Hệ luỵ thổi giá, sốt ảo nhìn từ “hố chôn vốn” của Tập đoàn Nam Cường
Mới đây Reatimes đã đăng tải bài viết về cơn sốt biệt thự phía Tây Hà Nội, khởi điểm từ dự án Solasta Mansion Nam Cường lan sang các dự án khác. Liệu có phải đang có một đợt "sóng lớn" với nhu cầu đột biến dành cho phân khúc cao cấp này? Sau khi khảo sát, Reatimes ghi nhận tại Khu Đô thị Dương Nội của Nam Cường còn rất nhiều biệt thự được hình thành trong hơn 10 năm qua vẫn đang trong tình trạng cửa đóng - then cài.
Có những khu biệt thự nằm ở vị trí đắc địa trung tâm của khu đô thị Dương Nội như An Vượng Villas được bàn giao từ năm 2018, ngay cạnh công viên thiên văn học và hồ điều hòa rộng 12ha đồng thời chỉ cách đại siêu thị Aeon Mall Hà Đông 500m nhưng điều khó hiểu là cả dãy vẫn im lìm vắng bóng người ở, trên tường la liệt số điện thoại rao bán hoặc cho thuê.
Liên hệ theo một số điện thoại của chủ biệt thự, anh Nguyễn Mạnh Vinh, chủ căn biệt thự tại khu An Vượng Villas Nam Cường,cho biết, theo giá thị trường hiện tại, căn biệt thự của anh có diện tích 180m2, giá bán là 35 tỷ đồng.
Chia sẻ về lý do căn biệt thự này hiện nay vẫn đóng cửa, nhưng giá trị căn biệt thự không hề giảm, anh Vinh cho biết, từ lúc mua thô đến khi hoàn thiện biệt thự, chi phí của căn biệt thự vào gần 1,8 tỷ đồng. "Năm 2018 cũng là giai đoạn vàng của thị trường bất động sản, biệt thự dù có giá trị cao nhưng kỳ vọng giá bán lại hoặc cho thuê cũng rất cao nên tôi đã dùng đòn bẩy tài chính tới hơn 60% để đầu tư căn biệt thự này, mục đích sau đó sẽ "lướt" nhanh để bán lại cho người có nhu cầu mua để ở. Tuy nhiên, cứ chờ đợi giá cao hơn mà cuối cùng không ngờ thị trường đi xuống nên biệt thự đã hoàn thiện nhưng đến nay vẫn chưa bán được", anh Vinh chia sẻ.
Anh Vinh cũng cho rằng, khi đã bỏ ra số vốn lớn, nếu bán thì giá không thể quá thấp. Còn chưa kể, hiện nay giá trị đồng tiền đã mất giá so với năm 2018 thì việc tăng giá của biệt thự là hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên khi được hỏi, nếu mức giá quá cao, không thể bán được anh sẽ chấp nhận để biệt thự bỏ hoang? Anh Vinh thừa nhận, việc mua biệt thự tại khu An Vượng Villas đã khiến dòng tiền của anh bị chôn trong nhiều năm trời, chưa kể lãi của ngân hàng vẫn phải trả, nhưng cũng không thể bán giá rẻ hoặc cho thuê.
"Giá cho thuê căn biệt thự này ước tính cũng chỉ được 30 - 35 triệu đồng/tháng. Như vậy, tôi phải mất 5 - 7 năm mới thu hồi được khoản vốn chi ra để hoàn thiện, chưa kể còn hàng loạt chi phí phát sinh về quản lý, lãi vay và hư hỏng công trình. Nhưng đó là trong điều kiện, cả dãy biệt thự này đều được cho thuê hoặc có người ở. Còn tình trạng hiện giờ, cả dãy vẫn đang đóng cửa chỉ riêng biệt thự của tôi giảm giá thuê cũng không ai đến thuê", anh Vinh ngậm ngùi nói.
