Aa

HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ Năm, 30/11/2023 - 10:15

Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X diễn ra vào ngày 28/11 đã ban hành Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

LTS: Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; hình thành cụm hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch; chế biến phát triển silicat, trung tâm công nghiệp cơ khí ôtô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị gắn kết với nông thôn.

Tại kỳ họp lần này, Nghị quyết được HĐND thông qua, và giao UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh, yêu cầu của cơ quan liên quan, thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, đảm bảo chất lượng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đề nghị UBND tỉnh sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, đề nghị UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, tính kế thừa, đổi mới, trên cơ sở các quy hoạch chiến lược của giai đoạn trước và các yếu tố mới, cơ hội mới, các định hướng, chiến lược của tỉnh trong tổng thể định hướng phát triển quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng.

Đường Võ Chí Công qua vùng Đông Quảng Nam

4 đột phá để Quảng Nam phát triển

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam xác định 4 đột phát để tỉnh phát triển, gồm: hoàn thiện hệ thống hạ tầng; nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phúc lợi xã hội và nâng cao năng lực khoa học công nghệ.

Cụ thể, Quảng Nam sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, trọng tâm ưu tiên là các hạ tầng giao thông chiến lược như giao thông liên vùng Đông - Tây, sân bay, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng trọng yếu của khu vực nông thôn, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, văn hóa, y tế, giáo dục. Lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trọng tâm, xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, động lực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ với hệ thống giao thông đầu mối cảng biển, sân bay, đường sắt đồng bộ; liên kết vùng và quốc tế thông suốt; hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch ven biển sinh thái, hiện đại; hạ tầng nông thôn cải thiện rõ nét, hạ tầng nông nghiệp phát triển bền vững.

Nâng cao tốc độ và chất lượng đô thị hóa ở cả các đô thị hiện hữu và đô thị mới. Từng bước giảm áp lực cho đô thị cổ Hội An trên cơ sở phát triển không gian đô thị vùng Đông thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên - Thăng Bình; phát triển mạnh thành phố Tam Kỳ trên cơ sở tổ chức sắp xếp hợp lý không gian, liên kết phát triển với các khu vực xung quanh.

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng là một trong những đột phá giúp Quảng Nam phát triển

Phát huy tiềm năng, vai trò có tính động lực, lợi thế cạnh tranh của Khu kinh tế mở Chu Lai; tiềm năng khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang; mở rộng và hình thành thêm các khu công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của Vùng. Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp cơ khí, tự động hóa, chế biến, chế tạo, vật liệu xâydựng. Tổ chức lại và nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản, công nghiệp dệt may, da giày; phát triển thêm các ngành công nghiệp mới như công nghiệp điện tử, sản xuất vật liệu mới, công nghiệp silicat, công nghiệp dược liệu. Phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mới như: Du lịch sự kiện, hội nghị, thể thao, du lịch nông thôn, miền núi; phát triển mạnh các khu du lịch ven biển, ven sông với đa dạng các loại hình vui chơi, giải trí, điều trị, chăm sóc sức khỏe. Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó khuyến khích các loại hình kinh tế tập thể liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu cho chế biến sâu; phát triển mạnh về số lượng và chất lượng các sản phẩm OCOP gắn với hoạt động khởi nghiệp.

Chuẩn hóa các trường lớp thuộc các cấp học, đảm bảo đủ lực lượng giáo viên đồng thời với nâng cao chất lượng giảng dạy và chất lượng học tập văn hoá, thể chất cho học sinh; cải điều kiện sinh hoạt và học tập cho con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Củng cố, mở rộng, nâng cao chất lượng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đảm bảo khả năng thu hút thêm sinh viên trong vùng,… Đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số và chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động sang công nghiệp, dịch vụ. Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Đổi mới sáng tạo, tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rút ngắn thời gian tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; cung cấp các dịch vụ công có chất lượng cao; các chỉ số xếp hạng quốc gia luôn đạt và duy trì ở nhóm đầu của mức độ tốt.

Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X đã thống nhất ban hành Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

2 vùng và 2 cụm động lực phát triển

Quảng Nam sẽ địa chia theo 2 vùng không gian phát triển, gồm vùng Đông và vùng Tây. Vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển, là vùng động lực của tỉnh, các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh; Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái- văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.

Vùng Tây gồm các huyện miền núi, là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thuỷ điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới. Đô thị Khâm Đức - Phước Sơn và Thạnh Mỹ - Nam Giang là các đô thị chuyển tiếp, kết nối, giao lưu phát triển giữa khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng với Tây Nguyên và các nước trên Hành lang Đông Tây 2. Tập trung đầu tư các trục Quốc lộ liên kết vùng Đông với vùng Tây để tạo động lực phát triển vùng Tây.

Quảng Nam định hướng phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa cao

2 cụm động lực phát triển của Quảng Nam sẽ là cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc và cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh. Trong đó, cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc sẽ là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của TP. Đà Nẵng. Thông qua các tuyến đường bộ, hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển; phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy sông Thu Bồn, Cổ Cò; nâng cao chất lượng khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và các cụm công nghiệp tại Điện Bàn; điều chỉnh các cụm công nghiệp trên trục Quốc lộ 14B H. Đại Lộc theo hướng kết nối, mở rộng thành các khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ, xử lý môi trường đảm bảo; khai thác nhu cầu đô thị hóa của TP. Đà Nẵng và Hội An để kết nối không gian đô thị Điện Bàn, hình thành đô thị nghỉ dưỡng – giải trí ven biển và ven sông Cổ Cò.

Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh định hướng thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh. Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là THACO Trường Hải, tiếp tục tái cấu trúc đồng thời với tổ chức sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khai thác hiệu quả, bền vững hồ Phú Ninh thành khu du lịch sinh thái. Liên kết với tỉnh Quảng Ngãi trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam có kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiên tiến; các khu công nghiệp, khu du lịch biển, cảng biển, sân bay, trung tâm giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ hiện đại; di sản văn hóa thế giới bản sắc, ấn tượng; chất lượng môi trường tốt; xã hội phát triển hài hoà, chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đời sống hạnh phúc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top