Aa

Hết quý III, giải ngân vốn đầu tư phải đạt tối thiểu 60% kế hoạch

Thứ Tư, 30/06/2021 - 13:30

Nghị quyết số 63/NQ-CP đặt yêu cầu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư NSNN năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Trong đó đến hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Trong đó, tập trung: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; Thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công;

Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra; Kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công; Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; Xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. (Ảnh minh họa)

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ước tính 6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 295,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,3% tổng vốn và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 660,1 nghìn tỷ đồng, bằng 56,4% và tăng 7,4%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 214,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% và tăng 6,7%.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 171,9 nghìn tỷ đồng, bằng 36,8% kế hoạch năm và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 30,5% và tăng 20,5%), gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, bằng 35,1% kế hoạch năm và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 144,4 nghìn tỷ đồng, bằng 37,2% và tăng 9%, trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 98,1 nghìn tỷ đồng, bằng 35,9% và tăng 11,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 39,2 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% và tăng 4,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 7,1 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% và giảm 2,9%.

Bà Hương kiến nghị, trong 6 tháng cuối năm Chính phủ cần tăng cường đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng... 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top