Ông Trần Minh Thủy, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Hà Đông cũng là người có kinh nghiệm đầu tư bất động sản lâu năm chia sẻ: "Ở thời điểm biệt thự, liền kề "sốt nóng" có nhà đầu tư họ sẵn sàng vay ngân hàng tới 70% giá trị để mua biệt thự nhằm mục đích đầu cơ mà không có nhu cầu ở, kinh doanh, cho thuê. Nhưng sau cơn sốt, rất nhiều người rơi vào tình trạng thê thảm, hàng không bán được, nợ vẫn phải trả".
Ông Thuỷ cho biết, khi thị trường trầm lắng, làn sóng nhà đầu cơ F0 rút lui, để lại là những nhà đầu cơ thứ cấp F1, F2, F3… dù bán tháo cũng khó. Hiện tại, sàn giao dịch của ông Thuỷ đang được gửi bán hàng loạt biệt thự, liền kề tại các khu đô thị mới ở Hà Đông song việc tìm người mua thực rất khó. Bởi biệt thự giá trị luôn ở mức cao, dù có cắt lỗ cả tỷ đồng thì trong giai đoạn khó khăn này người mua ở thực cũng không hướng đến sản phẩm biệt thự. Với người thuê thì càng không, bởi sau dịch Covid rất nhiều cửa hàng phải đóng cửa, việc phục hồi vẫn chưa thực sự tốt nên nhu cầu bỏ ra 20 - 30 triệu đồng/tháng thuê mặt bằng ở biệt thự để kinh doanh, buôn bán hay làm văn phòng ở những vị trí này là rất khó.
Hơn nữa, chưa kể đến hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật như trường học, bệnh viện… vẫn chưa đảm bảo đồng bộ hoàn toàn. Ông Thuỷ hy vọng thời gian tới thị trường sẽ có thay đổi tạo ra sự khởi sắc nhưng việc tăng giá biệt thự theo nhu cầu thực là "bất khả thi", giá chỉ tăng ở phía người bán, tình trạng "ế" chắc sẽ còn đeo bám khá lâu.
Nằm ở vị trí đắc địa trung tâm của khu đô thị Dương Nội, nhiều biệt thự tại An Vượng Villas được bàn giao từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn ở tình trạng im lìm không người ở, không người thuê.
Không riêng ở khu đô thị của Nam Cường, Hà Nội hiện có hàng nghìn căn biệt thự bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất, mất mỹ quan đô thị. Theo giới phân tích, trong quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng và sự phát triển "nóng" của thị trường bất động sản, nhiều nơi mong muốn quy hoạch đô thị hiện đại, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu ở của người dân. Các doanh nghiệp tranh thủ thời cơ lập dự án, đầu tư.
Tuy nhiên, biệt thự, liền kề là sản phẩm có giá trị cao nên rất khó dự báo nhu cầu thị trường theo từng giai đoạn. Bởi vậy, những "thiên đường mơ ước", "miền đất đáng sống" với những nội thất cao cấp, với các thiết kế độc đáo ấy cần thiết và phù hợp cho một giới giàu sang nhất định. Giá bán biệt thự liền kề thường ở mức "trên trời", bởi nó bao gồm giá bán khởi điểm lúc đầu (giá trị cao hơn các phân khúc khác) cộng với phần giá do trong cơn sốt dân đầu cơ "thổi" lên.
Bởi vậy, phân khúc này chỉ dành cho một tệp khách hàng cao cấp hoặc những nhà đầu tư thứ cấp, không hướng đến đa số người có thu nhập bình dân và nhu cầu ở thực. Điều này lý giải cho nghịch lý, vì sao có những dự án nằm ở vị trí đắc địa, gần các nơi được coi là "đòn bẩy" hạ tầng nhưng vẫn bỏ hoang, không người ở, không người thuê.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho hay, nhìn từ những biệt thự, liền kề bỏ hoang có thể thấy, bên cạnh những chủ nhân mua nhưng không có nhu cầu sử dụng thì có không ít chủ nhân là những người mua để đầu cơ, đón lõng thị trường, khi chưa đạt đến giá mong muốn, họ chấp nhận để không và tiếp tục… chờ thời. Thậm chí có những căn được mua bán nhiều lần, đến tay chủ nhân thứ 3 thì bị chôn vốn, ở không được, bán không xong.
