Aa

Đừng cho rằng chỉ đất "chết" mới để làm sân golf!

Yên Trung
Yên Trung huongbt.ajc@gmail.com
Thứ Sáu, 06/07/2018 - 15:00

Phân tích về việc phát triển các sân golf hiện nay ở Việt Nam, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Hà Nội - cho rằng, không phải cứ không cho lấy đất nông nghiệp là phải đi tìm những vùng cằn cỗi để phát triển sân golf. Nhưng cũng không phải chỉ phát triển sân golf ở những vùng đất giàu tiềm năng.

Cùng với xu thế mở cửa, hội nhập của nền kinh tế, môn thể thao golf cũng du nhập vào Việt Nam và dần trở nên quen thuộc. Trải qua nhiều năm, câu chuyện về môn thể thao này và việc xây dựng phát triển các sân golf vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Đôi khi còn là những tranh luận gay gắt. Trong đó nhiều nhất là những quan điểm cho rằng, golf chỉ là môn thể thao của người giàu và sân golf làm mất đi “bờ xôi ruộng mật” của người nông dân. Chưa kể rằng, việc phát triển sân golf còn làm ảnh hưởng đến môi trường. Có thể, đây là một trong những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp golf Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển, số lượng sân golf còn ít.

Theo một thống kê không chính thức, số người chơi golf ở Việt Nam hiện nay khoảng 15.000 người, trong đó phần lớn là người nước ngoài, chỉ khoảng 30.000 - 40.000 người Việt Nam. Số sân golf cũng còn rất ít ỏi với chỉ khoảng 30 - 40 sân, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia,... đã có hàng trăm sân golf. Câu hỏi đặt ra là, việc phát triển sân golf mang lại những lợi ích kinh tế gì?

Trong một lần chia sẻ với tờ Wall Street Journal, bà Nguyễn Thị Nga - chủ tịch Tập đoàn BRG - một trong những doanh nghiệp phát triển sân golf mạnh nhất Việt Nam hiện nay - từng cho biết, dự án sân golf 100 triệu USD của công ty bà không thể kiếm được lợi nhuận từ chính nó.

Bài toán kinh tế là không dễ dàng với nhiều doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp golf Việt Nam

Bài toán kinh tế là không dễ dàng với nhiều doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp golf ở Việt Nam

Tính toán đã chỉ ra, một sân golf 18 lỗ muốn lấy lại vốn, trung bình phải có ít nhất 30.000 lượt người chơi/năm. Còn muốn có lợi nhuận 10% thì phải là 33.000 lượt người chơi/năm. Chưa kể, mỗi sân golf 20 lỗ còn cần 150.000m3 nước sạch mỗi tháng, tương đương nhu cầu sử dụng của khoảng 20.000 hộ gia đình (theo Tạp chí Golf Digest - Mỹ). Đây không phải là con số dễ dàng với nhiều sân golf của Việt Nam hiện nay, từ đầu tư ban đầu đến khi đi vào hoạt động và duy trì sân golf.

Ngành công nghiệp golf bị đánh giá là tiêu tốn nhiều tài nguyên, trong đó nhiều nhất là nước.

Ngành công nghiệp golf bị đánh giá là tiêu tốn nhiều tài nguyên, trong đó nhiều nhất là nước.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Hà Nội, phân tích: “Đầu tư sân golf thực chất là loại hình đầu tư đổi tiền chẵn ra tiền lẻ, tốn rất nhiều chi phí ban đầu nhưng cần nhiều thời gian để thu hồi vốn, chưa kể đến chuyện có lãi.

Trước đây, những sân golf đầu tiên xuất hiện nằm ở gần các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM,...Những sân golf này thu hút được lượng khách đông và ổn định thì việc thu hồi vốn và có lãi không quá khó khăn. Tuy nhiên, quỹ đất này ngày càng hạn hẹp trong khi sân golf lại cần rất nhiều diện tích. Chính vì vậy, nếu không có những lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng thì việc phát triển sân golf hiện nay không còn quá hấp dẫn với các doanh nghiệp nữa. Sân golf ngày nay nên nằm trong các dự án nghỉ dưỡng lớn và trở thành yếu tố quan trọng để thu hút khách cho các khu này. Việc kết hợp sân golf với các khu nghỉ dưỡng là một giải pháp rất thông minh để 'cứu' các sân golf không lỗ vốn trong bối cảnh hiện nay”.

