Mở đầu cuộc họp, ông Đỗ Viết Chiến - Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam đọc quyết định việc thành lập Ban điều phối chương trình.
Theo đó, danh sách Ban điều phối gồm 22 người, cụ thể gồm: ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Trần Ngọc Quang - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Đỗ Viết Chiến - Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Trương Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam.
Phía đơn vị quản lý gồm: ông Nguyễn Tường Văn - Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), bà Lưu Linh Hương, chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Xây dựng).
Về phía các đại diện Hiệp hội trực thuộc gồm: ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, bà Lã Thị Kim Ngân - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kiến trúc.
Về phía các doanh nghiệp hội viên gồm: ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, ông Bùi Tiến Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vihajco (Ecopark); ông Đỗ Đức Đạt - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House).
Phía các chuyên gia độc lập gồm: bà Vũ Thị Kim Thoa - Trưởng đoàn Tư vấn Chương trình Năng lượng sạch Usaid Việt Nam.
Phía truyền thông tham gia Ban điều phối gồm: ông Phạm Nguyễn Toan - Tổng Biên tập Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Kênh truyền hình tài chính & BĐS VTV.
Buổi họp trù bị bổ sung thêm 3 tổ chức vào Ban điều phối chương trình gồm đại diện tổ chức Tài chính Quốc tế IFC bà Nguyễn Thu Nhàn, đại diện Ngân hàng Viettinbank ông Nguyễn Tuấn Anh và một đại diện Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang.
Trong đó, bộ phận thường trực Ban điều phối có 9 người gồm: ông Nguyễn Trần Nam, ông Trần Ngọc Quang, ông Đỗ Viết Chiến, ông Nguyễn Mạnh Hà, ông Đỗ Đức Đạt, ông Phạm Nguyễn Toan, bà Nguyễn Thu Nhàn, bà Vũ Thị Kim Thoa và ông Nguyễn Tuấn Anh. Trong đó, ông Đỗ Viết Chiến là Thư ký Ban điều phối.
Ban điều phối có nhiệm vụ xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch hành động về Chương trình Phát triển Công trình Xanh trong lĩnh vực nhà ở đô thị, văn phòng, dịch vụ thương mại và du lịch trên phạm vi toàn quốc, phù hợp với Chiến lược tăng trưởng Xanh Quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng Xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đồng thời Ban điều phối chủ trì phối hợp với các đơn vị, cơ quan quản lý các bộ - ngành liên quan, doanh nghiệp, nhà khoa học, và các hội nghề nghiệp khác để triển khai thực hiện kế hoạch hành động sau khi được thông qua.
Trưởng ban điều phối có trách nhiệm tổ chức, triển khai, chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban điều phối Chương trình phát triển Công trình Xanh và kiểm tra thực hiện.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Giám đốc Ban truyền thông Capital House báo cáo kế hoạch hoạt động cho Chương trình Phát triển Xanh và Bền vững.
Theo bà Hương, mục tiêu chính của hội thảo nhằm thu hút các chủ đầu tư, các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS phát triển các Công trình Xanh trên toàn quốc. Thời gian thực hiện trong 5 năm từ năm 2017 – 2022.
Mục tiêu của Lễ khởi động chương trình (từ tháng 5/2017 – 31/5) là giới thiệu chương trình, kêu gọi sự tham gia của các chủ đầu tư, tạo được tiếng vang, tổng hợp ý kiến từ tham luận và trong hội thảo để kiến nghị với Thủ tướng và các bộ - ngành liên quan đưa ra các tiêu chí và các hình thức khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng Công trình Xanh.
Dự kiến có 10 doanh nghiệp và 30 công trình đăng ký vào Chương trình Phát triển Xanh và Bền vững trong năm nay, trong đó, bà Hương nhấn mạnh Capital House sẽ là đơn vị tiên phong. VNREA là đơn vị tổ chức chính, và Bộ Xây dựng giữ vai trò chủ trì.
