Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực, nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Ở Việt Nam, quan điểm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để trở thành động lực, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội đất nước đã được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng và pháp luật, chính sách Nhà nước.
Với vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, việc tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nhằm tôn vinh, ghi nhận thành tựu khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất cần thiết.
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 79 ngày 27/4/2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết A/Res/71/284 về Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới (World Creativity and Innovation Day). Theo đó, ngày 21/4 hàng năm được chọn là Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới với mục đích nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội, phát triển bền vững.
Từ năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới của Liên hợp quốc và nhận được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng nhiệt tình, hiệu quả của nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức trong cả nước.
Lễ hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2023 được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức với mong muốn chia sẻ, nâng cao nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo toàn dân, là con đường để nhanh chóng tận dụng sức mạnh của khoa học, công nghệ, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển và đưa Việt Nam tới thịnh vượng.
Theo bảng xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam hiện được đánh giá có năng lực đổi mới sáng tạo xếp vào hạng cao nhất trong số những quốc gia đang phát triển; xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế; giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7), Malaysia (thứ 36) và Thái Lan (thứ 43).
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 54 trên thế giới, thứ 12 khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022 (theo đánh giá của Startup Blink).
“Những xếp hạng trên thể hiện tiềm năng, sức bật của Việt Nam trong bối cảnh quốc gia còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi các yếu tố kinh tế vĩ mô, địa chính trị đang diễn biến phức tạp trên thế giới”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.
Theo Thứ trưởng, đổi mới sáng tạo không phải là việc của riêng cá nhân, tổ chức nào, mà phải là tư duy, triết lý được thấm nhuần, thực thi trong từng hành động, từng nhiệm vụ. Khai thác, vận dụng và ứng dụng sức mạnh của trí tuệ, của mô hình kinh doanh, của khoa học và công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng, giải quyết các thách thức, vấn đề của bản thân, của cộng đồng và của xã hội, cần trở thành kim chỉ nam cho hành động của cả quốc gia, dân tộc. Đó cũng chính là phát huy vai trò đại đoàn kết toàn dân, thực hành tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Việc chung tay cùng xây dựng và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo theo hướng đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ; hình thành, phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống các trung tâm, mạng lưới đổi mới sáng tạo liên kết toàn cầu là những nhiệm vụ khó khăn, thách thức nhưng phải được thực hiện.
Để tiếp tục có những đổi mới sáng tạo thành công, PGS.TS. Vũ Văn Tích, Ban Khoa học công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), kiến nghị Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đầu tư hơn nữa, hình thành cho được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của 4 thành phần: Chính phủ - Doanh nghiệp - Trường đại học - Viện nghiên cứu, làm động lực cho phát triển kinh tế xã hội, trong đó, coi trọng các đại học lớn để đầu tư.
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cho biết: Đổi mới và sáng tạo là trung tâm của phát triển bền vững. Khi thế giới của ngày càng phát triển và biến động, các giải pháp đổi mới và sáng tạo càng trở nên cần thiết hơn. Ông Christian Manhart chia sẻ: “Đổi mới và sáng tạo không tự nhiên mà có. Chúng ta cần một môi trường thuận lợi để thúc đẩy nó. Chìa khóa ở đây chính là một nền giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người”.
Ông Christian Manhart nêu rõ, các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) là những vườn ươm đặc biệt quan trọng cho sự đổi mới trong tương lai. Trên thực tế, đến năm 2050, dự đoán 75% công việc trên toàn cầu có liên quan đến STEM. Ngày nay, tỷ lệ nữ sinh viên tốt nghiệp đại học trong lĩnh vực STEM ở Việt Nam là 36,5%. Việc khuyến khích và hỗ trợ các trẻ em gái theo đuổi các lĩnh vực STEM sẽ rất cần thiết, không chỉ từ góc độ bình đẳng giới mà còn là động lực để thúc đẩy sự đổi mới trong tương lai.
“Một môi trường thuận lợi cho đổi mới và sáng tạo cũng bao gồm việc trao quyền cho thanh niên. Cần thiết lập các nền tảng để thanh niên được nói lên tiếng nói của mình và hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến của mình. Từ đó, họ có thể đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Chúng ta cần đảm bảo cơ hội bình đẳng để tất cả mọi người có thể tham gia đóng góp, cần giải phóng tiềm năng to lớn của Việt Nam để có thể trở thành một trung tâm sáng tạo và đổi mới”, Ông Christian Manhart cho hay.