Cụ thể, về xử lý nợ xấu nội bảng theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mãi tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro; tích cực áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Nhờ đó, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 907.300 tỷ đồng nợ xấu.
Trong đó, năm 2012 là 74.680 tỷ đồng, năm 2013 là 87.980 tỷ đồng, năm 2014 là 143.550 tỷ đồng, năm 2015 là 186.960 tỷ đồng, năm 2016 là 118.490 tỷ đồng, năm ăm 2017 là 115.540 tỷ đồng, năm 2018 là 163.140 tỷ đồng nợ xấu (trong đó, TCTD sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý chiếm tỷ trọng 48,95%, khách hàng trả nợ chiếm tỷ trọng 27,86%, bán cho VAMC chiếm tỷ trọng 16,98%), tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD đến 3/2019 ở mức 5,88%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 227.860 tỷ đồng, bao gồm hình thức xử lý TCTD mua lại khoản nợ xấu đã bán cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt là 31.010 tỷ đồng. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 117.80 tỷ đồng.
Ngoài ra, số nợ xấu xử lý theo Nghị quyết 42 do khách hàng trả nợ trung bình khoảng 5.810 tỷ đồng/tháng, cao hơn 4.000 tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ dưới hình thức khách hàng trả nợ trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Về kết quả mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC, đối với việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, lũy kế từ năm 2013 đến tháng 3/2019, VAMC mua nợ xấu đạt 338.849 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, tương ứng với giá mua nợ là 307.567 tỷ đồng.
Mua nợ theo giá trị thị trường, lũy kế đến tháng 3/2019, VAMC đã mua được 46 khoản nợ với dư nợ gốc đạt 5.882 tỷ đồng và giá mua bán nợ đạt 5.960 tỷ đồng.
Lũy kế từ năm 2013 đến tháng 3/2019, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ ước đạt 120.511,6 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong năm 2017, 2018 ước đạt 67.891 tỷ đồng, gần bằng 57% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến năm 2018.