Aa

Hậu Covid-19: Môi giới bất động sản trở lại "đường đua"

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 12/06/2020 - 13:41

Nửa đầu năm 2020, nhân viên môi giới bất động sản đối mặt với nhiều thách thức, từ đại dịch Covid-19. Để trở lại đường đua sau dịch, môi giới phải có chiến lược trong cuộc cạnh tranh mới.

Lời Tòa soạn:

Khoảng 5 năm trở lại đây, hoạt động môi giới bất động sản thu hút một lượng lớn lao động, hàng trăm ngàn công ty môi giới lớn nhỏ được thành lập ở khắp các tỉnh hành, đặc biệt là những địa bàn có tốc độ phát triển đô thị và hạ tầng nhanh như Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP.HCM…

Tuy nhiên, từ năm 2019 và nửa đầu năm 2020, cộng đồng bất động sản Việt Nam trong đó có ngành môi giới bất động sản đã liên tiếp gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Từ những những vướng mắc trong chính sách chưa kịp tháo gỡ cho đến đại dịch Covid-19 hoành hành.

Với mong muốn nhanh chóng thay thế bức tranh ảm đạm của thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua bằng những gam màu tươi sáng hơn, đồng thời động viên tình thần, thúc đẩy năng lực nội tại cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, kinh doanh dịch vị bất động sản ở Việt Nam, ngày 27/6 tới đây, sự kiện “Ngày hội môi giới bất động sản Việt Nam 2020” lần thứ 5 sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội.

Đồng hành cùng sự kiện, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Hậu dịch Covid-19: Môi giới bất động sản trở lại "đường đua"

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Môi giới bất động sản chồng chất nhiều khó khăn

Ngành môi giới bất động sản từng được kỳ vọng năm 2020 sẽ khởi sắc sau khi đã trải qua một năm 2019 đối mặt không ít khó khăn về nguồn cung và pháp lý. Tuy nhiên, vừa bước sang năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nền kinh tế hết sức nặng nề, ngành bất động sản nói chung, các sàn giao dịch, nhân viên môi giới đang kinh doanh trong lĩnh vực này cũng không thoát khỏi vòng xoáy khó khăn.

Thống kê mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý I/2020 do ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp bất động sản chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động trực tiếp, còn lại làm việc trực tuyến tại nhà, một phần phải cho nghỉ. Trong 3 tháng đầu năm 2020, có khoảng 80% số lượng sàn đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch. Nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp, cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch đang hoạt động cầm chừng.

Còn theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), đến hết năm 2019, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản là khoảng 1.000 sàn. Thế nhưng sự bùng phát của dịch bệnh đầu năm 2020 khiến khoảng 1/3 số sàn phải đóng cửa. Điều này phản ánh rõ bức tranh tổng thể chung của thị trường bất động sản là vô cùng khó khăn.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, có khoảng 80% số lượng sàn đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch. 

Ngoài ra, một thống kê từ VARs cũng cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay có gần 300.000 người làm nghề môi giới, chủ yếu tập trung ở hai thị trường là Hà Nội và TP.HCM (Hà Nội có gần 60.000 người, TP.HCM gần 100.000 người). Các môi giới hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc tự hoạt động cá nhân. Trong đó số lượng môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề khoảng chỉ khoảng 35.000 (tương đương 12%). Như vậy, trên thực tế có rất đông môi giới hoạt động tự do, không ký hợp đồng lao động, thu nhập bấp bênh và dựa chủ yếu vào nguồn cung bất động sản.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Tất Thái, một môi giới lâu năm tại Hà Nội: “Chưa bao giờ tôi thấy nghề làm môi giới bất động sản lại khó khăn như năm nay. Anh em môi giới khắp nơi ở Hà Nội đều đang khó khăn trăm bề vì không có thu nhập. Có nhiều người ký hợp đồng với các công ty lớn thì còn được hỗ trợ đôi chút. Còn những môi giới cá nhân, không ký hợp đồng với công ty nào thì vô cùng khó khăn. Nhưng tôi tin rằng đây chỉ là giai đoạn khó khăn tạm thời. Bất động sản từng giúp nhiều người làm giàu được thì giờ chúng ta cũng phải chấp nhận cùng nhau vượt qua khó khăn”.