Từ cuối tháng 4/2017 – 4/2018, ban điều phối bắt đầu khởi động các hoạt động truyền thông cho Chương trình Phát triển Xanh và Bền vững; biên soạn bộ tài liệu truyền thông và tài liệu đào tạo để làm cơ sở thông tin ban đầu cho website, cho công tác đào tạo và cung cấp kiến thức cũng như thông tin cơ bản cho báo chí; Thiết kế bộ nhận diện chương trình (đồ họa, infographic), fanpage, website, chuỗi clip chạy trên Youtube và các kênh mạng xã hội.
Từ tháng 6 – 12/2017, xây dựng và phát sóng chương trình Nhịp sống xanh với Ban khoa giáo VTV2...
Từ tháng 5/2017, tiến hành in cuốn Cẩm nang Xanh, trong đó tóm tắt các tiêu chí Xanh, phát ở sàn BĐS và các hội thảo của chương trình.
Đầu tháng 6/2017, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về Công trình Xanh cho báo chí, địa điểm dự kiến tại Flamingo, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Nội).
Nửa cuối tháng 6/2017, chương trình tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế tại các nước phát triển Công trình Xanh.
Đầu tháng 7/2017, tổ chức hội thảo chia sẻ trải nghiệm sau chuyến đi, kết hợp một buổi đào tạo ngắn về Công trình Xanh cho các chủ đầu tư, kiến trúc sư, thiết kế xây dựng và báo chí.
Cùng thời gian đó, chương trình tổ chức ra mắt Câu lạc bộ Những nhà tiên phong xanh nhằm tạo cơ hội gặp gỡ trao đổi giữa những người có đóng góp và quan tâm đến chương trình.
Tháng 7 – 12/2017, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về Công trình Xanh cho Chủ đầu tư (địa điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM).
Cũng thời gian trên, tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp BĐS về Công trình Xanh ở Hà Nội và TP. HCM (dự kiến khoảng 500 – 1.000 người).
Từ tháng 12 – 2/2018, tổ chức Gala vinh danh Nhà phát triển Xanh.
Bổ sung kế hoạch, ông Đỗ Đức Đạt cho rằng chương trình cần hướng tới 4 nhóm đối tượng: nhà quản lý (sử dụng các kênh hội thảo tham quan); chủ đầu tư; đơn vị tư vấn thiết kế (sử dụng kênh hội thảo và đào tạo và khách hàng (sử dụng kênh truyền thông) để tăng cường hiểu biết, nhận thức về Công trình Xanh.
Công bố việc thành lập, xác định mục tiêu của chương trình Công trình Xanh. Xác định khái niệm và các tiêu chí của Công trình Xanh. “Hiện nay hiểu biết về vấn đề này đang mập mờ do đó, trong khuôn khổ các hội thảo của chương trình nên tổ chức đánh giá hiện trạng Công trình Xanh ở Việt Nam và trên thế giới (thông qua hội thảo - PV), kinh nghiệm phát triển Công trình Xanh của Việt Nam và Thế giới, tổ chức lễ ký kết tài trợ và cam kết dự kiến có bao nhiêu Công trình Xanh thực hiện trong năm 2017”, ông Đạt đề xuất.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, chương trình nên chia ra 3 nhóm tác động: người tiêu dùng, nhà đầu tư - nhà phát triển BĐS và những nhà hoạch định chính sách, từ đó có mục tiêu cụ thể với từng nhóm đối tượng. “Tiêu chí về Công trình Xanh có thể biến thiên, nên lấy ý kiến của các thành viên, Hội đồng kiến trúc sư và các bên liên quan họp, từ đó thống nhất bộ tiêu chí phù hợp với từng thời điểm, để các đơn vị có cơ sở để đăng ký”, ông Tuấn Anh nói.
Ông Tuấn Anh chia sẻ thêm, cách nâng cao nhận thức tốt nhất cho người sử dụng hiện nay là để người tiêu dùng tự đánh giá, tổ chức kênh đối thoại từ ý kiến đóng góp của người dân, từ đó mới có cơ sở để hướng người tiêu dùng đến những tiêu chí chung.