Một lý do nữa là chính sự dự báo của các chủ đầu tư xây dựng phân khúc này chưa sát với thực tế. Chủ đầu tư khi xây dựng lên những sản phẩm này cũng là để đón lõng thị trường trong tương lai mà quên mất nhu cầu thực của thị trường là nhà ở vừa túi tiền.
"Điều đó thể hiện việc dự báo về cộng đồng dân cư của chủ đầu tư với số lượng hàng hoá đưa ra thị trường đang không khớp nhau, cung nhiều hơn cầu", ông Cường lý giải".
Ông Cường cho rằng, người dân đang thiếu những sản phẩm như nhà ở xã hội, chung cư thương mại bình dân, đất nền có diện tích nhỏ… có giá tiền khoảng 2 - 3 tỷ đồng, vừa vặn với túi tiền của người dân. Còn những sản phẩm biệt thự, liền kề giá trị cao luôn dành cho khánh hàng có thu nhập cao, những người ở bộ phận đẳng cấp, có thu nhập cao. Đương nhiên, những khách hàng này thì đều đã có nhà ở, nhu cầu biệt thự của họ chỉ là khi muốn đổi chỗ ở hoặc là tài sản thứ hai, thứ ba, hoặc mua để đầu cơ.
Ông Cường dự báo, trong tương lai có thể các biệt thự, liền kề hoàn thiện có thể sẽ có người mua để phục vụ nhu cầu ở, hoặc khi đó là tài sản nhà ở của thế hệ con cái của những gia đình giàu có. Từ đó, các khi biệt thự sẽ đông đúc hơn. Nhưng từ nay đến lúc đó sẽ vẫn còn một thời gian rất dài, xu hướng nhà ở của giới trẻ có thể thay đổi, xu hướng phát triển đô thị cũng sẽ khác về quy mô, kiến trúc, các tiện ích dành cho cuộc sống, như trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí, mua sắm... Do đó các chủ đầu tư nên cân nhắc giữa cung cầu thị trường để phát triển sản phẩm ra thị trường sao cho hợp lý.
"Bao giờ hết cảnh biệt thự bỏ hoang"?
Các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng khó tìm được lời giải cho câu hỏi này nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và nhà quản lý trong điều tiết lại tiết thị trường bất động sản khi thị trường đang rơi vào tình trạng mất cân đối cung cầu nghiêm trọng.
Chính vì sự thiếu điều tiết nên thị trường phát triển quá nóng, mật độ biệt thự, nhà cao cấp quá nhiều trong khi số lượng người thực sự cần không nhiều. Mặt khác, giá trị tài sản lại lớn, dòng tiền của xã hội đổ nhiều vào đây. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở vừa túi tiền, nhà cho công nhân, người có thu nhập thấp đang rất cao thì lại khan hiếm.
Hệ quả là đằng sau những biệt thự bỏ hoang không đơn thuần chỉ là bộ mặt nhếch nhác của đô thị hay môi trường tiềm ẩn tệ nạn xã hội, điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn... mà là rất nhiều hệ lụy cho xã hội, để lại cho cả thế hệ sau.
Hệ lụy đầu tiên mà ai cũng có thể nhìn thấy là rất nhiều người "khuynh gia, bại sản", nợ vay ngân hàng do chạy theo các cơn sốt biệt thự.
Nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn khi nó tạo thành gánh nặng lên xã hội. Đó là một lượng tiền lớn được bỏ ra đầu tư vào các biệt thự liền kề nhưng dòng tiền bị chôn không luân chuyển được, không làm tăng thêm giá trị. Thậm chí, không ít vốn đầu tư trong đó là tiền vay từ các ngân hàng. Theo đó, tình trạng nợ xấu, nợ khó đòi càng trở nên trầm trọng.
Trên thực tế, từng có rất nhiều lần Hà Nội đề xuất về ý tưởng đánh thuế biệt thự bỏ hoang để nhằm hạn chế hiện tượng đầu cơ và lãng phí nguồn lực. Nhưng loay hoay hàng chục năm số biệt thử bỏ hoang vẫn không ngưng tăng nhưng lại chưa có một giải pháp cụ thể và triệt để cho vấn đề này.
TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cho hay, mối tương đồng giữa sản phẩm đầu ra (các loại hình nhà ở, khu đô thị) và nhu cầu của xã hội chưa đồng nhất. Ngày trước, không ít chủ đầu tư làm phân khúc này chủ yếu tập trung vào sản phẩm nhà ở, không chú trọng đến việc hạ tầng, tiện ích sống…
Do đó, nhiều biệt thự đến nay vẫn bỏ hoang là sự lãng phí về sử dụng đất, công trình và mất mỹ quan đô thị, trong đó lãng phí nhất là đất bị bỏ hoang khi đây là nguồn lực rất quan trọng của mỗi quốc gia.
Trong trí nhớ của TS. Đào Ngọc Nghiêm, từ năm 1997, nhiều dự án khu đô thị mọc lên nhan nhản tại các quận huyện ngoại thành Hà Nội. Các chủ đầu tư chủ yếu lấy đất xây nhà liền kề, biệt thự để kinh doanh bất động sản. Và có những giai đoạn thị trường ảm đạm, không còn nóng sốt thì chính doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng phải chôn vốn ở những dự án này.
Ở một số quốc gia, quy định mỗi một gia đình chỉ được đăng ký một chỗ ở, còn những nơi khác muốn có nhà phải chịu sự quản lý của Chính phủ. Nhưng ở Việt Nam thì không quy định, do đó ai muốn mua bao nhiêu bất động sản nhà ở cũng được. Vì vậy, nếu không khắc phục những lỗ hổng về cơ chế quản lý, quy hoạch thì không chỉ Hà Nội mà nhiều đô thị, tỉnh thành khác cũng sẽ xuất hiện thêm nhiều khu đô thị, biệt thự, nhà ở bỏ hoang.
Câu hỏi có xử lý triệt để được tình trạng bỏ hoang hay không? Theo chuyên gia này: "Đây là câu hỏi khó. Bởi, trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay, không cấm việc sở hữu nhiều nhà. Cũng không hạn chế việc kinh doanh các bất động sản biệt thự, liền kề,... Do đó, tình trạng biệt thự tiền tỷ bỏ hoang đã xuất hiện từ hơn 15 năm trước, vẫn đang tồn tại và có thể đến vài chục năm sau vòng xoáy này vẫn còn tiếp tục. Nhà nước, doanh nghiệp phải nhìn nhận lại sự phát triển của các đô thị gắn với thị trường bất động sản. Các đô thị được phê duyệt, các sản phẩm được mở bán ra thị trường phải hài hoà giữa cung và cầu. Nếu Chính phủ, Bộ ngành, thành phố không có phương án triệt để cho câu chuyện này, hệ quả mà con cháu chúng ta sau phải gánh là rất lớn".
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho hay, các khu biệt thự bỏ hoang đã và đang phản ánh thực trạng giữa sản phẩm đầu ra (các loại hình nhà ở, khu đô thị) và nhu cầu của xã hội chưa đồng nhất. Đây là một sự lãng phí ghê gớm nguồn lực đất đai và tài nguyên khoáng sản của đất nước.
Trước sự lãng phí về tài nguyên đất tác động tiêu cực đến bộ mặt đô thị, câu hỏi đặt ra là: Liệu có xử lý triệt để được tình trạng bỏ hoang hay không? Nhiều năm trước, đề xuất áp dụng đánh thuế đối với việc sở hữu nhiều bất động sản để tránh tình trạng lãng phí nhưng đến nay vẫn chưa làm được.
Nhìn ra thế giới, thuế là một công cụ giúp điều tiết thị trường rất hiệu quả mà nhiều quốc gia đã sử dụng từ lâu. Tuy nhiên, việc thực thi ở Việt Nam vẫn chưa thể chưa áp dụng do còn gặp nhiều rào cản. Bởi nếu đánh thuế thì cần tiêu chí nào để gọi là biệt thự bỏ hoang? Chủ của những căn biệt thự có thể lách luật bằng cách thuê một người khác, thậm chí đăng ký tạm trú cho họ ở đấy để căn biệt thự này không bỏ hoang?
