Aa

Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức họp Ban chấp hành lần thứ II, nhiệm kỳ  IV

Chủ Nhật, 02/04/2017 - 03:25

Chiều 1/4, tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn (TP. Quy Nhơn, Bình Định), Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tổ chức họp Ban chấp hành (BCH) Hiệp hội lần thứ II, nhiệm kỳ IV. Cuộc họp do Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam – ông Nguyễn Trần Nam chủ trì, với sự tham gia của toàn thể ủy viên BCH Hiệp hội và phóng viên nhiều cơ quan báo chí.

Toàn cảnh Hội nghị Hội nghị Ban chấp hành lần thứ II, nhiệm kỳ  IV.

Toàn cảnh cuộc họp Ban chấp hành lần thứ II, nhiệm kỳ IV.

Mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam tuyên bố lý do và giới thiệu nội dung. 

Chủ tịch Nguyễn Trần Nam đánh giá, từ khi ra đời đến nay, năm 2016 được coi là năm hoạt động sôi nổi, bận rộn của Hiệp hội BĐS Việt Nam. Đặc biệt trong giai đoạn thị trường khởi sắc, tinh thần hoạt động của Hiệp hội càng phấn khởi, các hoạt động nhiều lên, tính hiệu quả, chuyên nghiệp theo đó cũng cao hơn.

Nhằm tăng cường hơn nữa năng lực bộ máy văn phòng Hiệp hội; nâng cao ý thức thực hiện các quy định của Hiệp hội trong toàn thể hội viên và các Hiệp hội, chi hội, Câu lạc bộ thành viên; nâng cao tính thống nhất trong các hoạt động của Hiệp hội BĐS Việt Nam với các hoạt động của các hiệp hội, chi hội, câu lạc bộ và các đơn vị thanh viên, cũng như tăng cường sự tham gia phối hợp của các ủy viên Thường vụ và ủy viên BCH vào các hoạt động của Hiệp hội; kêu gọi sự tham gia tích cực của hội viên vào các hoạt động, Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức Hội nghị BCH lần II, nhiệm kỳ IV.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam nêu lý do cuộc họp.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam tuyên bố lý do cuộc họp.

Tại hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam ủy quyền cho ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội trình bày tóm tắt các nội dung chính cần xin ý kiến BCH Hiệp hội.

Trước hết, ông Nguyễn Mạnh Hà nêu đề xuất về việc ban hành quy chế hoạt động của BCH, Ban Thường vụ Hiệp hội BĐS Việt Nam. Cụ thể:

- Thứ nhất: Xây dựng riêng quy chế hoạt động của BCH, Ban Thường vụ Hiệp hội nhằm quy định rõ ràng, tránh sự trùng lặp các quy định của Hiệp hội với Điều lệ của Hiệp hội,

- Thứ hai: Chỉ quy định chức năng nhiệm vụ của BCH và các ủy viên BCH, Ban Thường vụ và các ủy viên Ban Thường vụ.

- Thứ ba: Quy định rõ hơn là có 1/2 số ủy viên tham dự bao gồm cả có mặt và có ủy quyền tham dự nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế hoạt động của BCH, Ban Thường vụ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam trình bày các nội dung cần xin ý kiến tại cuộc họp.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam trình bày các nội dung cần xin ý kiến tại cuộc họp.

- Thứ tư: Quy định chi tiết các Hình thức họp BCH, Ban Thường vụ, các hình thức biểu quyết; các hình thức xin ý kiến BCH, Ban Thường vụ như: trực tiếp, điện thoại, thư tín, email.

- Thứ năm: Quy định rõ việc ký Nghị quyết, Quyết định, Kết luận của BCH, Ban Thường vụ là Chủ tịch Hiệp hội thay mặt BCH, Ban Thường vụ ký.

- Thứ sáu: Quy định rõ BCH ủy quyền cho Chủ tịch Hiệp hội thay mặt BCH quyết định và ký quyết định gia nhập Hiệp hội của các tổ chức, cá nhân khi Văn phòng Hiệp hội thẩm định đảm bảo các điều kiện theo quy định. Chủ tịch Hiệp hội thay mặt BCH quyết định và ký các văn bản, quyết định... của Hiệp hội trong quá trình lãnh đạo điều hành hoạt động của Hiệp hội theo đúng nghị quyết BCH và nghị quyết Đại hội.