Từ báo cáo và ý kiến của các đại biểu tham gia, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam kết luận: Để khuấy động và kêu gọi được nhiều doanh nghiệp tham gia, đề nghị Ban điều phối phải đúc rút ra tuyên ngôn của chương trình, vì sao phải làm, làm nhằm mục đích gì và nhấn mạnh không có thời hạn kết thúc.
Chủ tịch Nguyễn Trần Nam cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xây dựng tiêu chí của Công trình Xanh, việc này liên quan đến việc triển khai đăng ký dự án, thiết kế, quy hoạch, sử dụng vật liệu... Trước khi doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình phải biết được thế nào là công trình xanh. Đây là câu chuyện phức tạp, cần sự tham gia của nhiều chuyên gia. Tiêu chí đưa ra phù hợp trong 1 giai đoạn nhất định, tối thiểu từ 3 – 5 năm.
Thống nhất Chương trình hướng đến 3 nhóm đối tượng: Nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư – nhà phát triển BĐS và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam đề nghị xem lại dự kiến 10 doanh nghiệp và cụ thể 30 công trình tham gia; xác định lại kinh phí truyền thông cũng như số lượng người tham gia chương trình tham quan Công trình Xanh ở nước ngoài; khẳng định chương trình do Hiệp hội BĐS Việt Nam chủ trì, Bộ Xây dựng giữ vai trò bảo trợ; đồng thời mời thêm Bộ Khoa học Công nghệ, Ủy ban Khoa học Công nghệ Quốc hội bảo trợ cho chương trình.
Về tiêu chí Công trình Xanh, bà Vũ Thị Kim Thoa cho rằng, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã yêu cầu làm tổng quan hệ thống đánh giá xếp hạng và công nhận Công trình Xanh trên toàn thế giới (7 hệ thống tiêu chí). Từ năm 2015 – 2016, Bộ Xây dựng giao cho Bộ KHCN soạn thảo tiêu chí Công trình Xanh của Việt Nam. Hiện tại đã hoàn tất, nhưng chỉ là nhóm tiêu chí, thừa nhận các tiêu chí xếp hạng Công trình Xanh trên thế giới có bản sắc của từng nước. Trên hệ thống các nhóm tiêu chí đã có, căn cứ vào vốn của chủ đầu tư, và vị trí của công trình, doanh nghiệp nào đạt sẽ được công nhận đủ tiêu chuẩn Công trình Xanh.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đi đến thống nhất, Hiệp hội BĐS Việt Nam dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng sẽ triển khai phát động Chương trình Xanh. Doanh nghiệp nào đạt một trong những bộ tiêu chí của thế giới sẽ được Hiệp hội BĐS Việt Nam vinh danh. Việc công nhận và vinh danh những doanh nghiệp sử dụng Công trình Xanh sẽ tùy theo tiêu chí mà doanh nghiệp đó đáp ứng được.
Về thành phần tham gia, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam đề nghị Thư ký Ban điều phối làm văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, cử người đại diện tham dự Ban điều phối.
Đồng thời giao ông Đỗ Viết Chiến, ông Phạm Nguyễn Toan, ông Đỗ Đức Đạt và bà Nguyễn Thu Hương, trên cơ sở góp ý của mọi người điều chỉnh kế hoạch hoạt động, sau đó chuyển cho các thành viên của Ban điều phối đặc biệt là bộ phận thường trực.
Trước mắt, theo kế hoạch của chương trình, cuối tháng 5, Ban điều phối phải tổ chức được Hội thảo khởi động. Trong đó, đơn vị giữ vai trò đồng tổ chức là Capital House và IFC phải chủ động tìm kiếm diễn giả, kinh phí, tài liệu... Thư mời sẽ do Hiệp hội BĐS Việt Nam chuẩn bị.