Từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng trên thị trường có chiều hướng tăng. Khảo sát thị trường cho thấy, mặt bằng chung các loại vật liệu xây dựng tăng khoảng 25% so với đầu năm; trong đó, tăng cao nhất là sắt, thép xây dựng.
Việc tăng giá này được cảnh báo sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, trước mắt là sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của các công trình.
Khảo sát thị trường cho thấy, các nhà sản xuất đã nhiều lần đưa ra thông báo thay đổi, điều chỉnh tăng giá bán khiến lượng sản phẩm tiêu thụ tại các cửa hàng vật liệu xây dựng giảm mạnh.
Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đánh giá, lực lượng nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận,” phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý 1, đặc biệt ở tháng 4.
Theo dẫn chứng của VACC, giá thép phi 6 Việt Mỹ trong quý 4/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện mức giá của mặt hàng này ở Đà Nẵng được bán với giá 18.370 đồng/kg, tăng tới 40%.
Trong khi đó, giá thép do Sở Xây dựng Đà Nẵng công bố với nhà thầu áp dụng thanh quyết toán vẫn chỉ là 13.805 đồng/kg.
VACC cũng khẳng định, không riêng thép Việt Mỹ mà tất cả các thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30 - 40% so với quý cuối năm trước.
Hiện sắt, thép chiếm khoảng 20% tỷ trọng xây dựng nhưng giá bán lại đang “đội” lên tới 40% khiến các doanh nghiệp xây dựng gặp khó. Nhiều đơn vị đã phải tạm giãn tiến độ thi công để “nghe ngóng” thị trường.
Một nhà thầu đưa ra tính toán, chi phí mua thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng một xăn hộ chung cư và khoảng 35% chi phí xây dựng một căn nhà liền kề.
Do đó, giá thép tăng như hiện nay sẽ tác động lên giá bán trong thời gian tới. Bởi, với giá vật liệu xây dựng tăng đột biến như hiện nay thì mức chi phí dự phòng của doanh nghiệp cũng khó “gánh” nổi.
Tương tự, từ trung tuần tháng 4, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đã điều chỉnh mức giá sản phẩm bán ra, với mức tăng từ 30.000 - 40.000 đồng/tấn trở lên.
Lý do được các doanh nghiệp sản xuất xi măng đưa ra là do hiện tại chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất xi măng như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao… liên tục tăng giá. Điều này dẫn đến giá thành sản phẩm tăng.
Để đảm bảo chi phí sản xuất, ổn định chất lượng sản phẩm và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, thời gian tới các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá bán xi măng. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, nhưng vẫn phải điều chỉnh tăng giá nếu không sẽ lỗ - đại diện một doanh nghiệp cho hay.
Trước thực trạng này, VACC đã có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến.
Đồng thời, với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, VACC đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu các Sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu, tránh những tổn thất không đáng có cho các doanh nghiệp khi giá thép liên tục tăng cao.
Theo Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp, hiện nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng.
Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này còn các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng. Trong khi đó, các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời - ông Hiệp nêu vấn đề.
Một trong những mặt hàng vật liệu xây dựng cũng đang tăng nóng là cát, sỏi. Mặt hàng này tăng giá mạnh ở nhiều địa phương, nhất là những nơi có nhiều sông ngòi, địa điểm khai thác cát ở Đồng bằng sông Cửu Long… Cát xây dựng ngày càng khan hiếm trong khi việc khai thác gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp muốn mua đều phải đặt hàng trước.
Trước tình trạng khan hiếm cát xây dựng, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần thực hiện những giải pháp thay thế cát tự nhiên. Bởi cát tự nhiên là vật liệu cần thiết trong xây dựng, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới nhưng lượng cát tự nhiên là có hạn.
Việc khai thác trái phép đã gây ra nhiều vấn đề cho môi trường và đời sống của người dân. Để khắc phục tình trạng này, việc sử dụng các vật liệu thay thế cát tự nhiên sẽ là giải pháp đem lại nhiều lợi ích.
Một trong những đề xuất được nghiên cứu là dùng xỉ đồng thay thế một phần của cát tự nhiên dưới dạng cốt liệu mịn trong bê tông làm vỉa hè mà không làm giảm độ kết dính, cường độ nén và uốn của bê tông.
Cùng đó, xỉ lò cao của các nhà máy xi măng cũng được sử dụng làm vật liệu thay thế cho cát tự nhiên trong xây dựng. Khi thay thế cát bằng xỉ lò cao, cường độ nén của xi măng tăng.
Thêm một vật liệu khác cũng có thể thay thế cát tự nhiên trong xây dựng là tro bay. Các tính chất cơ học của bê tông đặc biệt sử dụng 30% tro bay thay thế cho cát tự nhiên cho thấy mô hình phát triển cường độ thuận lợi, tăng theo thời gian.
Bụi đá từ các máy nghiền đá kết hợp với tro bay có thể thay thế 100% cát tự nhiên trong xây dựng. Việc sử dụng tro bay trong sản xuất bê tông đem lại những lợi ích như giảm tiêu thụ xi măng, tăng khả năng kháng sulfat, giảm phản ứng kiềm silica và giảm tính thấm.
Ngoài ra, cát tái chế và cốt liệu từ phế thải xây dựng có cường độ thấp hơn từ 10 - 15% so với bê tông thường có thể được sử dụng thay cát tự nhiên cho các ứng dụng phi kết cấu như sàn nhà và vật liệu trám.
Thời gian tới, giá vật liệu xây dựng được dự báo vẫn chưa thể “hạ nhiệt”; trong khi đó, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên cả các nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng lẫn các chủ thầu, nhà đầu tư vẫn phải chủ động tìm giải pháp khắc phục./.