Aa

Hiểm họa từ đồ nhựa đựng thực phẩm

Thứ Sáu, 16/11/2018 - 04:00

Ở môi trường tự nhiên một túi nilon phải mất 200 đến 500 năm mới phân hủy gây nên hiện tượng ô nhiễm nặng nề và trở thành một vấn nạn bức xúc đối với xã hội.

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Y khoa Vienna (Áo) vừa công bố một phát hiện cho thấy, có 9 loại vi hạt nhựa khác nhau được tìm thấy trong mẫu phân của các tình nguyện viên tới từ nhiều nước châu Âu. Điều này cho thấy con người đang nuốt phải các loại vi hạt nhựa cùng với thức ăn mỗi ngày.

Phát hiện này làm tăng thêm mối lo về thói quen sử dụng hộp xốp, đồ nhựa dùng 1 lần để đựng thức ăn - tại Hà Nội cũng như cả nước - mà hậu quả dễ thấy là gây hại cho môi trường sống và những hiểm họa với sức khỏe con người.

Theo khảo sát của phóng viên báo Hà Nội mới, tại những hàng cà phê, quán cơm bình dân, thức ăn đường phố… lượng ống hút, thìa nhựa, hộp xốp, túi nilong được tiêu thụ mỗi ngày là rất lớn. Chủ một cửa hàng trên phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, việc sử dụng những vật dụng đựng thực phẩm dùng một lần vừa tiện vừa tiết kiệm bởi không phải thuê nhân công dọn, rửa.

(Báo Hà Nội Mới ngày 12/11/2018)

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất bốn lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ.

Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nilon, hộp đựng đồ ăn, cốc…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội.

Ô nhiễm trắng - thảm họa cho môi trường. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ô nhiễm trắng - thảm họa cho môi trường. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thống kê của Tổ chức Việt Nam sạch và xanh cho thấy, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Ngày nay, không khó để tìm thấy những sản phẩm làm từ nhựa trong các vật dụng hàng ngày. Túi nilon, vỏ chai nước, ống hút, tăm bông… đều là sản phẩm chỉ sử dụng một lần, song lượng nhựa đó khi thải ra môi trường gần như không tự phân hủy.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Giám đốc Tổ chức hành động vì môi trường và phát triển tại Việt Nam (ENDA Vietnam), không chỉ là quốc gia thứ 5 về phát thải rác thải nhựa, mà Việt Nam còn được biết đến là nước có số lượng rác thải nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp. Sự tích tụ của các mảnh rác vụn trong môi trường là vấn đề do con người tạo ra, vì vậy đòi hỏi một giải pháp đến từ con người.

Rác thải nhựa ở đại dương sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy sản. Trên đất liền, rác thải nhựa có ở nhiều nơi và gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe đời sống con người.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh hiện chịu nhiều áp lực từ các vấn đề liên quan đến chất thải rắn đô thị, với lượng phát sinh trung bình 8.000 - 8.500 tấn/ngày. Trong đó, thành phần nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt chiếm tỷ trọng cao (chỉ sau rác thực phẩm).

Tỷ lệ rác thải nhựa phát thải nhiều nhất là ở siêu thị, trung tâm thương mại; kế đến là khu vực văn phòng và các hộ gia đình. Ước tính mỗi năm có khoảng 250.000 - 300.000 tấn chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với sự phát triển dân số và kinh tế, lượng chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng.

Một phần chất thải nhựa được chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt, một phần khác được tái chế nhưng chủ yếu với công nghệ thô sơ, do đó phát sinh nhiều vấn đề về môi trường và chất lượng sản phẩm tái chế không cao. Nếu dân số thành phố Hồ Chí Minh giữ tốc độ tăng bình quân 3,5%/năm (tự nhiên và cơ học), ước tính đến năm 2020, lượng nhựa tiêu thụ cũng như lượng chất thải nhựa phát sinh tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ vào khoảng 400.000 tấn/năm. Lượng chất thải này sẽ là gánh nặng đối với công tác quản lý môi trường của thành phố.

