Aa

Hiện trạng “ngân hàng 0 đồng” dưới góc nhìn Kiểm toán Nhà nước

Thứ Hai, 21/05/2018 - 06:01

Việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng chậm và chưa triệt để, thực trạng tài chính của nhiều ngân hàng chưa được cải thiện...

Đó là nhận định của Kiểm toán Nhà nước tại báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 vừa được gửi đến Quốc hội.

Báo cáo cho biết kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 9 tổ chức tài chính, ngân hàng khác.

Kiểm toán Nhà nước đánh giá, năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tương đối linh hoạt và hiệu quả chính sách tiền tệ, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế vĩ mô theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Các tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, kinh doanh có lãi hoặc chênh lệch thu chi dương. Các ngân hàng thương mại (trừ GPbank và Ocean Bank) có tỷ suất lợi nhuận/vốn trên 10% (xếp loại A), ổn định thanh khoản.

Theo đánh giá của Kiểm Toán Nhà nước thì việc tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng chậm và chưa triệt để.

Theo đánh giá của Kiểm Toán Nhà nước thì việc tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng chậm và chưa triệt để.

Song, nhiều ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép, đến hết năm 2016, tổng nợ xấu và tiềm ẩn trở thành nợ xấu khoảng 485.306 tỷ đồng, chiếm 8,81% tổng dư nợ.

Tỷ lệ nợ xấu tại 3 ngân hàng 0 đồng rất cao. Cụ thể, nợ xấu của GPbank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ; Oceanbank là 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,25% dư nợ. Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam thì nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) là 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ (19.024 tỷ đồng).

Mặt bằng lãi suất cho vay trong năm giảm không đáng kể, khả năng chi trả của quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thấp, cơ quan kiểm toán đánh giá.

Việc tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng được đánh giá là chậm và chưa triệt để.

Kết quả kiểm toán cho thấy, Ngân hàng Nhà nước chưa kịp thời chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt và giám sát triển khai phương án cơ cấu lại GPbank theo quy định tại quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 01/8/2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; chậm phê duyệt đề án tái cơ cấu GPbank, Ocean Bank dẫn đến không thể triển khai các biện pháp nhằm giảm suy giảm tài chính của các ngân hàng được mua 0 đồng. Công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước còn hạn chế.

Vẫn theo Kiểm toán Nhà nước thì thực trạng tài chính của các ngân hàng 0 đồng không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn.

Cụ thể GPbank từ thời điểm mua bắt buộc (7/7/2015) đến 31/12/2016 lỗ thêm 451 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 13.448 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 10.363 tỷ đồng. Ocean Bank lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro năm 2016 là 1.417 tỷ đồng, gấp 2,07 lần so với năm 2015 (684 tỷ đồng), lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 15.894 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 11.625 tỷ đồng.

Việc thu hồi nợ xấu của các ngân hàng 0 đồng, theo Kiểm toán Nhà nước là khó khăn.

GPbank năm 2016 thu hồi 307 tỷ đồng nợ xấu, đạt 14,99% kế hoạch; ước tính chỉ có thể thu hồi 866 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 31,53% tổng nợ xấu. Ocean Bank nợ xấu khó thu hồi do không có tài sản đảm bảo, tài sản đảm bảo chưa đầy đủ tính pháp lý hoặc khách hàng không hợp tác…; tốc độ thu hồi nợ có xu hướng giảm (từ 6/5/2015, thời điểm Ngân hàng Nhà nước mua lại đến 31/12/2015 thu hồi 2.061 tỷ đồng, năm 2016 là 1.964 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2017 là 757 tỷ đồng).

Hạn chế tiếp theo được nêu tại báo cáo là một số ngân hàng thương mại chưa xử lý dứt điểm các khoản công nợ tồn đọng từ nhiều năm, đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, chưa thoái theo lộ trình các khoản vốn góp vượt giới hạn quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Báo cáo kiểm toán nêu rõ, hầu hết các ngân hàng thương mại còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay (thẩm định thiếu chặt chẽ, chứng từ giải ngân không đầy đủ, chưa giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay, định kỳ chưa đánh giá lại tài sản đảm bảo, phân loại nợ chưa phù hợp.

Chẳng hạn, Kiểm toán Nhà nước điều chỉnh Vietinbank giảm dư nợ nhóm 1 là 717,6 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 2 là 478,1 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 3 là 239,5 tỷ đồng. Vietcombank tăng dư nợ nhóm 1 là 517 tỷ đồng, giảm dư nợ nhóm 2 là 503 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 4 là 17,1 tỷ đồng, giảm dư nợ nhóm 5 là 31,3 tỷ đồng. BIDV tăng dư nợ nhóm 1, giảm dư nợ nhóm 5 là 37,5 tỷ đồng...

Một số ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác, Kiểm toán Nhà nước phải điều chỉnh tăng chi phí dự phòng của BIDV 0,69 tỷ đồng; Vietinbank 36,5 tỷ đồng; Ocean Bank 376 tỷ đồng; GPbank 15 tỷ đồng...

Về nhận định một số khoản vay dư nợ lớn tiềm ẩn rủi ro, báo cáo dẫn chứng nhóm khách hàng kinh doanh thẻ cào điện thoại vay vốn tại Vietcombank Tp.HCM từ năm 2011, 2012 quá hạn trả nợ từ năm 2014, dư nợ gốc đến 31/12/2016 là 251,7 tỷ đồng, lãi 85,7 tỷ đồng, sử dụng vốn sai mục đích, có dấu hiệu lừa đảo, Vietcombank đang đề nghị cơ quan an ninh điều tra xử lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top