Aa

Hậu sốt đất: Nhà đầu tư rao bán cắt lỗ nhưng không ai mua

Thứ Bảy, 22/05/2021 - 06:00

Hậu quả sau khi cơn sốt đất hạ nhiệt, cộng thêm tình hình đại dịch Covid - 19 vẫn phức tạp, không ít người “mắc cạn”, chật vật tìm cách thoát hàng.

Báo cáo thị trường của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, trong quý I cơn sốt đất "điên cuồng" ở khắp nơi, kéo theo giá đất tăng chóng mặt. Trung bình trong 3 tháng đầu năm giá đất tăng 10%/ tháng, cá biệt có nơi tăng 2 - 3 lần chỉ trong thời gian ngắn.

Trong cơn sốt đất vừa qua, nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, sản xuất để lao vào đầu tư đất, tiền gửi ngân hàng cũng rút để đầu tư. Tuy nhiên, chạy theo cơn sốt đất không phải nhà đầu tư nào cũng thắng, một số nhà đầu tư đến nay vẫn còn “mắc kẹt”, chật vật tìm cách thoát hàng.

Không nằm ngoài cuộc chơi, anh Thành, sống tại Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đầu tháng 3 anh có xuống tiền mua 1 mảnh đất 100m2, với giá hơn 30 triệu đồng/m2 tại Thạch Thất. Với tâm thế lướt sóng thành công, anh Thành đã không ngần ngại vay ngân hàng 1 tỷ đồng.

Những cơn sốt đất hạ nhiệt
Sau sốt đất sẽ có nhiều nhà đầu tư lỡ sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà, không kịp thoát hàng buộc phải bán cắt lỗ. 

Tuy nhiên, sau 2 tuần, mọi tính toán của nhà đầu tư này đều đổ vỡ khi các cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn sốt đất. Đến nay, cơn sốt đất ở nhiều địa phương đã hạ nhiệt, cộng thêm tình hình đại dịch Covid - 19 diễn biến vẫn phức tạp, mặc dù anh Thành đã liên hệ nhiều bên môi giới và chấp nhận chi hoa hồng cao hơn mức bình thường nhưng vẫn chưa bán được mảnh đất đó.

“Tiền của gia đình tôi cũng đã dồn hết vào mảnh đất đó. Đất thì chưa bán được nhưng tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả đúng hạn. Bây giờ, chỉ mong bán được mảnh đất, lỗ một chút cũng được. Lấy tiền tôi còn làm việc khác”, anh Thành than thở.

Tương tự, một số khu vực liên quan tới Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, người dân đổ xô về “săn đất” đầu tư khiến giá đất tại các khu vực này tăng cao.

Trao đổi với Reatimes, anh Thanh Tùng, môi giới tại khu vực Hoàng Mai cho biết, thời điểm đầu tháng 3, sau khi có thông tin Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng giá đất tại khu vực Hoàng Mai tăng cao. Điển hình, giá đất tại Thuý Lĩnh, Hoàng Mai giao động từ 50 triệu - 65 triệu đồng/m2, tuỳ vị trí, trong khi trước đó giá tại khu vực này chỉ từ 35 - 40 triệu đồng/m2.

“Giá đất tăng cao nhưng nhà đầu tư vẫn đổ xô về tìm đất lướt sóng. Thậm chí, nhiều hôm buổi tối tôi vẫn phải dẫn khách đi xem. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của 2 tháng trước, còn thời điểm hiện tại hoàn cảnh đã trái ngược”, môi giới này nói.

Anh Tùng, một môi giới bất động sản tại Hoàng Mai.
Anh Tùng, một môi giới bất động sản tại Hoàng Mai.

Anh Tùng chia sẻ, thời điểm 2 tháng trước đa phần mọi người liên hệ với tôi để tìm mua đất, thì nay đa phần các cuộc gọi tới các nhà đầu tư đều muốn tìm khách để bán mảnh đất đã đầu tư trước đó. Một số nhà đầu tư muốn bán nhanh nên chấp nhận giá thấp hơn thời điểm xuống tiền. Tuy nhiên, thực tế tình hình giao dịch đất đã chững lại từ trước khi xuất hiện đợt dịch Covid - 19 mới đây.

Thực tế cũng đã chứng minh, với những đợt sốt đất trước đây, không ít người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì vay quá nhiều tiền để lao vào đầu tư. Tuy nhiên, khi cơn sốt hạ nhiệt những người này chưa kịp rút ra, lượng giao dịch bắt đầu chững lại, giá đất bắt đầu giảm, tiền ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng, đó là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Theo giới chuyên gia, các nhà đầu tư mắc kẹt trong cơn sốt đất là do chạy theo đám đông nhưng nắm thông tin chậm hơn, ít kiến thức và non kinh nghiệm, đồng thời họ thường dùng đòn bẩy tài chính, để gia nhập cuộc chơi vì niềm tin quá lớn. Kẻ thắng trong các cơn sốt đất chỉ có nhóm tạo sốt, cò mồi và số ít người may mắn.

Và, có một thực tế là trong các cơn sốt đất thì nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời. Thời gian qua, khá nhiều đợt sốt đất nền “chóng vánh”, nhưng chỉ sau một tuần hoặc vài tháng, hiện tượng sốt đất đã nguội, dòng người tìm đến cũng không còn, bong bóng vỡ, và chỉ còn lại hệ quả cho những nhà đầu tư cuối cùng.

Còn nhớ, khi trả lời báo chí để lý giải về cơn sốt đất, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã nhìn nhận, hiện tượng đất tăng giá ở nhiều tỉnh thành sẽ “sớm nở tối tàn” nếu hạ tầng ở đó chưa được đầu tư tương xứng. Đó chỉ là “cuộc chơi” của các nhà đầu tư mua bán qua tay, khi người bán rút lui cũng là lúc người đến sau chấp nhận thiệt hại.

Cũng theo vị chuyên gia này, đến nay cơn sốt đất đã được kiềm chế, tuy nhiên, nói thị trường xuống giá hay chưa thì chưa đánh giá được vì không ghi nhận giao dịch. Nhiều người chào bán, giá thấp những chưa có ai mua. Đây là hệ quả đầu tư theo phong trào dẫn đến thị trường ảm đạm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top