Aa

Bài 4: Hệ lụy khó lường trước từ “cơn lốc” điện gió Quảng Trị

Thứ Ba, 26/10/2021 - 06:44

Việc hàng chục dự án điện gió đã ồ ạt thi công tại phía Tây tỉnh Quảng Trị đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.

Lời tòa soạn:

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cho biết dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đưa tỉnh “đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước”. Mặc dù vậy, do chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững; cải cách hành chính, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có cải thiện nhưng chưa đáng kể; hoạt động và phối hợp công tác ở chính quyền một số địa phương, sở, ngành chưa hiệu quả; chất lượng quy hoạch cán bộ có mặt còn hạn chế…

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5 - 8%, trong giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Trị xác định sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp năng lượng, đưa Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.

Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị, khoảng 2 năm trở lại đây là khoảng thời gian ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về thu hút đầu tư. Hàng loạt dự án với vốn đầu tư từ vài ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng đã được khởi công tại tỉnh Quảng Trị.

Tính riêng năm 2019, tỉnh này có 66 dự án được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có dự án đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài về nhiều lĩnh vực. Đây cũng là năm mà Quảng Trị thu hút được nhiều dự án với qui mô lớn, có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn không ít bất cập trong quá trình thu hút đầu tư của địa phương này.

Với tinh thần nghiên cứu và phản biện vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của địa phương, trên cơ sở vận dụng đúng các quy định pháp luật, Reatimes khởi đăng loạt bài: Tận dụng nguồn lực đất đai và tài nguyên để phát triển kinh tế tại Quảng Trị, thành quả và bài học từ thực tiễn. Trân trọng giới thiệu với độc giả!

 

Hàng trăm hộ dân đối diện nguy hiểm vì điện gió

Cùng với chủ trương xây dựng trung tâm năng lượng tài miền Trung, có thể nói, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư điện gió đã đến với vùng đất Quảng Trị. Tuy nhiên, với sự nở rộ của hàng chục dự án điện gió tập trung ở vùng cao phía Tây tỉnh - nơi đã có những cảnh báo sạt lở đất nghiêm trọng, càng dấy lên mối lo hiện hữu khi các dự án điện gió bao phủ một phần rộng lớn, uy hiếp đến môi tường bền vững.

Đất sỏi trôi về từ công trình điện gió bồi lấp ruộng người dân ở xã Húc, H. Hướng Hóa do mưa lũ từ bão số 5 năm 2021 (Ảnh: CÔNG ĐIỀN)

Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, đánh giá, nhận diện, khoanh vùng trong phạm vi các dự án điện gió đang thi công có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại 2 huyện: Hướng Hóa và Đakrông.

Qua đó, Sở nhận định tại huyện Hướng Hóa có tổng số có 12 xã, thị trấn có công trình điện gió đang triển khai thi công, gồm: Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Lập, Tân Liên, Tân Hợp, Tân Long, Xã Húc, Tân Thành, Hướng Lộc, Thị trấn Lao Bảo và thị trấn Khe Sanh.

Trong đó, vùng có nguy cơ rất cao chịu ảnh hưởng gồm 12 thôn/6 xã với 147 hộ/670 nhân khẩuNgoài ra, 14 dự án điện gió trên địa bàn xã Hướng Linh (Hướng Linh 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8; Tân Linh, Gelex 1, 2, 3; Phong Liệu; Phong Huy), nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn khu vực dân cư là thấp. Thế nhưng, những khu vực này cũng được khuyến cáo cần kiểm tra, rà soát các hạng mục phụ trợ có khả năng sạt lở, vùi lấp các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất, ruộng lúa của người dân để có giải pháp phòng chống, khắc phục trước mùa mưa, bão, lũ năm 2021 và khi có sự cố, thiên tai xảy ra. 

Riêng đối với địa bàn huyện Đakrông có 2 dự án điện gió Hướng Hiệp 2 và Hướng Hiệp 3 thuộc địa bàn xã Hướng Hiệp chưa triển khai thi công. Tuy nhiên, địa bàn thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp có 16 hộ với 72 nhân khẩu có nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ quét do sinh sống dọc suối Kreng.