Chủ tịch thay mặt BCH quyết định hoặc họp thường vụ Hiệp hội để quyết định việc Hiệp hội tham gia các tổ chức, các diễn đàn Quốc tế tại Việt Nam hoặc ở các nước, khu vực và trên thế giới, thành lập các đoàn công tác của Hiệp hội tới các hội bạn, trong nước và Quốc tế.

Đánh giá về các đề xuất nêu trên, ông Nguyễn Ngọc Thành - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng, PCT Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết nội dung đề xuất đã ưu việt, chặt chẽ, rõ ràng hơn nhiều giúp vận hành hoạt động của Hiệp hội hiệu quả hơn.

Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Hà trình bày các nội dung xin ý kiến về Quy chế Quản lý Tài sản – Tài chính của Hiệp hội BĐS Việt Nam. Cụ thể:

Điều chỉnh thành Quy chế Quản lý Tài sản – Tài chính của Hiệp hội BĐS Việt Nam, trước đây là Quy chế Quản lý Tài chính của Hiệp hội BĐS Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc họp.

Các thành viên tham dự cuộc họp Ban chấp hành.

Điều chỉnh phần quy định chung gồm các phần: Mục đích của quy chế; Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Nguyên tắc quản lý và sử dụng Tài chính, tài sản. Phần đối tượng điều chỉnh cần được quy định rõ hơn, cụ thể: Văn phòng Hiệp hội và các cá nhân, tổ chức có sử dụng Tài chính, tài sản của Hiệp hội. Đối với các Chi hội, Hiệp hội thành viên, các đơn vị trực thuộc là các pháp nhân độc lập căn cứ quy chế, điều lệ của Hiệp hội để xây dựng Quy chế quản lý Tài chính, Tài sản của mình theo đúng quy định của pháp luật và tự chịu trách nhiệm trước Hiệp hội, trước pháp luật việc quản lý tài chính, tài sản của đơn vị mình, gửi quy chế báo cáo Hiệp hội.

Điều này được cho là phù hợp với thực tế hoạt động và cơ cấu tổ chức của toàn Hiệp hội cũng như các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền tự chủ của các đơn vị, trách nhiệm trước pháp luật của các đơn vị thành viên của Hiệp hội.

 

Đối với quy chế khen thưởng, kỷ luật của Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà được Chủ tịch Nguyễn Trần Nam ủy quyền, đề xuất: Xây dựng riêng quy chế Khen thưởng, kỷ luật của Hiệp hội. Quy định có thành lập hội đồng thi đua để xét và quyết định việc khen thưởng, kỷ luật của Hiệp hội do Chủ tịch Hiệp hội làm Chủ tịch Hội đồng, có Thường trực Hội đồng. Quy định rõ các hình thức khen thưởng bao gồm: Kỷ niệm chương vì sự phát triển của Hiệp hội, Bằng khen, Giấy khen. Quy định rõ các hình thức kỷ luật bao gồm khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ có thời hạn tư cách hội viên, chấm dứt tư cách hội viên, xóa tên khỏi Hiệp hội.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Ông Phạm Nguyễn Toan - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (ngoài cùng) và các hội viên tham dự cuộc họp.

Bổ sung đối tượng được xét khen thưởng cả những đối tượng là cá nhân, tổ chức chưa là hội viên song có các đóng góp tích cực cho hoạt động của Hiệp hội, cho sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam. Điều này nhằm khuyến khích động viên kịp thời toàn bộ cộng đồng các doanh nghiệp BĐS, vì sự phát triển chung của thị trường BĐS Việt Nam.

Quy định rõ trình tự thủ tục khen thưởng, cụ thể: Đối với cá nhân hội viên, các cá nhân khác, văn phòng Hiệp hội lập hồ sơ, các cá nhân có trách nhiệm phối hợp cung cấp các thông tin cần thiết. Đối với các tổ chức, các tổ chức có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị khen thưởng gửi về Văn phòng Hiệp hội theo thời gian quy định. Quy định rõ thời hạn, các hồ sơ cần thiết để trình Hội đồng.

Tại cuộc họp, 100% đại biểu tham gia nhất trí cao với các đề xuất nêu trên.

Đáng chú ý, tại cuộc họp, chủ tịch Nguyễn Trần Nam đã giới thiệu để Ban Chấp hành bầu bổ sung vào Ban Thường vụ Hiệp hội khóa IV (2016 – 2021) một số nhân sự gồm: Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, Chủ tịch Hiệp hội đô thị Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Đỗ Viết Chiến, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh văn phòng Hiệp hội BĐS Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng); ông Trần Anh Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư P.H.

