Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định 75/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons. Tổng số tiền phạt Coteccons phải nộp là 155 triệu đồng.
Trong đó, Coteccons bị phạt 70 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Cụ thể, doanh nghiệp này đã công bố thông tin báo cáo tình hình quản trị năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 không có nội dung về giao dịch giữa công ty với người có liên quan của công ty.
Bên cạnh đó, Coteccons còn bị phạt 85 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về giao dịch với người có liên quan của thành viên hội đồng quản trị. Theo báo cáo tài chính riêng năm 2019 đã được kiểm toán, báo cáo tài chính riêng giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2020 được soát xét; trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, Coteccons có các giao dịch với các tổ chức có liên quan đến người nội bộ công ty. Tuy nhiên, giao dịch giữa Coteccons với các bên liên quan trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 chưa được đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị thông qua.
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc xử phạt này là theo quy định tại Khoản 3, Điều 33, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 108/2013/NĐ-CP).
Trước thông tin bị xử phạt vì các giao dịch nội bộ, đại diện Coteccons cho biết, các vi phạm trên diễn ra trong từ năm 2018 đến tháng 6/2020. Trong giai đoạn này, Coteccons phát sinh các giao dịch với Unicons và Ricons nhưng các giao dịch này chưa được đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị thông qua. Đồng thời, các báo cáo quản trị trong năm 2018, 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 không có nội dung về giao dịch giữa Coteccons với các bên liên quan.
“Công ty xác nhận rằng các giao dịch trên chưa được sự phê chuẩn của hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông và không được công bố thông tin là vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và đi ngược lại các thông lệ tốt nhất về quản trị doanh nghiệp, gây ra các mâu thuẫn lợi ích và ảnh hưởng đến uy tín, sự phát triển bền vững của Công ty”, Coteccons thông tin.
Thời gian vừa qua, Coteccons trải qua nhiều khó khăn do mâu thuẫn nội bộ gay gắt. Việc ông Nguyễn Bá Dương, người sáng lập và xây dựng Coteccons từ con số 0 trở thành thương hiệu đỉnh cao ngành xây dựng, ra đi, được xem là mất mát lớn, khó có thể bù đắp một sớm một chiều.
Hiện tại, dù nhóm cổ đông thâu tóm Coteccons đã bổ sung một vài nhân sự mới, nhưng vẫn khuyết vị trí Tổng Giám đốc. Theo các chuyên gia, dù có tài chính khá tốt, nhưng việc thay máu gần như toàn bộ lãnh đạo chủ chốt sẽ khiến Coteccons phải mất một thời gian dài mới có thể gắn kết được và vận hành bình thường. Trong khi đó, các đối thủ khác trong ngành và các công ty do cựu lãnh đạo từ Coteccons sẽ có cơ hội vượt lên trong khi Coteccons đang loay hoay với việc ổn định nhân sự.