Năm 2023, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Riêng đối với thị trường bất động sản, gam màu xám của sự trầm lắng, khó khăn đã bao trùm từ sau dịch bệnh Covid-19 và đặc biệt từ giữa năm 2022 trở đi.
Các doanh nghiệp bất động sản phải đối diện chủ yếu với 3 nhóm điểm nghẽn lớn nhất về cơ sở pháp lý, nguồn vốn và quy trình, trình tự thủ tục. Số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, dừng hoạt động tăng lên, đi ngược với sự thụt lùi trong số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới năm 2023.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Quốc hội cũng đã thông qua 3 bộ Luật "xương sống" của thị trường gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và các Luật khác liên quan. Bộ ngành đang khẩn trương lấy ý kiến các nghị định, thông tư hướng dẫn các Luật nêu trên để kịp thời thi hành từ ngày 1/1/2025.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã đốc thúc, yêu cầu các bộ, ngành sớm trình các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai mới sửa đổi, làm cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Trong bối cảnh đó, với tinh thần đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tập trung đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các vấn đề khó khăn, vướng mắc khác đã được các bộ, ngành, Chính phủ tiếp thu và cơ bản được đưa vào sửa đổi trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đó, hoạt động tham gia góp ý sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật của VNREA được lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội đánh giá cao.
Hiệp hội cũng tiếp tục tập trung góp ý sửa đổi cơ chế chính sách tới các cấp thẩm quyền, các vấn đề về việc xây dựng các nghị định, thông tư liên quan đến thị trường bất động sản. Đặc biệt là về cơ chế, chính sách, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, quy trình, trình tự, thủ tục triển khai đầu tư dự án khu nhà ở và khu đô thị.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, VNREA tiếp tục tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần thứ 3 nhiệm kỳ V (2022 - 2027) và gặp gỡ Hội viên thường niên năm 2024 nhằm đánh giá tình hình thực hiện các hoạt động năm 2023 và đề ra phương hướng, kế hoạch hoạt động trong năm nay.
Trước thực tế thị trường bất động sản được đánh giá đã vượt qua "cơn bĩ cực" và có sự cải thiện nhưng dự báo vẫn còn đối diện khó khăn trong năm nay, Hội nghị sẽ là không gian chia sẻ, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và vướng mắc, khó khăn của các Hội viên để tiếp tục có kiến nghị, đề xuất phù hợp, kịp thời lên các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ nút thắt cho thị trường, hướng đến kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sự kiện gặp mặt Hội viên thường niên cũng là cơ hội gặp gỡ, giao lưu để tăng cường sự thấu hiểu, gắn kết giữa lãnh đạo Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên, thành viên VNREA; đồng thời trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau để cùng hướng tới một mục tiêu chung - phục hồi và phát triển bền vững./.