Sáng 10/10, tại Hội trường UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông – Hội tin học tỉnh, tổ chức chương trình Hội nghị hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia tại Hậu Giang.
Được biết, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các ứng dụng trên nền tảng số giúp thúc đẩy, quảng bá việc tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số; kỹ năng số... Đặc biệt, là các hoạt động trưng bày giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và giải pháp số; giới thiệu, hướng dẫn, đăng ký sử dụng VNeID; hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chứng thực điện tử, thanh toán trực tuyến; mở tài khoản thanh toán trực tuyến, giới thiệu các dịch vụ ngân hàng số; dịch vụ thương mại không dùng tiền mặt…
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Chuyển đổi số trước tiên là nhận thức, là một hành trình dài, toàn dân và toàn diện. Chuyển số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân là trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân. Vì vậy, ngày chuyển đổi số quốc gia là dịp để nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống của mỗi người dân nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung”.
Cũng tại hội nghị, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch về xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số; phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hiện nay, hầu hết cán bộ, công chức (CBCC) và người dân Hậu Giang cũng đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và đang bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động như: sử dụng các nền tảng số, mạng xã hội, mua bán hàng qua mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hậu Giang cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong thời gian tới, bà Ánh đề nghị các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, nhất là tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.
Song song đó là rà soát, cập nhật tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, của tỉnh trong năm 2023 để triển khai thực hiện có hiệu quả và đảm bảo tiến độ; tăng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công nộp trực tuyến từ xa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách giảm phí, lệ phí đối với hồ sơ nộp trực tuyến theo Nghị quyết số 04 ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh Hậu Giang.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo khẩn trương thực hiện các giải pháp, cách làm hiệu quả để đạt tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến tối thiểu 30%; tiếp tục tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để tạo thuận tiện, đơn giản nhất cho người dân và doanh nghiệp; số hóa và và tái sử dụng thành phần hồ sơ thủ tục hành chính để người dân không cần phải nộp lại các giấy tờ cá nhân nhiều lần.
Các địa phương chỉ đạo các Tổ Công nghệ số cộng đồng tiếp tục thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hơn, quan tâm người cao tuổi, yếu thế, neo đơn…, trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc cần được hướng dẫn, hỗ trợ báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết; đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực đã được thông qua. Đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trước đó, ngày 21/6, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (Bộ TTTT) ký quyết định 1080/QĐ-BTTTT phê duyệt kế hoạch triển khai quyết định 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023.
Theo nội dung văn bản, Bộ TTTT yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ được phân công chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này có trách nhiệm triển khai bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ các khó khăn, vướng mắc (nếu có) để có giải pháp tháo gỡ, xử lý.
Bộ cũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; các hội, hiệp hội nghề nghiệp; các doanh nghiệp công nghệ số tổ chức thực hiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở tham khảo kế hoạch đã nêu tại văn bản này.
Đồng thời, Bộ TTTT còn đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng Kế hoạch triển khai Ngày Chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương, đảm bảo phù hợp, đồng bộ với Kế hoạch triển khai Ngày Chuyển đổi số quốc gia do Bộ TTTT chủ trì xây dựng và điều kiện thực tế của từng bộ, ngành, địa phương. Các hoạt động truyền thông, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia phải thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.
Các bộ, ngành, địa phương chưa chọn ngày chuyển đổi số riêng, tiếp tục lấy ngày chuyển đổi số quốc gia làm ngày chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương./.