Aa

HDTC và đối tác Hàn Quốc tiếp tục kéo nhau ra Toà vì dự án 79 triệu USD

Chủ Nhật, 08/09/2019 - 13:15

Ngày 10/9, Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “tranh chấp quyền sở hữu doanh nghiệp và sở hữu dự án theo hợp đồng liên doanh” liên quan đến dự án The Mark, giữa nguyên đơn là HDTC và bị đơn DWS.

“Đại gia” khét tiếng xuất hiện, HDTC lún sâu vào tranh chấp

Ngày 29/7/2005, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà (sau này cổ phần hóa là HDTC) trúng đấu giá khu đất rộng 29.310m2 (địa chỉ Khu dân cư Tân Mỹ, quận 7, TP.HCM) từ công ty mẹ là Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn, với mức giá hơn 188 tỷ đồng.

Vào ngày 30/12/2005, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà ký biên bản ghi nhớ và ngày 11/3/2006 ký Hợp đồng nguyên tắc với hai pháp nhân Hàn Quốc là P&D, LVC. Theo đó, 3 pháp nhân này thỏa thuận góp quyền sử dụng đất (QSDĐ), lập một công ty liên doanh để thực hiện dự án xây dựng Chung cư cao tầng Saigon Castle (tên mới là The Mark).

Đến ngày 10/3/2007, giữa 3 bên ký hợp đồng liên doanh. Theo hợp đồng, tổng giá trị của địa điểm (tức khu đất 29.310m2) là hơn 20,8 triệu USD. Trong đó chia làm 2 khoản: Một là, giá trị quyền sử dụng đất được giao ổn định lâu dài của địa điểm là hơn 4,7 triệu USD và sẽ được Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà góp vốn vào công ty liên doanh.

Hai là, giá trị thương quyền của địa điểm là hơn 16 triệu USD và số tiền này Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà yêu cầu trả trước để hoàn lại tiền mua hóa giá và chi phí đầu tư trên đất tính đến thời điểm hợp tác.

Trên cơ sở đó, Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển Nhà Việt Nam – Hàn Quốc (VK Housing) được thành lập. Trong đó, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà chiếm 20% vốn góp, còn lại 80% vốn góp của P&D và LVC.

Để có nguồn tài chính nộp bổ sung tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng và nhiều chi phí khác thực hiện dự án The Mark … ngày 4/12/2009, VK Housing đã ký hợp đồng vay của DWS Star Bridge Co., Ltd (DWS) số tiền 15 tỷ Won - gần 13 triệu USD nhằm huy động vốn thực hiện dự án.

Các thành viên liên doanh VK Housing gồm: Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà, P&D, LVC và người đại diện theo pháp luật của VK Housing đã thế chấp tài sản: Giấy chứng nhận QSDĐ (phần đất 29.310 m2 thực hiện dự án The Mark) là 20% vốn góp của Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà tại VK Housing; P&D và LVC cùng thế chấp hết 80% vốn góp trong VK Housing cho DWS.

Vì không có chức năng ngân hàng, nên DWS đã ủy thác cho Ngân hàng Woori TP. HCM (Woori Bank) nhận và quản lý phần tài sản thế chấp của HDTC (khu đất thực hiện dự án The Mark), có trả phí hằng năm.

Vụ án tranh chấp quyền sở hữu dự án The Mark, quận 7, có liên quan đến HDTC của "đại gia" Đinh Trường Chinh vẫn chưa đi đến hồi kết.

Theo hợp đồng ủy thác, Woori Bank không thể tự ý từ bỏ, chuyển nhượng, xử lý tài sản đảm bảo hay chấm dứt hợp đồng đảm bảo quản lý vốn khi không có sự đồng ý hay sự chỉ định bằng văn bản của DWS.

Các thỏa thuận trên được xem là những điều kiện pháp lý chặt chẽ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Những điều khoản thỏa thuận này cũng đồng thời giúp bên cho vay là DWS quản lý tốt dòng tiền của mình và Woori Bank thực hiện đúng chức năng ngân hàng theo luật định.

Sau đó, các bên đã ký thỏa thuận hủy Hợp đồng góp vốn bằng QSDĐ giữa Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà và VK Housing để Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà có thể dùng giá trị QSDĐ thế chấp, đảm bảo các khoản vay của VK Housing.