Thế nhưng, khi sử dụng vật dụng đựng thực phẩm nói trên, tác hại dễ thấy là gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Về lâu dài, thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần sẽ gây ra hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe con người.

Theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, những vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dùng trong ăn uống nói chung và đồ nhựa dùng một lần nói riêng thuộc diện phải kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, chất lượng mặt hàng này vẫn là điều chưa được quan tâm đúng mức. Khảo sát tại phố Hàng Chiếu, phố Hàng Khoai, chợ Đồng Xuân…, mặt hàng đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với giá rất rẻ. Cụ thể, hộp xốp đựng cơm có giá 25.000 - 30.000đ/100 chiếc; thìa, cốc, đĩa nhựa có giá 20.000đ - 30.000đ/100 chiếc; ống hút có giá từ 2.000 đến 3.000đ/túi 50 chiếc. Điều đáng nói là trên bao bì sản phẩm không có thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hướng dẫn cách sử dụng an toàn…

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ thực phẩm trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cảnh báo: Hiện nay, tại một số làng nghề thủ công truyền thống vẫn còn tình trạng sử dụng công nghệ lạc hậu để tinh chế nhựa, sau đó nấu thành hạt nhựa để bán cho người sản xuất.

Công nghệ lạc hậu không thể giúp loại bỏ được tạp chất độc hại có trong loại nhựa này và khi sử dụng, chúng có thể phát sinh chất độc. Đặc biệt, nếu đựng thực phẩm nóng ở nhiệt độ 100oC, hàm lượng monostyren (một loại chất độc) trong nhựa sẽ được giải phóng, ngấm vào thức ăn, gây tổn hại nghiêm trọng cho gan và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, không nên tái sử dụng hoặc sử dụng hộp xốp, ống hút, cốc, đĩa nhựa để đựng và bảo quản thực phẩm trong thời gian dài bởi khi đó những vật dụng này sẽ bị xước, ngả màu, tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn tích tụ và gây bệnh. Đặc biệt, đối với những loại nhựa kém chất lượng, quá trình sử dụng sẽ sản sinh chất BPA - chất độc gây ra một số bệnh như vô sinh, tiểu đường, ung thư… Chính vì vậy, người dân cần phải cảnh giác với những sản phẩm nhựa đựng sẵn một lần, sản phẩm không rõ nguồn gốc, giá rẻ.

(Báo HNM, 12/10/2018)

Một kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.

Thực tế cho thấy, ở số đông người dân vẫn ý thức được rằng sử dụng túi nilon thông thường sẽ gây những hậu quả không tốt đối với môi trường. Tuy nhiên, sự tiện dụng của túi nilon tạo nên thói quen khó bỏ của người tiêu dùng trong việc sử dụng. Do đó, túi nilon trở thành rác thải gây ra mối nguy hại đối với môi trường và tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì vậy, nếu không có giải pháp thiết thực trong việc hạn chế dùng túi nilon thì không bao lâu nữa đường phố, kênh rạch, ruộng đồng… khắp mọi nơi sẽ tràn ngập túi nilon, môi trường sẽ hủy hoại nặng nề và khó có thể khắc phục được.

Ở môi trường tự nhiên một túi nilon phải mất 200 đến 500 năm mới phân hủy gây nên hiện tượng ô nhiễm nặng nề và trở thành một vấn nạn bức xúc đối với xã hội.

“Ô nhiễm trắng” do túi nilon gây ra cho môi trường là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi về một loại ô nhiễm túi do túi nilon gây ra cho môi trường, ô nhiễm trắng xảy ra khi con người xử lý túi nilon đã qua sử dụng không đúng cách, với hàng loạt hệ lụy khôn lường. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rác thải nilon nếu chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển các loại thực vật, ngăn cản việc đưa nước từ đất đến các loại thực vật làm các loại này kém phát triển, đồng thời là nguyên nhân của sự xói mòi đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng. Mặt khác, nếu đốt nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Gần một phần ba túi nilon chúng ta sử dụng không được thu gom và xử lý do đó làm ô nhiễm môi trường tự nhiên. Hàng năm có tới 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương đến hệ san hô, đe dọa hệ động vật đại dương. Chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh bốn vòng trái đất mỗi năm, và nó có thể tồn tại 1000 năm trước khi bị tiêu hủy hoàn toàn.