Giải pháp căn cơ hơn, theo chuyên gia, trong tương lai cần có sự thực hiện quy hoạch đồng bộ, đẩy nhanh các dự án hạ tầng, đầu tư công. Song song với đó là chuẩn bị kỹ lưỡng ngân sách mới phê duyệt dự án đầu tư, tránh tình trạng giới đầu cơ "ăn theo" dự án hạ tầng đó mà cả chục năm sau dự án vẫn chưa xong, dẫn đến các bất động sản "ăn theo" cũng bất động.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần thận trọng trong khâu cấp phép các dự án mới nhằm điều tiết thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Cơ quan quản lý phải phải đốc thúc các chủ đầu tư, kiểm tra giám sát nghiêm quá trình thực hiện dự án từ đó có phương án xử lý kịp thời.
Các địa phương cũng cần có sự cân nhắc để tránh tình trạng giao đất, dự án ồ ạt cho một doanh nghiệp. Việc kiểm tra, đánh giá năng lực của chủ đầu tư cũng phải được thực hiện nghiêm túc, công khai.
"Nếu chủ đầu tư nhận dự án mà không thực hiện do năng lực tài chính yếu kém hoặc do dàn trải, nhận quá nhiều dự án dẫn đến thiếu vốn thì rõ ràng phải xem xét", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Chuyên gia cho biết thêm, vấn đề nóng tồn tại như cái "ung nhọt" của xã hội thời gian qua chính là nguồn cung bất động sản vô cùng khó khăn khi nhiều doanh nghiệp cứ "bánh vẽ" dự án nhưng thực thi không được hoặc dự án "ma" dự án "ảo". Kết quả cung cầu không gặp được nhau thì tất yếu thị trường đi xuống.
Do đó, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực như chung cư, nhà riêng cần được ưu tiên xuất hiện trong danh mục của nhà đầu tư vì có thể tạo ra dòng tiền thường xuyên và giữ mặt bằng giá ổn định. Với những sản phẩm có giá trị cao như biệt thự, liền kề chỉ nên đầu tư khi có dòng vốn lớn, tránh dùng đòn bẩy tài chính để lướt sóng nếu không sẽ dẫn đến rất nhiều những hệ luỵ khác.
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia gia kinh tế nhìn nhận, hiện nay, giá bất động sản đang tăng nhanh và gấp nhiều lần mức thu nhập trung bình của người dân, khoảng 25 - 30 lần. Trong đó, sản phẩm biệt thự cao cấp có giá trị lớn, trung bình thấp nhất cũng vào khoảng 10 tỷ đồng/căn. Giá trị căn biệt thự quá cao và khi sốt nóng lại bị đẩy cao hơn với giá trị thực rất nhiều sẽ dẫn đến loạt hệ quả của các vấn đề liên quan, như: Thuế, chính sách vốn, quy hoạch, định hướng phát triển sản phẩm và cả tâm lý của xã hội. Thực tế, chúng ta chưa thấy chủ đầu tư nào bị xử lý vi phạm. Cho nên họ cứ xây biệt thự, bán thu tiền trước còn hậu quả về hạ tầng người mua phải gánh chịu.
Khi biệt thự tăng giá nhưng thanh thoản không tăng tương ứng, thì khi đó, một số nhà đầu tư dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư sẽ mang trên vai gánh nặng, đồng thời gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Song nhìn ở một khía cạnh khác, biệt thự tiền tỷ cũng giống như các loại tài sản như du thuyền, máy bay đang được những người giàu ưa chộng. Nhiều người mua để làm tài sản cho con cháu sau này nên bỏ hoang đó chưa sử dụng. Do đó, để quản lý thì chỉ có cách là bổ sung một số loại thuế mới cho các dạng tài sản bất động sản mà hiện nay chúng ta đang quản lý còn khá lỏng lẻo như biệt thự hay đất bỏ hoang không sử dụng. Những đối tượng này, chúng ta nên có một mức thuế cao hơn theo mức lũy tiến.