DWS cho rằng, Woori Bank giữ giấy chứng nhận QSDĐ mang tên Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà là theo sự ủy thác của đơn vị này. Ngoài ra, số tiền vay gần 13 triệu USD của DWS, đã sử dụng thanh toán tiền sử dụng đất, giá trị thương quyền khu đất cho Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà và một số chi phí khác.

Tuy nhiên, khi đến hạn trả nợ vay cho DWS, VK Housing không có khả năng. Do đó, DWS đã khởi kiện đến Tòa án quận Seoul – Hàn Quốc. Tòa án xác định P&D và LVC không có tài sản nào ngoài phần góp vốn trong VK Housing. Sau đó, Tòa án đã tuyên bố hai công ty trên phá sản. DWS với tư cách chủ nợ của P&D và LVC đã mua lại 80% cổ phần góp vốn trong VK Housing thông qua 2 Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ngày 16/3/2016.

Theo DWS, việc chuyển nhượng phần vốn góp trên là đúng theo pháp luật. Cụ thể, tại văn bản Khước từ phần góp vốn ký ngày 4/12/2009 của các thành viên góp vốn VK Housing thì chủ nợ được quyền xử lý tài sản của bên bảo lãnh (3 thành viên liên doanh trong VK Housing) khi bên vay - VK Housing không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ vào ngày đến hạn.

Tháng 12/2015, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà đưa ra phương án cổ phần hóa. Đáng lưu ý, tại phần báo cáo về các công ty liên kết, liên doanh và đầu tư tài chính dài hạn, công ty này đã thông tin về hiện trạng đầu tư đối với dự án liên doanh với VK Housing.

Trong khi đó, tại phần báo cáo về “Các dự án sẽ tiếp tục thực hiện sau cổ phần hóa”, công ty này không liệt kê dự án hợp tác với VK Housing là dự án The Mark mà chỉ đề cập đến các dự án khác. Điều đáng nói, sau khi cổ phần hóa thì trong ban lãnh đạo HDTC có sự góp mặt của “đại gia” khét tiếng Đinh Trường Chinh, với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.

“Ưu ái” HDTC, WooriBank “phủi” trách nhiệm?

Theo DWS, sau khi nhận chuyển nhượng lại phần vốn góp của P&D và LVC, DWS được UBND và Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM công nhận tư cách thành viên góp vốn tại VK Housing. Sau đó DWS đã thanh toán hết giá trị thương quyền khu đất thực hiện dự án và gánh luôn phần nợ thua lỗ của Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà tại VK Housing. Do đó, DWS cho rằng sau cổ phần hóa, HDTC không có quyền tranh chấp tại dự án The Mark.

Tuy nhiên, sau đó Woori Bank đã “bẻ kèo” và đẩy DWS vào thế “thả gà ra đuổi”. Cụ thể, trong khi vụ việc tranh chấp giữa các bên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm thì ngày 28/12/2016, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà sau khi cổ phần hóa thành Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) đã chi 400 tỷ đồng chuyển cho Woori Bank để giải chấp và lấy lại giấy chứng nhận QSDĐ.

DWS cho rằng, việc làm trên của HDTC và Woori Bank là trái cam kết trong các hợp đồng. Viện dẫn căn cứ cho thấy, HDTC đã được VK Housing (DWS nhận chuyển nhượng 80% vốn góp) thanh toán đủ tiền đất thực hiện dự án The Mark và xuất hóa đơn thì xem như không còn quyền đối với khu đất trên. Vì vậy, HDTC chi 400 tỷ đồng cho ngân hàng để lấy giấy chứng nhận QSDĐ lại là không có giá trị pháp lý, kể cả trong trường hợp HDTC giữ giấy chứng nhận QSDĐ mang tên công ty mình nhưng thực chất đã phải sang tên cho VK Housing.

