Aa

“Hãy coi golf thuộc về ngành công nghiệp du lịch”

Yên Trung
Yên Trung huongbt.ajc@gmail.com
Thứ Ba, 10/07/2018 - 05:50

Khẳng định Việt Nam có quá nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp golf, với bờ biển trải dài hàng nghìn kilomet, sân golf dựa núi, hướng biển, khí hậu hoàn hảo, nhưng golf Việt Nam lại chưa phát triển tương xứng, luật sư Trần Duy Cảnh, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam cho rằng, nên coi golf thuộc về ngành công nghiệp du lịch để từ đó thúc đẩy phát triển hơn nữa.

Bàn về câu chuyện tìm cơ hội cho golf Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng có sẵn, Reatimes đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Duy Cảnh, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam: 

PV: Hơn 20 năm kể từ khi sân golf đầu tiên chính thức được cấp phép đi vào hoạt động, trải qua thời kỳ phát triển rầm rộ đến những giai đoạn trầm lắng, im lìm, theo ông, hiện nay, thị trường golf Việt Nam đã đạt được những dấu ấn gì và đang có vị trí như thế nào trên bản đồ khu vực?

Ông Trần Duy Cảnh: Tôi cho rằng, tính đến thời điểm này, ngành công nghiệp golf của Việt Nam (golf industry, bao gồm sân golf, ngành sản xuất thiết bị golf, dịch vụ kèm theo sân golf…) hầu như chưa có được nhiều dấu ấn thực sự, ngoài sự phát triển mạnh mẽ của các sân golf cả về số lượng và quy mô.

Đi vào từng khía cạnh sẽ thấy, chúng ta gần như chưa có nhiều thương hiệu nội địa sản xuất các trang thiết bị phục vụ cho golf như quần áo, giày dép, mũ nón,... Mới có 2 thương hiệu nổi bật hơn hẳn, còn lại hầu hết đều chỉ là các nhà xưởng gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Nghề sản xuất dụng cụ như gậy golf thì chắc chắn chúng ta chưa chạm được đến, vì đây vẫn là lãnh địa rất hẹp của một số tên tuổi lớn trên thế giới mà cộng đồng gôn thủ tin dùng. 

Chỉ có sân golf là ghi nhận sự phát triển ấn tượng cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, FLC,... đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây. Và nếu như trước đây, chúng ta chỉ nghĩ golf là một môn thể thao và sân golf thường tập trung quanh các đô thị lớn thì ngày nay, ngoài những địa điểm đó, sân golf thường gắn liền với các khu du lịch nghỉ dưỡng ở các thành phố du lịch như Quảng Ninh, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc… cả vùng biển đến miền trung du để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Sự phát triển của các sân golf kèm theo các khu du lịch nghỉ dưỡng là tương hỗ lẫn nhau.

Dù vậy, so sánh với các nước trong khu vực thì golf của Việt Nam vẫn chưa phát triển, nếu chưa nói là còn “đuối”. Nếu các nước trong khu vực như Indonesia đã có 152 sân, Malaysia có 230 sân và Thái Lan có 253 sân, thì Việt Nam mới chỉ có khoảng 30 sân golf đi vào hoạt động. Họ có cả hàng trăm nghìn người chơi trong khi đó Việt Nam thực tế chỉ có khoảng 30.000 - 40.000 người chơi trên gần 100 triệu dân. Rõ ràng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển golf mà chưa khai thác hết.

PV: Cụ thể thì đó là những tiềm năng, lợi thế gì, thưa ông?

Ông Trần Duy Cảnh: Thực tế là các sân golf của Việt Nam rất đẹp. Cá nhân tôi cho rằng còn đẹp hơn rất nhiều so với các sân golf của Thái Lan hay ở Singapore, Malaysia. Vì chúng ta có những đặc điểm tự nhiên mà không phải quốc gia nào cũng có được. Đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm nắng ấm, đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Nam. Đây là loại khí hậu cực kỳ thích hợp cho du lịch, nghỉ dưỡng và đánh golf. Khách châu Âu, mùa đông tuyết trắng, lạnh buốt, họ không chơi được golf, họ đi du lịch sang khu vực châu Á, Đông Nam Á, để chơi golf, đó là điểm cộng cho các sân golf của ta.

Chưa kể, chúng ta có bờ biển dài hàng ngàn kilomet, núi một bên, biển một bên, đồi cát trắng,... còn địa hình, cảnh quan nào tuyệt vời hơn thế cho các sân golf. Chúng ta còn có ẩm thực đa dạng, đồ ăn ngon, người bản địa thân thiện, nhân viên thân thiện.

PV: Giá cả thì sao thưa ông, so với các nước thì giá chơi golf ở Việt Nam có phải là một lợi thế?

Ông Trần Duy Cảnh: Giá cả chưa phải là một lợi thế của chúng ta hiện nay, bởi thực tế là vẫn còn đắt đỏ. Có 2 nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Một là do số lượng sân golf còn ít, ít sự cạnh tranh, nên các chủ đầu tư có thể thu phí cao mà không sợ cạnh tranh từ các sân golf khác. Hai là vì sân golf và các dịch vụ trong sân golf vẫn đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là một vấn đề tồn tại từ lâu mà Hiệp hội Golf Việt Nam đã nhiều lần muốn đưa ra thảo luận. 

