Aa

Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp xây lắp

Thứ Bảy, 22/05/2021 - 06:30

Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đang đề nghị các chi hội, nhà thầu thành viên đánh giá tác động của việc giá thép tăng đến hoạt động của doanh nghiệp, thống kê mức độ thiệt hại…

Trên cơ sở đó, Hiệp hội tập hợp và gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Trước đó, ngày 19/4, Hiệp hội cũng đã có Công văn gửi Văn phòng Chính phủ “khẩn thiết” kiến nghị xem xét các biện pháp quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu xây dựng Việt Nam.

Giá thép tăng bất thường, nhà thầu gặp nhiều khó khăn
Giá thép tăng bất thường, nhà thầu gặp nhiều khó khăn.

Giá thép tăng bất thường

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết: Thị trường xây dựng đang rất khó khăn do giá thép tăng đột biến. Hiện tượng tăng giá thép xuất hiện từ cuối quý IV/2020 và diễn biến phức tạp trong quý I/2021 và đầu quý II/2021. Trong đó, thép phi 6, phi 8, những loại thép thông thường được sử dụng nhiều trong các công trình dân dụng, có mức tăng nhiều nhất, khoảng 40%.

Đơn cử, giá thép phi 6 Việt Mỹ ở thời điểm quý IV/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay giá bán loại thép này ở Đà Nẵng là 18.370 đồng/kg, tức tăng 40%. Trong khi đó, giá thép phi 6 Sở Xây dựng Đà Nẵng thông báo cho các nhà thầu, chủ đầu tư áp dụng trong thanh quyết toán cũng chỉ là 13.805đ/kg.

Không riêng thép Việt Mỹ mà tất cả các thương hiệu thép khác cũng đều đồng loạt tăng giá từ 30% - 40% so với với giá thép cùng loại hồi cuối quý IV/2020.

Ông Hiệp nhận định: Nếu giá thép tăng mức độ 5 - 7% thì đó là câu chuyện của thị trường, nhưng tăng lên đến 30 - 40% (một số chủng loại) và hiện chưa dừng lại thì là rất bất thường.

Nhà thầu đứng trước nguy cơ “vỡ trận”

Đề cập tác động của việc tăng giá thép bất thường, ông Nguyễn Quốc Hiệp nhận định: Các công trình xây dựng cầu đường, nhà cao tầng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Với công trình nhà cao tầng chẳng hạn, thép chiếm khoảng 18 - 20% giá trị xây dựng. Giá thép tăng lên đến 40% thì giá trị xây dựng công trình cũng biến động lớn theo.

Hiện nay, các nhà thầu xây dựng Việt Nam đều vấp phải những khó khăn “không có cách tháo gỡ”. Đối với các công trình đầu tư không sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì hợp đồng giữa nhà thầu và chủ đầu tư đa số đều sử dụng loại hợp đồng có đơn giá cố định, không điều chỉnh (trừ trường hợp bất khả kháng), nên các nhà thầu phải tự giải quyết thâm hụt lớn do giá thép tăng.

Đối với các dự án đầu tư vốn ngân sách thi lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của Sở Xây dựng, mà các thông báo này thì không cập nhật được biến động giá kịp thời của thị trường nên các nhà thầu cũng phải tự xử lý phần biến động giá này.

Tình trạng giá thép tăng cao ảnh hưởng lớn đến các nhà thầu và đặt các nhà thầu vào thế “nước sôi, lửa bỏng”, nhất là các nhà thầu nhỏ.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết: Hiệp hội chưa có số liệu thiệt hại của tại từng dự án nhưng đã có các dự án ngừng thi công vì càng thi công, nhà thầu càng lỗ. Có chăng các nhà thầu lớn, giàu tiềm lực, bỏ tiền mua trước thép với mức giá cũ là còn đang duy trì được hoạt động xây dựng.

Cũng theo ông Hiệp, mức thiệt hại của các nhà thầu tại mỗi công trình là khác nhau. Nhưng nhìn chung trong toàn ngành Xây dựng thì tình trạng rất căng thẳng. Nếu giá thép vẫn cứ tăng cao thì không khó hình dung hàng loạt các công trình cầu, đường, nhà cao tầng… dừng thi công. Khi đó, toàn nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng, tăng trưởng GDP không còn được tính 6,5 - 7%. Do vậy, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam kiến nghị Chính phủ có những biện pháp quyết liệt để bảo vệ các các nhà thầu đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, phá sản.

“Nhà nước xử lý phải kịp thời chứ đừng để đến lúc các nhà thầu tổn thất lớn và “chết” đi rồi thì muốn cứu cũng không cứu được nữa”, ông Hiệp đề xuất.

Kiến nghị

Trước tình hình đột biến nói trên, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các Bộ ngành liên quan kiểm tra xử lý triệt để nguyên nhân nào làm giá thép tăng đột biến.

Mặt khác, đối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách, yêu cầu các Sở Xây dựng phải cập nhật kịp thời đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu.

Ông Hiệp cho rằng, các cơ quan chức năng phải kiểm tra xem từ thời điểm quý IV/2020 đến nay, giá phôi thép nhập đầu vào trên thị trường tăng bao nhiêu? Phôi thép có tăng tương ứng với mức độ tăng giá thép lên đến 40% như hiện nay không? Nếu mức chênh lệch giá phôi đầu vào không đến mức đó thì nhà nước cần xem xét để có những biện pháp kiểm soát và nếu tăng tương ứng thì nhà nước cần kịp thời điều chỉnh chính sách trong nước.

Đối với chính sách trong nước, ngoài việc các Sở Xây dựng phải cập nhật kịp thời đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu, ông Hiệp cũng cho rằng cần thiết phải có hướng dẫn về điều khoản điều chỉnh hợp động trong điều kiện bất khả kháng được quy định tại Luật Xây dựng.

Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp “bất khả kháng” trong khi các hợp đồng đều được ký theo dạng hợp đồng đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói, không thay đổi giá trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Tức là trong bối cảnh giá thép tăng bất thường hiện nay, nhà thầu chỉ có thể hoặc chịu trận, làm là lỗ hoặc vận động chủ đầu tư “nhân đạo” chia sẻ. Và trong cuộc “vận động” này, nhà thầu luôn ở cửa dưới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top