Sau phiên giao dịch lịch sử hôm qua (9/3), nhà đầu tư tiếp tục đón một số tin không vui liên quan đến dịch Covid-19 cũng như thị trường chứng khoán thế giới và giá dầu. Theo thông tin từ Viện Pasteur Nha Trang, bệnh nhân nam, 49 tuổi, quốc tịch Anh cùng đi trên chuyến bay VN0054 đã có kết quả xét nghiệm dương tính.
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ có phiên giảm mạnh nhất từ năm 2008 khi Dow Jones giảm 2.013,76 điểm, tương đương 7,79%, xuống 23.851,02 điểm. S&P 500 giảm 225,81 điểm, tương đương 7,6%, xuống 2.746,56 điểm. Nasdaq giảm 624,94 điểm, tương đương 7,29%, xuống 7.950,68 điểm.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới tiếp tục giảm trong phiên 9/3. Giá dầu Brent tương lai giảm 10,91 USD, tương đương 24,1%, xuống 34,36 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 10,15 USD, tương đương 24,6%, xuống 31,13 USD/thùng.
Tổng hợp những tin không vui ở trên, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch ngày 10/3 vẫn với diễn biến tiêu cực khi sắc đỏ bao trùm lên toàn thị trường trong đó có nhiều cổ phiếu lớn giảm sàn.
Dù vậy, lực cầu bắt đáy bắt đầu xuất hiện và dần giúp thị trường chung hồi phục. Trong đó, nhiều cổ phiếu lớn như ACB, KDC, VNM, HPG, FPT, VCS... bật tăng mạnh đã giúp nâng đỡ thị trường chung và nhờ đó VN-Index kết thúc phiên giao dịch trong sắc xanh. KDC tăng 5%, VNM tăng 4,8%, HPG tăng 3,8%... Trong khi đó, dù ACB tăng 3,9% nhưng HNX-Index vẫn không thể tăng điểm do áp lực quá lớn đến từ SHB hay SHS, cả 2 cổ phiếu này đều tiếp tục giảm sàn trong phiên hôm nay.
Nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa rất mạnh. Các cổ phiếu như TCH, VRC, DRH, NTL, IDJ, HDG, HDG... đều đồng loạt giảm sâu. Trong đó, TCH, VRC và DRH đều bị kéo xuống mức giá sàn. NTL giảm 5,6%, IDJ giảm 3,8%. TCH đứng thứ 6 trong số các cổ phiếu tác động giảm lớn nhất đến VN-Index.
Tuy nhiên, không như phiên trước, thị trường ghi nhận nhiều cổ phiếu bất động sản hồi phục mạnh thậm chí nhiều mã còn được kéo lên mức giá trần như LGL, QCG, TIX, CLG, HQC. Trong đó, QCG có phiên tăng trần thứ 9 phiên tiếp. Hiện tại, giá QCG đạt 6.820 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 82,4% so với phiên 26/2. Bên cạnh đó, CII tăng 4,5%, KDH tăng 2,2%, PWA tăng 6,2%.
Dù không có mức tăng mạnh như nhiều cổ phiếu bất động sản khác nhưng VHM lại là nhân tố quan trọng giúp VN-Index đảo chiều tăng trở lại vào cuối phiên. VHM bất ngờ bật tăng 1,6% lên 76.500 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 1 triệu cổ phiếu. VHM cũng đóng góp đến 1,17 điểm cho VN-Index, có sức ảnh hưởng lớn thứ 3 đến chỉ số này chỉ sau VNM và VCB.
Kết thúc phiên, VN-Index tăng 2,01 điểm (0,24%) lên 837,5 điểm. HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,14%) xuống 106,2 điểm.
Thanh khoản duy trì ở mức cao, tổng khối lượng giao dịch trên HoSE và HNX đạt 363 triệu cổ phiếu, trị giá 5.900 tỷ đồng. Trong đó, FLC đứng đầu khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với hơn 16,5 triệu cổ phiếu. 2 cổ phiếu bất động sản khác cũng lọt vào top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường là HQC và DLG với lần lượt 10,3 triệu cổ phiếu và 8,6 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên thị trường với tổng giá trị bán ròng hơn 406 tỷ đồng, trong đó, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trên sàn HoSE với giá trị lên đến 398 tỷ đồng.
Như vậy, khối ngoại sàn này đã bán ròng trong 21 phiên liên tiếp với tổng giá trị đạt hơn 3.700 tỷ đồng. Đà bán ròng của khối ngoại phiên hôm nay tập trung vào CCQ ETF E1VFVN30, MSN, HPG hay VRE. 2 ông lớn ngành bất động sản là VHM và VIC cũng đều bị bán ròng khá mạnh với lần lượt 31 tỷ đồng và 24 tỷ đồng.