Tham gia thảo luận trước Quốc hội về Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, nhiều đại biểu đã đề cập đến các ngân hàng đã mua bắt buộc trước ngày Luật này có hiệu lực, tức là 3 ngân hàng 0 đồng OceanBank, GPBank và VNCB. Các đại biểu còn băn khoăn về giá chuyển nhượng là 0 đồng hay giá trị thị trường.
Là người đầu tiên đề cập sâu đến 3 ngân hàng 0 đồng, Đại biểu Hà Thị Lan của đoàn Bắc Giang nói rằng, thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc mua bắt buộc 3 ngân hàng thương mại yếu kém. Vấn đề đặt ra trong thời gian tới cơ chế xử lý các ngân hàng này như thế nào, trong trường hợp giả sử có nhà đầu tư đề nghị muốn mua lại các ngân hàng này thì đã đủ cơ sở pháp lý để thực hiện chưa?
Về xử lý chuyển tiếp tại dự thảo luật đã quy định về cách thức thực hiện phương án chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, vốn điều lệ đối với ngân hàng thương mại đã mua bắt buộc, theo đó quy định giá chuyển nhượng phần vốn góp do các bên thỏa thuận trực tiếp không thấp hơn giá trị thực của vốn điều lệ, các dự trữ do tổ chức kiểm toán độc lập xác định và theo cơ chế giá thị trường.
Qua rà soát quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp về giá thị trường, đại biểu nhận thấy có 3 căn cứ xác định thế nào là giá thị trường. Một là, giá giao dịch trên thị trường cao nhất ngày hôm trước. Hai là, giá thỏa thuận giữa người bán và người mua. Ba là, giá do một tổ chức thẩm định, giá chuyên nghiệp xác định. Như vậy, đáp ứng một trong ba căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp đã đảm bảo được yêu cầu về giá thị trường. Các ngân hàng thương mại đã mua bắt buộc là công ty TNHH một thành viên và không niêm yết trên thị trường. Do đó, đại biểu nhận thấy không thể xác định được giá chuyển nhượng là giao dịch cao nhất ngày hôm trước của phần vốn góp các ngân hàng thương mại đã mua bắt buộc, vì thực tế không có các giao dịch này. Như vậy, về nguyên tắc đáp ứng quy định giá thị trường thì việc quy định 2 căn cứ là xác định theo giá thỏa thuận trực tiếp giữa người bán và người mua, hoặc dựa trên kết quả do tổ chức kiểm toán độc lập xác định như dự thảo luật là phù hợp và đảm bảo được tính thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp, đồng thời quy định này phù hợp với thực trạng xử lý các ngân hàng thương mại hiện nay.
Đại biểu Lan đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm quy định làm rõ hơn cơ chế giá thị trường là giá nào trong 2 loại giá thị trường còn lại để không có cách hiểu khác. Đề nghị quy định rõ là giá chuyển nhượng là giá do các bên thỏa thuận không thấp hơn giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ do tổ chức kiểm toán độc lập xác định.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng đoàn Hà Nội, người đồng thời là chủ tịch của ngân hàng VietinBank, thì khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn có thể thuê kiểm toán độc lập để đánh giá, xác định giá trị ngân hàng, trong đó có tính đầy đủ giá trị tài sản hữu hình và vô hình của ngân hàng, bao gồm cả thương hiệu lợi thế nhân lực, hệ thống.
Trong trường hợp như vậy, theo ông Thắng, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để xác định giá. Trường hợp có một nhà đầu tư thì Chính phủ có thể quyết định bán cho nhà đầu tư đó. Trong trường hợp có trên một nhà đầu tư cũng cho phép Chính phủ được áp dụng, được lựa chọn nhà đầu tư trả giá cao hơn.
Do vậy Đại biểu Thắng đề nghị bỏ cuối điểm d theo cơ chế giá thị trường như trong dự thảo, vì giá thị trường ở đây không rõ ràng. Giá thị trường ở đây thực tế là giá thỏa thuận giữa Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và nhà đầu tư. Trong trường hợp có hai nhà đầu tư, một nhà đầu tư trả giá cao hơn thì cũng chưa chắc đấy là giá thị trường và như vậy Chính phủ cũng khó xác định chọn ông đầu tư trả giá cao hơn hay ông đầu tư trả giá thấp hơn, như vậy rất khó khăn.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết của đoàn An Giang trong khi đó đưa ý kiến rằng, thực tế, có một số ngân hàng thương mại được mua bắt buộc nhưng giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng âm rất lớn. Nếu sử dụng ngân sách Nhà nước để bổ sung tiền hết ăn rồi mới đưa vào bán là không hợp lý vì không thể lấy vốn ngân sách để bù đắp cho hoạt động yếu kém của các ngân hàng trong khi việc quy định giá chuyển nhượng phần vốn góp bằng 0 đồng sẽ rất phức tạp khi xác định thời gian, phạm vi, mức độ chính xác các số liệu qua báo cáo để xác định là mức âm thực. Mặc dù chúng ta thông qua kiểm toán độc lập đồng thời thực tế giá trị thực của vốn điều lệ vào quỹ dự trữ âm của các ngân hàng thương mại còn có giá trị thương hiệu, đội ngũ cán bộ và các giá trị khác. Vì vậy, giá bán phần vốn góp vẫn phải do thị trường quyết định, từ đó giá bán có thể là bằng 0 đồng hoặc lớn hơn 0 đồng, và theo đại biểu vẫn nên giữ phương án giá 0 đồng.
Với vai trò là người đứng đầu ngành ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng khi giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm đã nói rằng, vấn đề giá chuyển nhượng các ngân hàng thương mại đã mua bắt buộc, cơ quan soạn thảo nhất trí với định hướng giá chuyển nhượng sẽ không thấp hơn giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ do tổ chức kiểm toán độc lập xác định và theo cơ chế giá thị trường.
Tuy nhiên như ý kiến của đại biểu Lan là quy định của Luật Doanh nghiệp đã quy định 3 trường hợp để xác định giá, như vậy nếu bổ sung thêm cụm từ là "theo cơ chế giá thị trường" thì có thể khó khăn khi thực hiện quy định này, vì trên thực tế là giá do tổ chức kiểm toán độc lập xác định đã là giá thị trường và các ngân hàng chúng ta đã mua lại bắt buộc thì họ chưa niêm yết nên không có giá giao dịch trên thị trường.
Nên quy định để đảm bảo tính khả thi của quy định này và phù hợp với định hướng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ thì cơ quan soạn thảo đề nghị sửa lại quy định về xác định giá chuyển nhượng phần vốn góp ở khoản 2 Điều 3 như sau: "Giá chuyển nhượng phần vốn góp không thấp hơn giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ do tổ chức kiểm toán độc lập xác định".