Hiện tại, nhiều đoạn bị bồi lấp, thu hẹp dòng chảy do trong quá trình thanh thải đất, đá làm đường thi công dự án điện gió Hướng Linh 1 từ năm 2016 và đưa vào vận hành (quý 3/2017) đến nay cũng cần chú trọng phòng tránh những nguy cơ tiềm ẩn.

Công trình điện gió trên đồi núi cao ở xã Tân Liên, H. Hướng Hóa (Ảnh: Đ.T)

Đề xuất áp dụng kịch bản rủi ro thiên tai cấp độ 3

Trước những diễn biến và hình thái thiên tai dị thường xảy ra ngày ngày nhiều, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm ứng phó với thiên tai, an toàn cho những địa phương, khu vực có nguy cơ cao, nhất là những nơi có công trình điện gió.

Trong đó, Sở Nông nhiệp – Phát triển nông thôn đề xuất cần xây dựng phương án ứng với kịch bản rủi ro thiên tai cấp độ 3 (cấp độ lớn nhất đối với loại hình lũ quét, sạt lở đất, tương đương với mưa lũ lịch sử năm 2020), nhất là khi có cảnh báo tổng lượng mưa rất lớn, hoặc cảnh báo tổng lượng mưa từ trên 400mm trong 24 giờ và mưa đã xảy ra trước đó trên 2 ngày (lượng mưa từ trên 400mm) tại vùng có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trước mắt Sở sẽ xử lý, gia cố kịp thời các bãi thải đất đào đặt trụ tuabin, chống sạt lở đất của các dự án điện gió; xử lý những đoạn đường thi công có nguy cơ  chia cắt trong mùa mưa bão, có giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy  lợi, cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án điện gió.

Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, đánh giá tổng thể tính ổn định của các bãi thải, các taluy âm,  taluy dương, khả năng tiêu thoát nước tại các vị trí cống, ngầm, tràn của các tuyến  đường thi công, các công trình phụ trợ nguy cơ mất an toàn để đưa ra các giải  pháp xử lý như: gia cố chân, mái các taluy, tính toán lắp đặt thêm các cống qua  đường để gia tăng tiêu thoát nước mặt tránh gây ngập úng, chia cắt cục bộ trong  mùa mưa bão; gia cố mái (đầm chặt kết hợp trồng cỏ Vetiver, trồng cây bản địa, …).

Đồng thời, hạ thấp các bãi thãi có nguy cơ sạt trượt, lu lèn đảm bảo độ chặt trước khi tiếp tục đổ thải; khơi thông các lòng sông, suối bị bồi lấp do việc thanh thải trong  quá trình thi công tránh nguy cơ lũ quét cho vùng hạ du.

Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ lắp hệ thống camera theo dõi tại các vị trí bãi thãi có nguy cơ sạt trượt cao, ảnh hưởng đến an toàn khu dân cư để có phương án theo dõi, giám sát từ xa nhằm xử lý kịp thời khi có dấu hiệu xảy ra sự cố; lắp đặt các trạm đo mưa tự động tại các công trình có các bãi thải có nguy cơ sạt lở cao để có phương án chỉ đạo, điều hành, ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra.

Những công trình điện gió trên vùng cao H. Hướng Hóa, Quảng Trị sẽ đóng góp nhiều cho ngân sách, phát triển kinh tế địa phương nhưng cũng đặt ra những thách thức về môi trường, an toàn phòng tránh thiên tai (Ảnh: Đ.T)

Cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng cho rằng, về lâu dài sẽ rà soát, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao đến nơi đảm bảo an toàn. Trong đó, đối với các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét do tác động của các dự án điện gió thì chủ đầu tư phải phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp ổn định dân cư an toàn trước thiên tai, đồng thời hỗ trợ kinh phí bồi thường cho người dân đến nơi ở mới an toàn.

Ngoài ra, chính quyền cũng sẽ thực hiện giải pháp phi công trình bằng cách lập kế hoạch, phương án và tổ chức trồng rừng thay thế và thu hồi diện tích đất cấp tạm thời sau khi các dự án điện gió đã hoàn thành để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định; đồng thời chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo trật tự xã hội trên địa bàn.  

Bài 5: Cần kiểm soát điện gió tại Quảng Trị 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top