Việc đầu tư sân golf được xem là động thái đón đầu xu hướng và nhu cầu của một bộ phận không nhỏ khách hàng cao cấp, không chỉ nội địa mà còn cả khách nước ngoài. Đó là khách du lịch hội nghị hoặc khách du lịch nghỉ dưỡng. Đặc biệt đến từ các nước châu Âu, Tây Á,... Như đã phân tích trong bài viết "Giữa kỷ nguyên vàng của ngành công nghiệp golf", golf và du lịch golf Việt Nam đang "nắm chặt tay nhau", từng bước, cùng ghi những dấu mốc phát triển đáng kể. 

Trên thực tế, có rất nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã kết hợp phát triển sân golf để hút khách. Trong đó có thể kể đến Bà Nà Hill Gold Club của Tập đoàn Sun Group; hay hệ thống Vinpearl Golf của Tập đoàn Vingroup trải dài tư Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Nam Hội An, đến Phú Quốc; hay FLC Samson Golf Links, FLC Halong Golf Club của FLC;...

Cũng bàn về cơ hội để phát triển sân golf với du lịch nghỉ dưỡng, ông Nhữ Văn Hoan – Phó Tổng giám đốc Thường trực – Công ty Cổ phần Đầu tư Du thuyền và sân Golf FLC Biscom, cho rằng, Việt Nam được coi là nơi lý tưởng, đáp ứng được những tiêu chí khắt khe về điểm đến golf hấp dẫn khách du lịch trên thế giới. Không chỉ có điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam còn có tiềm năng và lợi thế to lớn trong phát triển loại hình du lịch golf do nằm ở vị trí trung tâm châu Á, nơi có loại hình du lịch golf phát triển.

Ông Nhữ Văn Hoan

Ông Nhữ Văn Hoan, Phó Tổng giám đốc Thường trực – Công ty Cổ phần Đầu tư Du thuyền và sân Golf FLC Biscom

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế và xu hướng mới của du lịch cao cấp, du lịch golf Việt Nam đang từng bước phát triển đáng kể. Những năm gần đây, lượng khách đến Việt Nam chủ yếu từ các quốc gia có loại hình du lịch golf phát triển mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Anh… nhu cầu với golf cũng vì thế mà gia tăng mạnh mẽ hơn. Đây cũng là cơ hội để các sân golf gắn liền với các khu du lịch nghỉ dưỡng hút khách.

Nhưng, để việc đầu tư sân golf đi đúng đích hỗ trợ cho du lịch và ngược lại, thì nên đầu tư sân golf tại các địa phương có thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng. Để làm được điều này, ông Nguyễn Chí Thanh cho rằng, cần những đơn vị tư vấn chuyên nghiệp từ khâu lập quy hoạch các sân golf.

“Hiện nay, chúng ta đang làm theo cách là các tỉnh đề xuất thì cấp trên sẽ xem xét và phê duyệt. Cũng chưa định hướng được khu vực nào cần chủ động kêu gọi đầu tư mà cứ nhà đầu tư đến tỉnh này, tự cho rằng chỗ này có lợi thế là xin làm sân golf mà không dựa trên các phân tích kỹ càng. Dự án có khi chẳng đạt tiêu chuẩn nào. Chúng ta lại chưa có một kế hoạch tổng thể trên quy mô cả nước.

Tôi cho rằng, ta rất cần một kế hoạch tổng thể, trong đó, dựa trên các phân tích đánh giá đầy đủ về tiềm năng của từng khu vực, cân đối mọi mặt, các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa,... để xác định rằng một khu vực này có nên phát triển sân golf hay không”, ông Thanh phân tích.

Theo ông Thanh, để xác định một khu vực có phát triển sân golf được hay không cần phải trả lời được những câu hỏi “Phát triển sân golf ở đây thì cần những gì?”, “Mang lại gì?”, “Đồng bộ hạ tầng như thế nào để cả vùng có thể cùng đi lên?”.

“Khâu quy hoạch là cực kỳ quan trọng, nếu làm không tốt thì có thể dẫn đến lãng phí rất lớn. Không phải cứ không cho lấy đất nông nghiệp là ta đi tìm những vùng cằn cỗi để phát triển sân golf. Hoặc không phải cứ đi tìm những vùng có tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng để gắn với phát triển sân golf. Có thể một vùng đất rất tốt nhưng chỉ làm sân golf thì rất lãng phí, nhưng cũng đừng nghĩ rằng chỉ nên lấy đất chết làm sân golf. Điểm mạnh của sân golf chính là có thể tận dụng mọi loại hình cảnh quan để phát triển, quan trọng là phải dựa trên các tính toán có cơ sở tiềm năng chắc chắn. Để ngày càng có nhiều sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, golf sớm trở thành môn thể thao bình dân hơn với người dân trong nước và Việt Nam sớm trở thành điểm đến yêu thích nhất cho golf thủ khắp thế giới”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top