Luật sư Trần Duy Cảnh

Luật sư Trần Duy Cảnh

Bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là “đánh” hàng xa xỉ phẩm để hạn chế tiêu dùng. Chúng ta áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, bia rượu,... là để hạn chế tiêu dùng những sản phẩm này. Nhưng tại sao lại phải hạn chế phát triển sân golf? Khi mà người ta đi đánh golf nhiều thì tiêu xài nhiều, nhà nước thu thuế nhiều. Người nước ngoài đến du lịch, người ta đánh một trận golf nhưng người ta phải ở khách sạn, resort, phải tiêu dùng những dịch vụ, sản phẩm khác. Ngày nay, golf phải gắn liền với phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vậy tại sao thúc đẩy phát triển du lịch mà lại “kìm hãm” golf? 

PV: Phải chăng vì lo sợ sân golf sẽ lấy mất “bờ xôi ruộng mật” của người nông dân, thưa ông?

Ông Trần Duy Cảnh: Câu chuyện “mất bờ xôi ruộng mật”, tôi cho rằng không hẳn vậy. Lâu nay ta quy hoạch sân golf là ta không cho phát triển sân golf vì lý do an ninh lương thực hay tương tự như thế. Nhưng nếu cho rằng phát triển sân golf là ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp thì chưa hẳn đã đúng. Nhìn ngay sang nước láng giềng Thái Lan, tại sao nước này có khoảng 250 sân golf mà vẫn là quốc gia số 1 thế giới về xuất khẩu gạo? Trong khi chúng ta mới chỉ có vài chục sân golf lại lo sợ ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Vậy thì câu hỏi đặt ra là có hay không an ninh lương thực bị ảnh hưởng bởi sân golf? Tôi cho rằng, điều này không có cơ sở thực tiễn.  

GS.TSKH Nguyễn Mại từng

GS.TSKH Nguyễn Mại từng "nói vui" về câu chuyện môi trường quanh sân golf.

Quan trọng là lấy đất ở đâu làm sân golf. Các vùng đất đai hoang hóa, trung du đồi núi, hay cồn cát trắng sa mạc hóa, bỏ không, thì làm sân golf rất tốt. Tôi cho rằng quy hoạch sân golf là không cần thiết nữa, mà nên để sân golf tự do phát triển, ở các vùng miền trên cả nước, miễn là không lấy vào đất nông nghiệp. Và công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng cũng phải thỏa đáng, thích hợp, đừng lấy trắng đất của dân.

PV: Vậy theo ông, Việt Nam có nên chọn ra các “vùng mũi nhọn” để tập trung phát triển sân golf hay không? Nếu có thì nên là khu vực nào?

Ông Trần Duy Cảnh: Như đã nói ở trên, chúng ta có khí hậu hoàn hảo và cảnh quan tuyệt vời trải dài khắp cả nước, thuận lợi cho phát triển sân golf. Trong đó miền Nam là có lợi thế hơn cả vì quanh năm nắng ấm, miền Bắc và miền Trung thì có mùa đông. Miền Trung và miền Nam thì có bãi biển đẹp, biển xanh cát trắng.

Như Đà Nẵng hiện nay là một địa điểm rất tốt để phát triển golf vì nơi đây là thành phố du lịch, là thành phố đáng sống và vẫn đang tiếp tục thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Phú Quốc, Quy Nhơn, Quảng Bình cũng vậy. Hàng ngàn cây số dọc bờ biển là điều không phải nước nào cũng có, chưa kể chúng ta còn có rất nhiều đảo. Tôi cho rằng, lợi thế để phát triển golf của các vùng miền của Việt Nam là đều như nhau và nơi nào cũng có thể phát triển được.

PV: Cơ hội là chia đều, nhưng thưa ông, làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế để đưa golf phát triển bùng nổ, xứng đáng với danh hiệu “Điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”?

Ông Trần Duy Cảnh: Tôi cho rằng để golf có thể phát triển, chúng ta phải nhìn nhận lại về golf. Hãy coi nó thuộc về ngành công nghiệp du lịch thì mới phát triển được. Hãy coi nó như một khách sạn, như một khu nghỉ dưỡng thì sẽ có cơ hội phát triển ngay. Đừng coi nó là ngành công nghiệp đặc biệt để hạn chế phát triển. Hãy để cho người có nhiều tiền bị “móc túi”, chi tiêu nhiều hơn nữa. Ngành du lịch đang được khuyến khích phát triển, thì golf cũng nên được khuyến khích phát triển.

 Bởi như đã nói ở trên, sân golf ngày nay gắn liền với các khu du lịch nghỉ dưỡng. Nó là giá trị gia tăng cho các khu nghỉ dưỡng, giúp kéo khách du lịch quốc tế đến với các vùng du lịch của Việt Nam. Kể cả những vùng trước đây không ai biết là đâu, chỉ có nắng gió và cát trắng, thì nay, khi các sân golf mọc lên cùng các khu nghỉ dưỡng, khách du lịch kéo đến, lưu trú, ăn uống, tiêu tiền,... tạo công ăn việc làm cho rất nhiều nhân công. Thay vì một đồi cát trống không, giờ đây ta có một vùng xanh mướt mắt, có khách sạn, resort, có khách du lịch, người dân có việc làm,... Tôi cho rằng, sẽ rất dễ để nhìn được kết quả này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top