Còn môi giới Nguyễn Xuân Trường chia sẻ: Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến giao dịch, nhiều khách hẹn nhưng không khách nào đi xem. Từ đầu năm đến nay cả xã hội đều chăm chăm vào việc chống dịch, không ai nghĩ gì đến bất động sản nên tôi cũng không bán được. Vài tháng qua phần lớn khách hàng hỏi mua đất đều giữ tâm lý chờ mua giá rẻ. Năm 2019 thu nhập của tôi so với 2018 giảm đến gần 50%, năm nay thì chắc sẽ phải giảm 70 - 80%. Mọi hy vọng dồn vào quý cuối của năm nhưng để phục hồi hoàn toàn thì chắc phải sang năm 2021".

Một giám đốc sàn bất động sản ở khu vực phía Nam cho biết, dịch bệnh lần này có thể xem là cơ hội để môi giới bất động sản có thêm những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn bước qua được giai đoạn khủng hoảng, có những kiến thức nhất định để duy trì hoạt động khi thị trường gặp lực cản.

Môi giới cần có nhiều chiến lược mới

Hậu dịch Covid-19 là thời điểm để thu hút khách do đó các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp bất động sản và người môi giới luôn tìm tòi “chiêu” mới, trong đó có việc hình thành công nghệ tiếp thị và bán hàng mang tính chuyên nghiệp để tiếp cận người có nhu cầu một cách hiệu quả.

Đặc biết, trong dây chuyền hoạt động của doanh nghiệp chuyên về bất động sản, khâu tiếp thị sản phẩm luôn được coi trọng. Nếu tiếp thị không tốt thì các khâu khác không thể “chạy” và doanh nghiệp khó có thể tồn tại. Do đó, vai trò và trách nhiệm của của người làm môi giới, tiếp thị sản phẩm là vô cùng quan trọng.

Trước những khó khăn và thách thức trên thị trường đòi hỏi ngày càng minh bạch, chỉ những nhà môi giới chuyên nghiệp, đủ uy tín mới có thể nắm bắt tốt cơ hội, am hiểu công nghệ để không bị “lạc hậu”.

Dịch bệnh lần này có thể xem là cơ hội để môi giới bất động sản có thêm những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn bước qua được giai đoạn khủng hoảng,

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VARs cho biết, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, nguồn hàng khan hiếm, ngành bất động sản đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Sự cạnh tranh trên thị trường diễn ra cực kỳ khốc liệt. Những môi giới không thật sự xuất sắc, bản lĩnh yếu kém chắc chắn sẽ bị thua. Những nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp bản lĩnh vững vàng thì kể cả khi gặp thị trường không tốt họ vẫn biết cách tìm ra thị trường mới, thậm chí họ còn có khả năng kích cầu tạo thị trường mới. Do vậy, khi thị trường xuất hiện khó khăn, thách thức càng lớn thì đúng là giai đoạn thử thách và đánh giá được chính xác chất lượng và kinh nghiệm của người làm môi giới.

Theo ông Đính: “Xu thế của công nghệ 4.0 phát triển đã làm thay đổi toàn diện các giải pháp bán hàng truyền thống. Hiện nay, môi giới bất động sản cần thiết phải nắm bắt sâu kỹ năng sử dụng công nghệ, các công cụ và giải pháp công nghệ có thể ứng dụng hiệu quả cho các hoạt động nghề nghiệp.

