàng có nhu cầu mua bất động sản cũng gặp khó bởi các quy định ngặt nghèo của ngân hàng dẫn đến dòng tiền trở nên khan hiếm. Điều này khiến các doanh nghiệp bất động sản không thu hồi được vốn, đồng nghĩa với việc không thể trả nợ ngân hàng, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên rất cao. Cho nên, nếu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn không kịp thời, thiết thực, doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng bị đào thải, ngừng hoạt động, phá sản.

Ông Nguyễn Xuân Hưng - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Thanh Hóa đã đưa ra một số đề xuất tháo gỡ vướng mắc đó là chính sách tháo gỡ khó khăn từ chính phủ hiện nay chỉ là giải pháp hỗ trợ, còn việc áp dụng vào thực tế và áp dụng như thế nào cần phải có thời gian, chính sách cụ thể.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm.

Trong đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Đó là những tín hiệu tích cực tốt cho thị trường bất động sản cả nước hiện nay, tuy nhiên, thời điểm này, các doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt tìm cơ hội tháo gỡ khó khăn, từng bước vượt qua thách thức trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều biến động.

"Trong lúc này, các giải pháp tháo gỡ khó khăn chủ yếu là chính phủ điều chỉnh Nghị định để hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp được thuận lợi, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần sớm thúc đẩy việc triển khai gói tín dụng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay ưu đãi với chủ đầu tư, nhà đầu tư, để tăng cung về nhà ở xã hội, tạo giao dịch, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nghành nghề khác.

Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cần công khai cụ thể, minh bạch thông tin về quy hoạch, giao dịch bất động sản; rà soát, phân loại các dự án theo tính chất dự án và tiến độ triển khai để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Hoàn thiện thể chế, điều chỉnh luật cho phù hợp với tình hình thực tế. Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tài chính, tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngân hàng điều chỉnh hạn mức tín dụng phù hợp; giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng,...); đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Bình ổn giá cả nguyên, vật liệu đầu vào ngành xây dựng”. Lãnh đạo Hội doanh nhân trẻ Thanh Hóa cho biết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top