Phê duyệt quy hoạch tỉnh là sức mạnh để đưa Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu
Trong thời kỳ phát triển nhanh và bền vững như hiện nay, có thể thấy Thanh Hóa đang dần trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.
Theo quy hoạch được thủ tướng phê duyệt, đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội.
Ngày 27/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có thể thấy, đây là một trong những quyết định vô cùng quan trọng vì đây là khung pháp lý vững chắc để đưa Thanh Hóa ngày càng phát triển theo định hướng của Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước, một cực tăng trưởng mới.
Theo như Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quan điểm, mục tiêu là phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Quy hoạch đề ra tỉnh Thanh Hóa sẽ tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm hài hòa, sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển, chú trọng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phù hợp với khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Như vậy, theo đúng định hướng, đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước. Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những mục tiêu mà quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đề ra cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,1% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP đến năm 2030: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 57%; dịch vụ chiếm 33,3%; thuế sản phẩm chiếm 4,6%.
GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 USD trở lên; năm 2030 đạt 7.850 USD trở lên. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 750.000 tỷ đồng trở lên; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 900.000 tỷ đồng trở lên. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 50% trở lên. Đến năm 2025, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 88%; đến năm 2030, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%.
Quy hoạch cũng đề ra việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch và công bằng, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật là những ưu tiên trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Trọng tâm là các dự án trọng điểm, lan tỏa, các dự án hạ tầng giao thông, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh đồng bộ với hạ tầng dữ liệu Quốc gia, tạo nền tảng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm lớn về du lịch của cả nước với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Tập trung phát triển du lịch trên ba loại hình du lịch chính, đó là: Du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử.
Ngoài phát triển du lịch, tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường. Phát triển các ngành dịch vụ vận tải kho bãi, thương mại, giáo dục đào tạo, thông tin và truyền thông, kinh doanh bất động sản, chuyển giao khoa học, công nghệ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Theo quy hoạch, tỉnh Thanh Hóa sẽ điều chỉnh 63 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 1.499,67km, nâng cấp 99 tuyến đường huyện, đường đô thị lên đường tỉnh và điều chuyển 2 tuyến từ quốc lộ thành đường địa phương với tổng chiều dài khoảng 2.044,35km.
Xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại khu kinh tế Nghi Sơn; trung tâm logistics cấp tỉnh tại khu vực phía Tây TP. Thanh Hoá và trung tâm logistics tại khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng.
Quy hoạch phân vùng không gian liên huyện của tỉnh thành 5 vùng, phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực: Trung tâm động lực phía Nam (khu kinh tế Nghi Sơn); Trung tâm động lực TP. Thanh Hóa - Sầm Sơn; Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng); Trung tâm động lực phía Bắc (Bỉm Sơn - Thạch Thành).
Phát triển 6 hành lang kinh tế bao gồm: Hành lang kinh tế ven biển; Hành lang kinh tế Bắc Nam; Hành lang kinh tế trung tâm; Hành lang kinh tế quốc tế; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Đông Bắc.
Đến năm 2025, toàn tỉnh có 47 đô thị các loại; trong đó, 1 thành phố là đô thị loại I (Đô thị Thanh Hóa: sáp nhập huyện Đông Sơn vào Thanh Hóa); Đến năm 2030, toàn tỉnh có 47 đô thị; trong đó, 1 thành phố là đô thị loại I (Đô thị Thanh Hóa). Tập trung phát triển khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Giai đoạn sau năm 2030, phát triển cửa khẩu quốc tế Na Mèo thành khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo.
Tiếp tục thực hiện 8 khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt với tổng diện tích 1.424,2ha, phát triển mới 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.281,5ha; sau năm 2030 phát triển mới thêm 2 khu công nghiệp với diện tích 872ha. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.267,25ha. Giai đoạn sau năm 2030, gồm 126 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.893,65ha.
Phát triển các trung tâm thương mại tại khu vực đô thị, trị trấn, trung tâm xã, trên cơ sở đảm bảo phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nông thôn. Phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030, tổng diện tích tự nhiên 1.111.471,36ha, trong đó: diện tích đất nông nghiệp là 894.325,36ha; đất phi nông là 202.990,00ha; đất chưa sử dụng là 14.156,00ha.
Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa, các công trình cấp bách. Khai thác có hiệu quả các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, xã hội hóa, đa dạng các hình thức đầu tư nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế.
Tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nâng cao thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); tổ chức thực hiện tốt Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện (DDCI). Tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và các trang thông tin điện tử của các sở, ban ngành cấp tỉnh.
Như vậy, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không chỉ có ý nghĩa riêng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa mà còn góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới./.