Thay đổi người đại diện doanh nghiệp tại BCH Hiệp hội: Theo đó, ông Đỗ Đức Đạt - Tổng Giám đốc Công ty Capital House sẽ thay cho ông Trần Như Trung - nguyên Phó TGĐ Công ty do chuyển công tác.

Thay đổi nhân sự khối văn phòng Hiệp hội: Theo đó, ông Đặng Hoàng Vũ, TGĐ Công ty TNHH Thương mại địa ốc Thanh Bình/ Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội BĐS Việt Nam được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng thư ký phụ trách khu vực phía Nam thay cho ông Trương Thái Sơn.

Thay đổi nhân sự tại Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư BĐS Việt Nam (Vicoreal). Cụ thể: Đồng ý giao nhiệm vụ bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Giám đốc Sự kiện và Xúc tiến đầu tư thuộc Trung tâm Vicoreal giữ chức Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư BĐS Việt Nam.

Đồng ý để ông Trần Ngọc Quang thôi kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư BĐS Việt Nam để tập trung thực hiện nhiệm vụ Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam. Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư BĐS Việt Nam thực hiện các thủ tục theo quy chế  hiện hành của trung tâm đã được Hiệp hội phê duyệt.

Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) tiền thân là Hiệp hội BĐS Nhà đất Việt Nam thành lập từ năm 2002. Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực BĐS hoặc các lĩnh vực có liên quan đến BĐS trên cả nước.

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, VNREA ghi đậm dấu ấn tên tuổi với quy mô, tầm ảnh hưởng và khẳng định vị thế là Hiệp hội ngành nghề đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp BĐS Việt Nam.

Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội BĐS nhà đất Việt Nam kết nạp 80 hội viên, đến nay danh sách hội viên đã lên đến gần 3.200 hội viên, bao gồm 314 hội viên trực tiếp và còn lại là Hội viên gián tiếp từ các Hiệp hội, đơn vị thành viên của Hiệp hội.

Đại hội lần thứ III được long trọng tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6/2011 thực sự là buổi sinh hoạt chính trị, xã hội của Hiệp hội, thể hiện bước trưởng thành vượt bậc của VNREA trong giai đoạn phát triển mới đáp ứng kịp sự vận hành của nền kinh tế và thị trường BĐS trong nước.

Theo đó, bộ máy lãnh đạo của Hiệp hội được kiện toàn, các Hiệp hội địa phương được thành lập, ra mắt và các phòng, ban chức năng được hoàn thiện bao gồm: Hiệp hội BĐS Hải Phòng, Hiệp hội BĐS Đà Nẵng, Hiệp hội BĐS Cần Thơ, Hiệp hội BĐS Đồng Nai và 6 đơn vị trực thuộc: Chi hội BĐS Du lịch Việt Nam, Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, Chi hội môi giới BĐS Việt Nam, Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam (http://reatimes.vn), Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư BĐS Việt Nam (VICOREAL), Ban pháp chế Hiệp hội.

Với vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp BĐS Việt Nam, là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước; là tổ chức tham vấn, phản biện đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoạch định các chính sách cho thị trường BĐS... trong những năm vừa qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động tích cực để đóng góp cho sự phát triển của thị trường. Vai trò của Hiệp hội đối với các cơ quan quản lý ngày một nâng cao, vị thế của Hiệp hội trong cộng đồng ngày một được khẳng định vững chắc.

Trong nhiệm kỳ III, bằng uy tín và nỗ lực hoạt động của mình, Hiệp hội không chỉ phát triển được hệ thống Hội viên rộng khắp cả nước với hơn 3.000 thành viên là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến BĐS mà còn xây dựng được nhiều hiệp hội, chi hội, CLB thành viên và các tổ chức trực thuộc.

Một trong những thay đổi đáng được ghi nhận là chất lượng hội viên Hiệp hội được nâng lên. Trước đó, nhiều doanh nghiệp lớn đứng ngoài, không tham gia “cuộc chơi”. Tuy nhiên, 5 năm qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã phát huy vai trò, tiếng nói của Hiệp hội nghề nghiệp và quy tụ sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như: Vingroup, FLC, Alphanam, Thành Đô...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top