Những ngày gần đây, dư luận đang nóng lên xung quanh vụ việc Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo đã lấy hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về rồi “đội lốt” làm hàng có xuất xứ tại Việt Nam, khiến người tiêu dùng bán tín bán nghi.
Lại thấy vừa rồi, trên VTV1 có cuộc phỏng vấn CEO của công ty này thì được biết, phần mềm, tiêu chuẩn chất lượng và thiết kế kiểu dáng... là sản phẩm của Asanzo, các nhà sản xuất tại Trung Quốc chỉ làm theo đơn đặt hàng. Thậm chí những con chip điện tử và hệ thống kiểm tra chất lượng... đều được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản...
Thế là rối tinh rối mù về khái niệm thế nào là hàng Việt Nam. Bởi lẽ khi nền kinh tế ngày càng được toàn cầu hóa, một sản phẩm không nhất thiết phải được sản xuất tại một quốc gia thì mới được công nhận xuất xứ. Như khi nhắc đến máy bay Boeing thì người ta nghĩ ngay là xuất xứ từ Mỹ, nhưng thực tế, các bộ phận lại được sản xuất từ hàng chục quốc gia khác nhau.
Chẳng hạn tại Việt Nam, ngày 29/3 vừa rồi đã tiến hành lễ khởi công Nhà máy Sản xuất Linh kiện hàng không vũ trụ Đà Nẵng Sunshine với vốn đầu tư 170 triệu USD. Tại đây, dự kiến sẽ sản xuất các bộ phận thân máy bay cho các loại máy bay Boeing 787, 777, 737 và khoảng 4.000 chi tiết/5 triệu chi tiết máy bay các loại để xuất khẩu.
Vâng, trong 5 triệu chi tiết của máy bay thì ở đây mới đảm nhận được chưa tới 0,1%, còn lại còn phải trông chờ ở các nơi khác trên toàn cầu.
Lại một hình ảnh khác, theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), Việt Nam hiện có đến hơn 80% hàng nông sản được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém.
Cũng theo Viện này, "nông sản của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại".
Đấy, một sản phẩm hoàn toàn do người Việt Nam nghĩ ra, làm ra, nhưng chỉ thiếu “khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại” mà đã mang xuất xứ của nước ngoài.
Trở lại vấn đề Asanzo, theo tài liệu điều tra của phóng viên báo Tuổi Trẻ đăng trên nhiều kỳ gần đây, điều đầu tiên dễ nhận thấy là sự thiếu minh bạch của những sản phẩm mang thương hiệu này.
Thí dụ, trên tàu CAIYUNHE 352S cập cảng Cát Lái ngày 15/4/2019, vận đơn COAU708581... thể hiện bên trong các container là 5.300 nồi cơm điện hiệu Asanzo model RC-18AS3 do Công ty Guangdong Zhanjiang Household Electric cung cấp. Ngoài ra còn gần 2.500 cái ấm đun nước điện Asanzo model SK-1801 do Công ty Guangdong Weking Group cung cấp...
Thử hỏi, trong những cái nồi cơm điện, lò vi sóng, ấm đun nước điện Asanzo kia có bao nhiêu “phần mềm”, bao nhiêu con chíp, bao nhiêu bản thiết kế kiểu dáng sản phẩm... được coi là xuất xứ từ Việt Nam?
Nếu bây giờ lại có lập luận tương tự như với hàng nông sản Việt Nam qua vụ Asanzo rằng: "Hàng công nghiệp tiêu dùng của Trung Quốc đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng với thị trường Việt Nam, mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là sản phẩm không hoàn chỉnh, trong khi giá trị gia tăng lại nằm trong khâu hoàn thiện, bao gói và hoạt động thương mại". Vậy niềm hãnh diện thuộc về ai?
Thế đấy, trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, chúng ta phải chấp nhận có những hàng hóa hoàn toàn sản xuất tại Việt Nam nhưng khi đến người tiêu dùng lại không có xuất xứ từ Việt Nam, và ngược lại, có những sản phẩm sản xuất ở rất nhiều quốc gia khác nhau nhưng khi người Việt Nam làm chủ (chủ quyền quốc gia, chủ quyền thương hiệu, chủ quyền pháp nhân...) thì không lẽ nào từ bỏ?
Vì vậy, việc định lỗi hay tội trong vụ việc Asanzo, mọi gian dối không thể chấp nhận, chắc hẳn là phải chờ kết luận của các cơ quan có trách nhiệm. Duy có một điều rất cần, các nhà hoạch định chính sách nước nhà hãy tạo ra cho được khái niệm chuẩn: Thế nào là hàng Việt Nam, tựa như máy bay Boeing được sản xuất trên toàn cầu nhưng vẫn là của Mỹ vậy.