Aa

Hệ thống báo cháy của tòa chung cư 24 tầng bị lửa "nuốt chửng" ở Anh không hoạt động

Thứ Năm, 15/06/2017 - 13:13

Vụ cháy kinh hoàng tại tòa chung cư 24 tầng Grenfell ở Anh ngày hôm qua đã làm lộ ra những thiếu sót trong việc phòng cháy chữa cháy đáng báo động.

Ngon lửa

Ngon lửa "nuốt chửng" tòa tháp Grenfell.

Lính cứu hỏa tên Terry, người đã dành 8 tiếng tham gia chữa cháy tại tháp chung cư Grenfell, quận White City, London, sáng sớm qua, cho biết ông "chưa bao giờ chứng kiến một vụ việc nào như vậy" suốt 27 năm công tác, theo Sun.

"Khi tới nơi, chúng tôi mới chỉ thấy một mặt tòa nhà bốc cháy nhưng sau vài giờ, toàn bộ chung cư chìm trong biển lửa", Terry nói với đài phát thanh LBC.

"Chúng tôi thực sự phải vừa chạy vừa núp dưới khiên chống bạo động của cảnh sát để tiếp cận tòa nhà bởi những mảnh vỡ cháy liên tục rơi xuống", ông kể. "Chỉ có một cầu thang nhỏ và tất cả mọi người cùng phải lao lên. Nó trông như vụ khủng bố 11/9 vậy".

Tháp Grenfell ngày 14/6 chìm trong ngọn lửa, khiến nhiều gia đình ở các tầng cao bị mắc kẹt. Hỏa hoạn, xảy ra vào thời điểm hầu hết cư dân tại tháp còn ngủ, làm 12 người thiệt mạng. Vụ hỏa hoạn tại tháp chung cư Grenfell đến nay khiến 12 người thiệt mạng, 74 người bị thương và con số thương vong được dự báo còn tiếp tục tăng. Theo thông tin từ đội cứu hỏa London, ngọn lửa bao trùm từ tầng hai đến tầng trên cùng của tòa nhà. Một số cư dân phải nhảy khỏi cửa sổ để thoát thân.

Hệ thống cứu hỏa

Vụ hỏa hoạn được ví như khủng bố 11/9.

Vụ hỏa hoạn kinh hoàng đã khiến những thiếu sót về an toàn phòng cháy chữa cháy của tòa nhà này lộ ra.

Nhiều nhân chứng cho biết hệ thống chữa cháy trong chung cư hoàn toàn không hoạt động.

Đặc biệt tài liệu về cải tạo tháp Grenfell không đề cập đến loại lớp ngăn lửa mà giới chuyên gia nói cần sử dụng trong các tòa nhà cao tầng.

Bản thiết kế năm 2012 cho tháp Grenfell, trong đó có chi tiết về sơ đồ, chất liệu lớp phủ, do Khu Hoàng gia Kensington và Chelsea (RBKC), sở hữu Grenfell, công bố không đề cập đến lớp ngăn lửa, Reuters đưa tin ngày 15/6. Lớp phủ được nhắc đến trong thiết kế là tấm phủ tường, tấm kẽm bên ngoài và tấm cách nhiệt.

Hiện chưa rõ tài liệu này có phải thiết kế cuối cùng, dùng để cải tạo Grenfell, hay đơn vị thi công có lắp lớp ngăn lửa hay không. Tháp Grenfell cao 24 tầng, được xây từ những năm 1970 và là nơi ở của hàng trăm cư dân.

RBKC từ chối xác nhận có lớp ngăn lửa được đặt giữa các tấm cách nhiệt bên ngoài tòa nhà tại hầu hết các tầng trong quá trình cải tạo hay không. Công ty Rydon Group, đơn vị cải tạo, cũng không đề cập đến việc dùng lớp ngăn lửa. Tuy nhiên, công ty cho biết quá trình cải tạo "đáp ứng mọi tiêu chuẩn về xây dựng, phòng cháy, an toàn và sức khỏe".

Bộ Cộng đồng và Chính quyền địa phương (DCLG), cơ quan phụ trách các quy định xây dựng, không phản hồi các câu hỏi từ Reuters. "Bình luận về nguyên nhân hỏa hoạn là không phù hợp", DCLG cho biết trong thông báo sau đó.

Các chuyên gia pháp lý từ chối nêu ý kiến về việc pháp luật yêu cầu phải có các lớp ngăn lửa.

Cơ quan về xây dựng Anh (BRE) khuyến nghị lớp ngăn lửa cần được lắp tại mỗi tầng để ngăn lửa lan theo khe hở giữa các lớp phủ cũ và mới. BRE không có quyền hạn nhưng đây là cơ quan đưa ra các tiêu chuẩn an toàn cho ngành xây dựng.

Quá trình cải tạo Grenfell, theo gói 8,7 triệu bảng Anh (gần 12 triệu USD), hoàn tất năm 2016. Quá trình bao gồm thay lớp phủ ngoài, thay các cửa sổ nhằm cải thiện khả năng cách nhiệt và cách âm.

Việc đặt các lớp cách nhiệt bên ngoài tòa nhà khá phổ biến nhưng một số chuyên gia kiến trúc và xây dựng coi đây là nguy cơ cháy tiềm ẩn. Lớp cách nhiệt, thường nằm giữa lớp phủ ngoài và tường có thể trở thành đường dẫn lửa dọc theo tòa nhà.

Sở cứu hỏa London cho biết họ chưa xác định được nguyên nhân hỏa hoạn.

"Chúng tôi đã nghe nhiều giả thiết về nguyên nhân cháy ở tháp Grenfell", RBKC thông báo. "Mọi giả thiết sẽ được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình điều tra đang diễn ra".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top