Aa

"VNREA là đầu mối chính thống phản ánh tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp BĐS"

Thứ Sáu, 31/03/2017 - 19:47

Đó là đánh giá của ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Hà Nội về vai trò của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đối với các Hội viên là doanh nghiệp BĐS trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Hà Nội).

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Hà Nội.

PVXin ông đánh giá đôi nét về thị trường BĐS Việt Nam nói chung và thị trường BĐS ở Hà Nội nói riêng trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Chí Thanh: Thời gian qua, thị trường BĐS cả nước đã có những bước phát triển ổn định và sản phẩm BĐS ngày càng tốt, đa dạng hơn, phục vụ mọi nhu cầu của người dân. Trong đó, nhờ sự phong phú và cải thiện chất lượng, BĐS cao cấp đang tạo ra cú hích lớn trong sự phát triển của thị trường BĐS.

Bên cạnh phân khúc nhà ở cao cấp, phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp đang thiếu nguồn cung. Quỹ đất cho nhà ở xã hội và người có thu nhập thấp cũng hạn chế. Nguyên nhân là do gói vay 30.000 tỷ đồng đã hết hạn, nguồn tín dụng triển khai cho người thu nhập thấp mua nhà hiện nay chưa thu xếp được.

Trong thời gian tới, những dự án có vị trí đẹp, được đầu tư bài bản, sang trọng, cao cấp vẫn là những "ngọn cờ" thu hút nhu cầu của người dân và điểm sáng cho các nhà đầu tư mua hoặc cho thuê.

Có một thực trạng đáng lưu ý là, các nhà đầu tư BĐS hiện nay đa phần chạy chạy theo các dự án BĐS cao cấp. Có dự án thật sự cao cấp, nhưng lại có quá nhiều các hoạt động truyền thông về dự án không phải là cao cấp nhưng gắn mác cao cấp. Trong đó, có hình thức quảng cáo của các đơn vị môi giới không chuyên nghiệp.

Một dự án được đưa ra thị trường với lượng thông tin quá lớn để thu hút khách hàng sẽ không mang lại hiệu quả mà còn phản tác dụng. Vì truyền thông quá mạnh sẽ khiến người ta đặt ra vấn đề, dự án đó có thực sự tốt hay không?

Người mua, người có nhu cầu thật sẽ có cảm giác sản phẩm này quá ế, phải mời mua. Phức tạp hơn, nó sẽ tạo ra cái nhìn méo mó về thị trường BĐS.

Chính vì vậy, các nhà đầu tư nên lựa chọn hình thức giới thiệu sản phẩm tới khách hàng một cách có kiểm soát hơn. Nếu không lựa chọn được các nhà phân phối chuyên nghiệp thì hình thức mời mua như hiện nay sẽ bị lạc hậu rất nhanh, thậm chí sẽ tạo ra sự phản cảm.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải khuyến khích các dự án thật sự cao cấp. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh thông tin thúc đẩy sự minh bạch hóa của thị trường.

Môi giới BĐS cần phải được chuyên nghiệp hơn.

Môi giới BĐS cần phải được chuyên nghiệp hơn.  

PV: Theo ông, doanh nghiệp BĐS ở Việt Nam đang gặp phải những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Nguyễn Chí Thanh: Theo tôi, số lượng công dân trẻ chiếm một tỷ lệ cao trong gần 100 triệu dân Việt Nam là một trong những thuận lợi vô cùng lớn. Nhu cầu của người dân về nhà ở để các nhà đầu tư hay cơ quan quản lý Nhà nước có thể đáp ứng được phải kéo dài 20-30 năm nữa.

Bên cạnh đó, chương trình phát triển nhà ở của Bộ Xây dựng hiện nay, để triển khai được thì phải cần rất nhiều năm nữa. Theo dự báo, trong 5-10 năm tới, nhu cầu về nhà ở đối với nhóm thu nhập thấp vẫn còn rất lớn.

Về khó khăn, hiện nay, các thủ tục hành chính để phê duyệt một dự án đầu tư BĐS đang quá dài, cần nhiều các cơ quan tham gia. Trong đó, thời gian để nhà đầu tư có thể hoàn thiện các loại giấy phép triển khai xây dựng dự án cũng mất từ 1-5 năm.