Chất nhựa đã hiện hữu trong nguồn nước sinh hoạt của chúng ta. Điều đó có gây hại đến sức khỏe. Các nhà khoa học chưa chắc chắn nhưng chất thải nhựa chứa một số hóa chất có thể gây độc và rối loạn hóc môn. Chất thải nhựa cũng là cục nam châm hút các chất độc khác như là dioxin, kim loại và thuốc trừ sâu.

Trên thế giới, hiện đã có nhiều quốc gia tẩy chay đồ nhựa dùng một lần cũng như phản đối việc sử dụng tràn lan túi nilon, điển hình như Pháp, Mỹ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, Pháp là quốc gia đầu tiên thông qua đạo luật cấm tất cả cốc, chén, dao, muỗng, thìa… sử dụng một lần làm bằng nhựa và sẽ có hiệu lực từ năm 2020. Còn tại Đài Loan (Trung Quốc), nhà chức trách quy định những sản phẩm như bát, túi, hộp, cốc… làm bằng nhựa dùng một lần không được phép mua bán, sử dụng tại các siêu thị, cửa hàng ăn uống…

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, vấn đề của Việt Nam là chúng ta cần đề ra giải pháp đúng và triển khai thực hiện quyết liệt, hướng tới mục tiêu giảm thiểu tình trạng lạm dụng túi nilon, đồ nhựa đựng thực phẩm cũng như loại bỏ hành vi sản xuất bao bì đựng thực phẩm từ loại nhựa kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của mỗi người về việc sử dụng túi nilon, đồ bao gói thực phẩm dùng một lần được làm bằng nhựa. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp khuyến khích người dân, cơ sở sản xuất, dịch vụ sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, tốt nhất là đề ra những quy định cụ thể về điều này và tiến hành xử phạt thật nặng đối với những ai làm trái quy định.

Trong thành phần chất thải đô thị và công nghiệp, tỷ lệ chất thải nhựa chỉ đứng sau chất thải thực phẩm và chất thải giấy. Việc tái chế với công nghệ phù hợp sẽ giúp thu gom và xử lý chất thải nhựa theo cách thân thiện môi trường và có thể chuyển đổi thành tài nguyên, mang lại tiềm năng lớn cho bảo tồn tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính.

Nhưng ở Việt Nam, việc tái chế chất thải nhựa vẫn còn nhiều nan giải. Các chuyên gia cho rằng, lượng rác thải nhựa thải ra ngày một nhiều, trong khi công tác xử lý, tái chế còn yếu kém, dẫn đến số lượng rác này đang bị thải bỏ vô tội vạ ra môi trường đất, xuống biển, gây ra những hậu quả khôn lường cho môi trường sống của con người. Nếu chúng ta đẩy mạnh công tác 3T (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng) sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và kinh tế.

Cần có ý thức sử dụng những túi xách bằng nguyên liệu thân thiện môi trường, những vật dùng có thể tái sử dụng nhiều lần. Ống hút bằng thân cây sậy, thủy tinh, inox… là những sản phẩm có thể thay thế cho ống hút nhựa; các vật dụng thường làm bằng nhựa như bàn chải đánh răng, bàn chải giặt quần áo cũng có thể tạo từ gỗ hoặc các vật liệu thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính trong việc thực hiện các dự án tái chế rác thải nhựa, dự án nghiên cứu sản xuất sản phẩm bằng nguyên liệu thân thiện môi trường. Đồng thời, Nhà nước cần ban hành các chính sách giảm sản xuất đồ dùng bằng nhựa, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất đồ dùng bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường thay thế đồ dùng bằng nhựa.

Các Bộ, ngành cũng cần có các hướng dẫn các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh rà soát, kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ô nhiễm môi trường, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường trong các hoạt động sản xuất kinh doanh; kiện toàn bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường các cấp, rà soát, xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ môi trường nội bộ; xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế của người tiêu dùng và triển khai hình thức dán nhãn mác rõ ràng lên tất cả sản phẩm./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top