"Rõ ràng, trước thực trạng biệt thự bỏ hoang tồn tại hàng chục năm qua gây lãng phí thì cần có "bàn tay" điều tiết của Nhà nước. Phải cân đối được cung cầu thực tế, ngăn chặn hữu hiệu các dòng vốn đầu cơ vào thị trường biệt thự, liền kề. Không thể để thị trường thừa quá nhiều sản phẩm biệt thự liền kề giá trị hàng chục tỷ đồng không ai mua, trong khi thiếu nhà ở vừa túi tiền cho đại đa số người dân. Đặc biệt khi thị trường có biến động, xuất hiện dấu hiệu đầu cơ, sốt "bong bóng" thì cần có các công cụ về thuế, về tín dụng, về quy hoạch sử dụng đất, về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị", TS. Nguyễn Minh Phong cho hay.
Vị chuyên gia bổ sung, với những biệt thự bỏ hoang đang tồn tại cần tìm rõ nguyên nhân vì sao bỏ hoang đến giờ, do chủ đầu tư dừng dự án, chậm tiến độ hay cá nhân nhà đầu tư đầu cơ để đó. Từ đó, Nhà nước, địa phương có các giải pháp như thu hồi, đánh thuế, kể cả là xử phạt.
Còn PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, ở khu vực phía Tây Hà Nội thời gian qua chứng kiến các dự án bất động sản mở bán có giá rất cao so với mặt bằng của các khu vực khác. Mức giá này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nền kinh tế vĩ mô như: GDP tăng trưởng, lãi suất ngân hàng giảm, giá vàng, tỷ gía hối đoái biến động... Bên cạnh đó, các thông tin về quy hoạch, sáp nhập một số đơn vị hành chính cũng là yếu tố khiến cho hoạt động đầu tư bất động sản tại khu vực này sôi động. Một số dự án biệt thự được mở bán mới, kéo theo đó là xuất hiện làn sóng đầu tư mới, cơn sốt giá biệt thự mới.
Nhưng thực tế tại phía Tây Hà Nội vẫn còn rất nhiều những biệt thự bỏ hoang đã tồn tại nhiều năm trước là hệ quả của những đợt sốt nóng theo quy hoạch. PGS. TS Doãn Hồng Nhung cho rằng, TP. Hà Nội quyết liệt hơn nữa trong việc rà soát, công bố danh tính của các biệt thự bỏ hoang. Từ đó, chỉ ra những dự án nào phải dừng, dự án nào sẽ tiếp tục thực hiện và tiếp tục thì sẽ theo những điều kiện nào.
"Tôi cho rằng, Nhà nước cần sớm có sắc thuế với bất động sản bỏ hoang. Các quy định về mức thuế cao hơn với người có nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng, bỏ đất hoang sẽ có những tác động nhất định đến tâm lý thị trường, đến thói quen sử dụng đất và hạn chế được các tình trạng đô thị bỏ hoang, biệt thự bỏ hoang. Việc đánh thuế lũy tiến cũng sẽ khiến nhà đầu tư phải cân nhắc về diện tích nhà ở, diện tích đưa vào sử dụng bởi gắn với các vấn đề về thuế, quyền lợi sát sườn của họ. Từ đó, các phân khúc gắn với nhu cầu thực như nhà ở vừa túi tiền, nhà ở giá rẻ và mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội mới có thể thành hiện thực. Đây cũng chính là điều mà Chính phủ, Quốc hội, các nhà thiết kế chính sách cần hướng tới", PGS. TS. Doãn Hồng Nhung cho hay.
Ngoài ra, trong bối cảnh giá biệt thự tăng quá cao so với mục tiêu bình ổn giá nhà, chuyên gia cho rằng rất cần có những chính sách của Chính phủ để giảm sự sốt nóng giá biệt thự, hạn chế dòng vốn tiếp tục đổ vào phân khúc này, hạn chế đầu cơ cho phân khúc này, việc duyệt mở bán các dự án biệt thự cần chặt chẽ hơn nếu thầy điều kiện hạ tầng cho đầy đủ.
"Chính phủ cần có những chính sách mang tính dự báo, dự đoán các tình huống có thể xảy ra đối với việc sử dụng nhà biệt thự liền kề, nhà ở chung cư để đảm bảo cân bằng cung cầu ở hiện tại cũng như tương lai của thị trường khi các luật mới có hiệu lực", PGS. TS Doãn Hồng Nhung cho biết thêm.