Ngoài ra, công tác quy hoạch luôn luôn đi sau so với tốc độ phát triển thị trường, tốc độ phát triển của các quận, huyện. Chính vì vậy, công tác đầu tư, chỉ đạo cần phải quyết liệt hơn. Nếu triển khai quy hoạch tốt thì chúng ta sẽ có những khu đô thị đồng bộ, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch.

Đặc biệt, các ngân hàng vẫn đang có xu hướng hạn chế nguồn vốn cho vay để phát triển BĐS và giao thông. Giao thông không đi trước thì BĐS cũng bị chậm theo. 

BĐS phía Tây Hà Nội đang có nhiều dự án được triển khai. .

BĐS phía Tây Hà Nội đang có nhiều dự án được triển khai.

PV: Theo ông, đâu là giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư vào BĐS?

Ông Nguyễn Chí Thanh: Theo tôi, chúng ta đang cần một chương trình phát triển nhà ở và kèm theo đó là các gói tín dụng một cách cụ thể. Từ đó, ngân hàng có thể thu xếp được nguồn vốn chính thống, dài hạn phục vụ cho các dự án nhà ở cũng như phát triển hạ tầng giao thông đô thị.

Đồng thời, ngân hàng cũng là đơn vị đầu mối, khơi thông những nguồn vốn, tín dụng từ các tổ chức quốc tế với lãi suất thấp hơn so với mặt bằng thế giới hay khu vực. Như thế, sẽ tạo ra nguồn vốn rất lớn để phát triển dự án và hạ tầng.

Đặc biệt, chúng ta cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng và các nhà đầu tư về các chương trình nhà ở dài hạn. Từ đó, ngân hàng sẽ minh bạch hóa các nguồn tiền, dòng tiền, tránh tình trạng lấy ngắn nuôi dài và các huệ lụy.

PV: Thời gian qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã liên tục tổ chức các Hội thảo, Tọa đàm và có những kiến nghị lên Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Ông đánh giá ra sao về những động thái này của Hiệp hội đối với thị trường BĐS?

Hiệp hội BĐS Việt Nam là đầu mối chính thống, ghi nhận tất cả các ý kiến cũng như tâm tư nguyện vọng, vướng mắc của các nhà đầu tư BĐS. Có thể thấy, từ khi thành lập, nhất là trong giai đoạn gần đây, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò tư vấn, phản biện những nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội cũng như đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên trong các hoạt động liên quan đến ngành, lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội.

Đơn cử như, trên thị trường BĐS Việt Nam đang xuất hiện một số loại hình BĐS mới như Condo-tel hoặc Office-tel… phù hợp với xu thế của thời đại và nhu cầu của người dân. Tuy nhiên hiện nay, các loại hình này đều đang bị chênh vênh về mặt pháp lý.

Trên cơ sở những quy định hiện hành của pháp luật cũng như quá trình thực hiện có lộ ra một số vướng mắc, bởi Condo-tel hoặc Office-tel đều là những sản phẩm mới của Việt Nam.

Dựa trên những vướng mắc từ phía doanh nghiệp, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tập hợp ý kiến và phản ánh lại với các cơ quan quản lý Nhà nước. Từ đó, có cơ chế phối hợp, tìm ra những vấn đề tồn tại khách quan để giúp cho các sản phẩm đã được phát triển ở các nước trên thế giới cũng sẽ có những bước tiến phù hợp với quy định của luật pháp, điều kiện của Việt Nam.

Đặc biệt, động thái tích cực của Hiệp hội trong việc tháo gỡ các khó khăn cho các chủ đầu tư sản phẩm Condo-tel hoặc Office-tel sẽ tránh được tình trạng lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng.

Thời gian qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, giúp cho các nhà đầu tư và khách hàng có nhiều thông tin chính xác, minh bạch và cực kỳ hữu ích, quan trọng về thị trường BĐS.

Những thông tin đó đã phản ánh kịp thời tình hình thị trường cũng như các xu hướng phát triển khác nhau của từng phân khúc BĐS. Điều này đã giúp cho chủ đầu tư cũng như khách hàng có những bước đi chắc chắn khi “đổ tiền” vào một dự án hay phân khúc nào đó.

Do vậy, theo tôi trong thời gian tới, Hiệp hội BĐS Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan truyền thông, báo chí. Ngoài việc cập nhật những thông tin hữu ích về thị trường còn nhằm mục đích truyền tải những khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng của thị trường, doanh nghiệp và người dân đến cơ quan quản lý Nhà nước, để từ đó, có những hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời, thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top