Sử dụng công nghệ để hoạt động môi giới chắc chắn sẽ thuận lợi hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn nhưng sẽ phải đối mặt với một số vấn đề. Có thể bị lộ và bị đánh cắp thông tin mà thông tin là tài sản giá trị nhất của người hành nghề môi giới; bị chậm chân và kém hiệu quả do lựa chọn sai giải pháp công nghệ; lạc hậu bởi không kịp thời cập nhật, thay đổi công nghệ. Do vậy, người hành nghề môi giới bất động sản cần phải thường xuyên trao đổi kiến thức công nghệ, kiến thức marketing, kiến thức pháp luật để có thể luôn được cập nhật kiến thức, tạo hiệu quả tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của họ”.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VARs

Ngoài ra, ông Đính cũng cho biết, thời gian vừa qua VARs đã hoàn chỉnh và ban hành bộ giáo trình chung về đào tạo và cấp chứng chỉ môi giới, quản lý sàn bất động sản; đồng thời phải có bộ ngân hàng câu hỏi chung và tổ chức, giám sát thi cử chặt chẽ, nghiêm túc. Được như vậy mới mong có được lực lượng môi giới chuyên nghiệp, lành nghề.

Sắp tới đây, VARs sẽ tuyên truyền, nhắc nhở các sàn để các nhà môi giới hằng năm phải tham gia khóa đào tạo cập nhật kiến thức hành nghề tại các cơ sở đào tạo được cấp phép. Vì bất động sản là lĩnh vực rất rộng và liên quan đến rất nhiều quy định tại các sắc luật và các quy định từ các bộ, ngành khác nhau; mỗi quy định thay đổi đều tác động ít nhiều đến hoạt động môi giới bất động sản. Trong giai đoạn Nhà nước đang hoàn thiện các quy định của luật pháp thì những thay đổi này thường xuyên xảy ra, nhà môi giới cần cập nhật kịp thời để tránh rủi ro cho khách hàng và cho chính bản thân họ.

Ngày 27/6 tới đây, sự kiện “Ngày hội môi giới bất động sản Việt Nam 2020” lần thứ 5 sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện được kỳ vọng sẽ nhanh chóng "nhuộm sáng" bức tranh ảm đạm của thị trường sau mùa Covid-19 đầy thử thách.

Theo ban tổ chức, sự kiện có sự hiện diện của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, các chuyên gia trong nước và quốc tế…, cùng với đó là sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, cộng đồng các nhà môi giới bất động bất động sản trên cả nước.

Sự kiện cũng là dịp để tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như tạo cơ hội giới thiệu các dự án, sản phẩm bất động sản đến hàng trăm sàn giao dịch uy tín và hàng vạn nhà môi giới bất động sản… qua đó góp phần phục hồi và thúc đẩy thị trường tiếp tục phát triển ổn định, bền vững sau dịch Covid-19.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho rằng, có 5 yếu tố quan trọng liên quan đến sự sinh tồn của một công ty môi giới. Đầu tiên là nguồn tài chính phải vững. Thứ hai, phải tự trang bị khả năng điều hành, quản lý doanh nghiệp.

Thứ ba, doanh nghiệp cần kết nối và xây dựng quan hệ chiến lược với các chủ đầ tư, đơn vị phát triển dự án để có thể mang về nguồn sản phẩm phân phối, đảm bảo hoạt động cho công ty.

Thứ tư là xây dựng tốt thương hiệu cá nhân, từ đó tạo dựng sự tin tưởng đối với các chủ đầu tư và đơn vị phát triển khi giao dự án cho doanh nghiệp phân phối. Mặt khác, thương hiệu cá nhân mạnh sẽ thu hút được nhiều nhân tài về cùng góp sức cho công ty. Doanh nghiệp muốn thành công và phát triển dài hạn không thể phụ thuộc vào một người mà phải là một tập thể giỏi.

Cuối cùng, phải hoạch định chiến lược, kế hoạch cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Điều này cực kỳ quan trọng, có thể đơn cử như khi mới khởi nghiệp, tài chính còn hạn chế và mối quan hệ chưa sâu rộng. Nếu doanh nghiệp tuyển quân rầm rộ sẽ dễ rơi vào tình trạng thu không đủ chi. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ không nên ôm lấy nguồn hàng quá lớn vì sẽ dễ bị sa lầy.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top