Ngay sau đó, DWS đã có ý kiến với Woori Bank về trường hợp HDTC. Theo đó, căn cứ vào các thỏa thuận ủy thác và quyền của bên cho vay, DWS đã yêu cầu Woori Bank không được thực hiện giải chấp khoản vay mà phải chờ phán quyết của tòa, bởi DWS đã khởi kiện đòi lại khoản vay đối với bên vay và các bên bảo lãnh (trong đó có HDTC) tại TAND TP. HCM. Trong đó, Woori Bank cũng được xác định là bên có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Ngày 29/12/2016, Woori Bank có văn bản thông báo đến DWS về việc HDTC yêu cầu hoàn trả chứng nhận QSDĐ đã thế chấp nên Woori Bank quyết định sẽ hoàn trả theo yêu cầu. Đến ngày 30/12/2016, Woori Bank tiếp tục có văn bản thông báo đến DWS là đã hoàn trả xong giấy chứng nhận QSDĐ cho HDTC.

Tuy nhiên, DWS lại không hề nhận được những văn bản này vì Woori Bank đã gửi mà đề sai địa chỉ của nơi nhận. Ngày 12/1/2017, đại diện DWS đã có buổi làm việc, yêu cầu Woori Bank làm rõ 3 vấn đề gồm: Căn cứ hoàn trả chứng nhận QSDĐ cho HDTC; Khoản vay của HDTC chưa được tất toán theo hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng vay tại sao Woori Bank lại đơn phương thực hiện việc hoàn trả QSDĐ cho HDTC; Woori Bank có nhận tiền nào từ HDTC để giải tỏa thế chấp hay không?

Thế nhưng, Woori Bank đã từ chối trả lời các vấn đề mà DWS đã đề cập. Đến ngày 16/1/2017, HDTC nộp lên TAND TP. HCM một bản tường trình trong đó nêu rõ Woori Bank đã nhận 400 tỷ đồng từ HDTC để hoàn trả QSDĐ đã thế chấp.

Với những minh chứng trên, DWS cho rằng, Woori Bank đã vi phạm nghiệm trọng thỏa thuận trong Hợp đồng đảm bảo quản lý vốn đã ký giữa 2 bên vào ngày 4/12/2009.

Được biết, sau đó DWS cũng đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, về việc Woori Bank hoàn trả giấy chứng nhận QSDĐ (khu đất thực hiện dự án The Mark) cho HDTC và nhận 400 tỷ đồng từ HDTC.

Liên quan đến vụ việc tranh chấp trên, HDTC đã đâm đơn khởi kiện DWS ra TAND TP. HCM. Tuy nhiên đương sự đã kháng cáo Bản án sơ thẩm số 1500/2018/KDTM-ST ngày 25/10/2018 của TAND TP. HCM. Ngày 22/11/2018, Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP. HCM đã quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án trên và đề nghị TAND Cấp cao tại TP. HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Sau khi phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “tranh chấp quyền sở hữu doanh nghiệp và sở hữu dự án theo hợp đồng liên doanh” bị tạm hoãn vào ngày 30/8, mới đây TAND Cấp cao tại TP. HCM đã có giấy triệu tập các bên liên quan tham gia phiên toà phúc thẩm vào ngày 10/9. Hi vọng rằng, phiên toà phúc thẩm ngày 10/9 tới của TAND Cấp cao tại TP. HCM sẽ có những phán quyết “thấu tình đạt lý” để sớm khép lại vụ việc.

Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.

Trong các đơn tố cáo và khởi kiện, HDTC đặt ghi vấn về việc giả mạo hồ sơ chuyển nhượng góp vốn giữa các đối tác Hàn Quốc, vì vậy HDTC không công nhận tư cách pháp nhân của DWS trong liên doanh. Tuy nhiên, các tài liệu đã công bố của Bộ Công an cho thấy, không có căn cứ của việc giả mạo chữ ký, hồ sơ, giấy tờ liên quan.

Ở một diễn biến khác, DWS cũng cung cấp các giấy tờ cho thấy đã thanh toán đầy đủ tiền đất và giá trị thương quyền của khu đất 29.310 m2, thực hiện dự án The Mark cho HDTC. Tài liệu thống kê trước cổ phần hoá của HDTC cũng cho thấy không có phần tài sản nêu trên. Vì vậy, DWS nhận định, HDTC sau cổ phần hoá không có bất kỳ quyền tranh chấp nào với DWS nói riêng hoặc trong liên doanh VK Housing nói chung.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top