Nghe tin Sở Xây dựng Hà Nội hoàn toàn bất lực trong việc phải giải trình để UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ về căn nhà xây 5 tầng nhưng lại có đến 4 tầng hầm ở phố Sơn Tây (thuộc quận Ba Đình), không ít người giật mình mà chợt nghĩ rằng, tại sao việc “bé như con kiến” ấy lại khó giải trình đến thế? Rồi vì sao cả một hệ thống quản lý đô thị đa cấp đa ngành hùng mạnh đến thế mà cái việc cỏn con ấy lại phải đến tận Thủ tướng mới có hy vọng giải quyết?
Câu chuyện thực ra rất đơn giản. Thời gian gần đây, các hộ sống xung quanh công trình “nhà ở riêng lẻ” tại lô đất số B3 phố Sơn Tây đã gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền của thành phố và trung ương về việc UBND quận Ba Đình đã vượt quyền, tự cấp giấy phép cho chủ dự án căn nhà chỉ cao 5 tầng nhưng được xây những 4 tầng hầm, mà lẽ ra, quyền này phải là của Sở Xây dựng thành phố.
Đúng ra, việc tiếp theo cũng sẽ rất đơn giản. Khi Sở Xây dựng bị cấp dưới “vượt mặt” như vậy, chỉ cần chiếu theo các quy định hiện hành mà xử lý. Thế nhưng, nó cứ lùng nhùng cho đến khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ mà vẫn không thể giải trình được và công trình vẫn tiếp tục được xây dựng.
Theo ý kiến các chuyên gia, tại Phụ lục 2 - Phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu (Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng) quy định rất rõ: Loại kết cấu nhà, thuộc cấp công trình cấp III (nhà ở riêng lẻ) chỉ được phép xây dựng 1 tầng hầm, số tầng cao từ 2 - 7 tầng.
Cũng theo quy định này, đối với công trình nhà, kết cấu dạng nhà thuộc cấp II (không phải nhà ở riêng lẻ) mới được phép xây dựng từ 2 - 4 tầng hầm. Như vậy, việc cấp phép cho công trình này đã không thuộc thẩm quyền của UBND cấp quận, huyện mà thuộc Sở Xây dựng tỉnh, thành phố.
Văn bản pháp lý rõ như ban ngày như thế mà Sở Xây dựng Hà Nội không biết giải trình thế nào với cấp trên thì kể cũng lạ!
Đối với công trình nhà, kết cấu dạng nhà thuộc cấp II (không phải nhà ở riêng lẻ) mới được phép xây dựng từ 2 - 4 tầng hầm
Nhân đây, xin nhắc lại về những quyết định vượt thẩm quyền mà sau đó đã gây ra nhiều hậu quả không thể tưởng tượng, mà điển hình nhất là vụ Thủ Thiêm ở TP.HCM.
Trong vụ việc này, UBND thành phố vượt quyền, lẽ ra là phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tự ra văn bản thu hồi đất trong phạm vi Khu tái định cư 160ha thuộc 5 phường đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó.
Theo đó, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6ha của khu tái định cư để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng…, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư.
Hậu quả là do không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch, việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cho đến tận bây giờ. Và cái giá phải trả thì mọi người cũng đã biết, thiệt hại về lòng tin của người dân với chính quyền, về an sinh xã hội, về kinh tế, về mất mát cán bộ...
Trở lại vụ việc căn nhà cao 5 tầng mà có đến 4 tầng hầm ở quận Ba Đình kia, so với sự kiện Thủ Thiêm thì không lớn nhưng nó vẫn lẩn quất một nỗi ám ảnh về sự bất lực của pháp luật khi xử lý những hành vi vượt quyền.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu trong vụ việc này có dính đến “ông to bà lớn” nào không? Hay là lại lùng nhùng trong chuyện “há miệng mắc quai”...? Hay lại trở về một câu an ủi cố hữu “do trình độ cán bộ còn hạn chế”...!?