Aa

Hàng tỷ đồng vốn góp của khách hàng vào dự án Twin Tower đang ở đâu?

Thứ Sáu, 24/02/2017 - 06:01

Được cấp phép xây dựng từ năm 2011 nhưng đến thời điểm hiện nay, dự án Twin Tower có địa chỉ tại số 1152-1154 đường Láng vẫn chỉ là một bãi đỗ xe. Trong khi đó, tiền góp vốn của khách hàng không được trả lại. Dư luận đang đặt câu hỏi, hàng tỷ đồng góp vốn của khách hàng đã vào túi ai?

Dự án Twin Tower hay còn gọi là Tổ hợp Dịch vụ công cộng Nhà ở cho thuê và Văn phòng cho thuê số 1152 - 1154 đường Láng, rộng 6.046,4 m2, trước đây do 2 đơn vị là Công ty Giống cây trồng (nay là Công ty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội) và Công ty Giống gia súc Hà Nội quản lý.

Năm 2006, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6) đã ký biên bản thỏa thuận với các bên liên quan làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 6.046,4 m2 đất này và chuyển mục đích sử dụng để xây dựng tổ hợp văn phòng cao tầng.

Đến tháng 6/2010, dự án lại thay đổi chủ đầu tư, khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đứng ra thu hồi toàn bộ diện tích 6.046,4 m2 do Handico 6 đang sử dụng, giao cho Công ty Cổ phần Tân Phú Long thuê để tiếp tục đầu tư xây dựng Tổ hợp Dịch vụ công cộng Nhà ở cho thuê và Văn phòng cho thuê.

Tháng 4/2011, dự án chính thức được Sở Xây dựng TP. Hà Nội cấp phép với quy mô 25 tầng cao, 3 tầng hầm, 2 tầng kỹ thuật. Sau thời điểm này, tháng 7/2011, Công ty Cổ phần Tân Phú Long bắt đầu tiến hành huy động của nhiều khách hàng với số vốn từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng để giành quyền mua căn hộ tại dự án.

Khu đất xây dựng dự án Twin Tower đường Láng hiện nay vẫn là một bãi trông giữ xe. Ảnh: Vạn Xuân

Khu đất xây dựng dự án Twin Tower đường Láng hiện nay vẫn là một bãi trông giữ xe. Ảnh: Vạn Xuân.

Thời điểm đó, một số cán bộ, người nhà cán bộ quản lý của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) được khuyến khích đăng ký trước để kêu gọi thêm cán bộ khác tham gia vào dự án. Do tin tưởng MIC, từ tháng 7/2011, một số cán bộ đã nộp tiền mua nhà tại dự án, với mức tiền lên tới 60-70% giá thành căn hộ dự kiến mua.

Tuy nhiên, sau khi khách hàng đã đóng tiền được một năm, dự án không triển khai được gì. Điều này đã vi phạm cam kết với khách hàng. Tháng 8/2012, một số người đóng tiền đã ký đơn kiến nghị MIC trả lại tiền đã nộp vào để mua nhà dự án.

Sau nhiều lần có đơn kiến nghị và làm việc trực tiếp với lãnh đạo MIC cũng như Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Tân Phú Long, những khách hàng đã đóng tiền chỉ nhận được những lời hứa suông. Quá bức xúc, đại diện nhóm khách hàng đã gửi đơn kiến nghị tới Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội là công ty mẹ của MIC.

Sau đó, các khách hàng đã nhận được biên bản của Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tân Phú Long về việc thống nhất phương án trả tiền cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, sau rất nhiều văn bản hứa hẹn, khất thời hạn trả tiền, đến nay mọi việc đều rơi vào im lặng.

Mặc dù từ thời điểm Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tân Phú Long hứa trả tiền cả gốc lẫn lãi cho khách hàng đến nay đã 5 năm trôi qua, nhưng hiện vẫn chưa một khách hàng nào nhận được một đồng tiền trả lại.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc với phóng viên Reatimes ngày 22/2, ông Lê Như Hải, Phó Tổng giám đốc MIC (đơn vị nắm giữ 69% cổ phần của Tân Phú Long) và cũng là người vừa được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tân Phú Long cho biết, trong một năm qua, Tân Phú Long rất khó khăn và hiện không còn tiền.

Ông cũng cho biết, MIC chỉ là một cổ đông, có 69% vốn góp nên không thể quyết định việc chi trả tiền cho khách hàng góp vốn vào dự án, bởi theo quy định của công ty, chỉ những cổ đông có vốn góp 75% mới có quyền quyết định.

“Có một số biện pháp để trả tiền cho khách hàng nhưng có cái khó. Quan trọng nhất là phải có giấy phép xây dựng của thành phố, từ đó sẽ huy động vốn được của các ngân hàng. Sau khi huy động được vốn của ngân hàng sẽ ưu tiên trả cho người dân vì hiện nay tiền của khách hàng đóng vào mua dự án đã đổ hết vào công trình”, ông Hải cho biết.

Trước trả lời của ông Hải, trao đổi với phóng viên Reatimes, một khách hàng có đơn khiếu kiện cho rằng, cách trả lời của ông Phó Tổng giám đốc MIC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tân Phú Long như trên là rất khó chấp nhận. Bởi Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tân Phú Long (trong đó có MIC là một thành viên nắm giữ phần lớn cổ phần) đã ra nghị quyết trả tiền cho người dân từ năm 2012.

Còn việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tân Phú Long nói rằng, bao giờ công trình được cấp phép xây dựng, khi đó vay được tiền của các ngân hàng thì sẽ ưu tiên trả nợ cho người dân, càng chứng tỏ tập thể Công ty Cổ phần Tân Phú Long, trong đó có ông vô trách nhiệm trước đồng tiền góp vốn của khách hàng đặt cọc mua nhà dự án.

“3 đơn vị lớn như vậy, xây cả một tổ hợp cao ốc đến cả nghìn tỷ đồng, chẽ nhẽ chỉ dùng số tiền của khách hàng đóng góp? Phải chăng chủ đầu tư dự án đang định tay không bắt giặc? Với một tập thể chủ đầu tư như vậy, sau này khi có giấy phép, liệu có ngân hàng nào còn tin tưởng cho vay?”, vị khách hàng nói.

Theo phân tích của khách hàng này, qua cách nói của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tân Phú Long, rõ ràng việc sử dụng vốn góp của khách hàng ở dự án này đang có vấn đề. Do đó, các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội và Bộ Quốc phòng cần sớm vào cuộc để tìm hiểu xem số tiền khách hàng đóng vào dự án đã được chi tiêu vào việc gì hay đã rơi vào túi ai?

Reatimes sẽ tiếp tục làm sáng tỏ vụ việc này!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top