Cụ thể, ngày 24/11/2022, UBND tỉnh Hậu Giang có văn bản số 1829/UBND-NCTH, phản hồi Công văn số 24/2022/CV- REATIMES, ngày 13/7/2022, về việc thực hiện Kết luận Thanh tra số 645/KL-TT, ngày 12/9/2019, tại dự án Khu Thương mại – dân cư và tái định cư xã Vị Tân - phường IV, TP Vị Thanh (tên thương mại là The Venice City).
Trước đó hơn 4 tháng, ngày 13/7/2022, Reatimes đã đặt câu hỏi: Dự án này có đủ điều kiện đưa bất động sản vào kinh doanh chưa? Nếu chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh thì chính quyền đã có biện pháp xử lý gì về việc môi giới đang chào bán và thu tiền từ khách hàng chưa?
Trả lời câu hỏi này, UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, cơ quan này chưa có văn bản chấp thuận cho Công ty Cổ phần Liên Minh đưa bất động sản vào kinh doanh tại dự án Khu Thương mại - dân cư và tái định cư xã Vị Tân - phường IV, TP Vị Thanh. Việc chủ đầu tư, môi giới chào bán và huy động tiền từ khách hàng đã được Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra và kết luận tại Kết luận số 645/KL-TT ngày 12/9/2019.
Tuy nhiên, cần lưu ý, Kết luận số 645/KL-TT ngày 12/9/2019, chỉ kết luận những sai phạm của doanh nghiệp từ trước thời điểm ngày 12/9/2019. Còn vấn đề mà Reatimes đặt ra là câu chuyện tái phạm sau thời điểm có Kết luận thanh tra số 645/KL-TT. Cụ thể là môi giới đã chào bán dự án này ra thị trường với tên thương mại mới là The Venice City ở thời điểm trước và sau ngày 13/7/2022 (thời điểm Reatimes gửi Công văn đến UBND tỉnh Hậu Giang).
Như vậy, phải chăng Hậu Giang buông lỏng quản lý sau thời điểm ban hành Kết luận thanh tra số 645/KL-TT hay cố tình làm ngơ cho sai phạm?
Trước đó, như Reatimes đã thông tin trong bài Hậu Giang: Dự án vô tư sai phạm, trách nhiệm chính quyền ở đâu?, Thanh tra tỉnh Hậu Giang đã từng kiến nghị dừng mua bán nền tại The Venice City, nhưng dự án này vẫn tiếp tục với những sai phạm mới.
Những bất cập tại dự án này, đến nay chính quyền tỉnh vẫn chưa công bố việc xử lý. Điển hình là vấn đề dự án chậm tiến độ, tự ý đổi tên khi chưa được chấp thuận, chào bán khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.
Về tiến độ dự án, Công văn 1325/SKHĐT-HTĐT, của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hậu Giang, gửi UBND tỉnh, về việc rà soát nội dung liên quan đến pháp lý của dự án The Venice City, cho biết, ngày 14/7/2017, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn 1197/UBND-KT có ý kiến thống nhất chủ trương cho Công ty Cổ phần Liên Minh gia hạn tiến độ thực hiện dự án The Venice City.
Cụ thể, theo công văn 1197/UBND-KT Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến: “Thống nhất chủ trương cho Công ty Cổ phần Liên Minh gia hạn tiến độ thực hiện dự án Khu Thương mại - dân cư và tái định cư xã Vị Tân, phường IV, TP Vị Thanh” như sau:
Giai đoạn 1 (quy mô 5ha): đến ngày 1/10/2017 xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật.
Giai đoạn 2 (quy mô 9,8ha): từ ngày 1/10/2017 đến ngày 30/6/2018 xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật.
Giai đoạn 3 (quy mô 4,2ha): từ ngày 1/7/2018 đến ngày 30/11/2018 xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật.
Giai đoạn 4 (quy mô 8,3ha): từ ngày 1/12/2018 đến ngày 31/8/2019 xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật.
Giai đoạn 5 (quy mô 2,9ha): từ ngày 1/9/2019 đến ngày 31/12/2019 xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật.
Theo các chuyên gia, cần rà soát lại, việc chấp thuận điều chỉnh tiến độ dự án bằng công văn có đúng quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP và Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT hay không?
Bên cạnh đó, nếu nội dung điều chỉnh chỉ đề cập tiến độ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật mà không có hạ tầng xã hội, các công trình dịch vụ, thì việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất tại dự án có đảm bảo phù hợp quy định tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV, ngày 21/11/2013, của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cũng như Khoản 1 và Khoản 2, Điều 41, Nghị định 43/2014/NĐ-CP không?
Ngoài ra, theo chủ trương được duyệt điều chỉnh thì dự án này đã chậm tiến độ nhiều năm. Vậy UBND tỉnh Hậu Giang có xử phạt chủ đầu tư, theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 58, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ hay không?
Về việc đổi tên dự án, như Reatimes đã thông tin trong bài: Bài học cho Hậu Giang khi xử lý sai phạm tại dự án The Venice City từ Bình Dương, Thanh tra Sở Xây dựng Bình Dương từng xử phạt doanh nghiệp vì đổi tên dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Cụ thể, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương mới đây đã ban hành Quyết định xử phạt số 41/QĐ-XPHC đối với Công ty TNHH Đầu tư bất động sản An Phú Land (Công ty An Phú Land). Doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án chung cư An Phú tại phường An Phú, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Theo Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, Công ty An Phú Land đã có hành vi vi phạm hành chính là đặt tên hoặc điều chỉnh tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở không đúng quy định hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Do vậy, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương quyết định xử phạt Công ty An Phú Land số tiền 90 triệu đồng theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 63, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, của Chính phủ.
Liên quan đến việc đổi tên thương mại của dự án The Venice City, trong Công văn số 1325/SKHĐT-HTĐT ngày 16/8/2022, gửi UBND tỉnh Hậu Giang về việc rà soát các nội dung liên quan đến dự án Khu thương mại - dân cư và tái định cư phường IV - xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, chưa nhận được đề nghị điều chỉnh tên dự án từ Công ty Cổ phần Liên Minh. Do đó, về tên gọi của dự án vẫn giữ tên là Khu thương mại - dân cư và tái định cư xã Vị Tân - phường IV, thành phố Vị Thanh.
Như vậy, từ bài học thực tế đã diễn ra ở Bình Dương, Hậu Giang hoàn toàn có thể tham khảo Bình Dương khi xử lý hành vi tự ý đổi tên tại dự án The Venice City.
Bộ Xây dựng chỉ đạo tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm
Bộ Xây dựng vừa chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đây là thông tin được Bộ Xây dựng đưa ra, trong văn bản số 172/TC-BXD, ngày 24 tháng 10 năm 2022. Theo đó, đối với các địa phương, Bộ Xây dựng yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm về pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan (nếu có).
Đồng thời, tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện giao đất, lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với các dự án bất động sản, dự án nhà ở mới để tăng nguồn cung cho thị trường.
Rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật, thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn. Rà soát các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai; trên cơ sở đó phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác liên quan để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội.
Bên cạnh đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” bất động sản trên địa bàn.