Gọi là “mùa” cho “oai” và chủ yếu nhấn mạnh về thời điểm hoa nở, chứ thú thực đến giờ, tôi cũng chỉ mới biết đến một cây hoa mõ ở Hà Nội. Có lẽ ở Hà Nội cũng chỉ có một cây này, nhưng nó lại trở nên nổi tiếng bởi hoa đẹp, lạ và cái cây độc nhất vô nhị này lại mọc bên Hồ Gươm, đã thế lại đúng vào vị trí được coi là đẹp nhất của Bờ Hồ. Đây là bờ hồ phía đường Đinh Tiên Hoàng, hơi chếch trước cửa trụ sở UBND thành phố.
Nơi đây, ngoài cây hoa mõ còn tập trung nhiều cây nổi tiếng của Hồ Gươm như cây lộc vừng 9 gốc ngả ra hồ, cây lộc vừng cổ thụ trên bờ thường đổ lá vàng rực vào mùa đông và cây bằng lăng “quốc dân” có cành thả xuống mặt hồ tạo dáng rất đẹp khi nảy lộc… Sở dĩ gọi là cây “quốc dân” là bởi vì cây có cành tạo dáng rất đẹp thả xuống mặt hồ nên thường thu hút các tay máy khắp cả nước và cả nước ngoài đến chụp ảnh, nhất là vào tháng ba khi nẩy lộc.
Theo tài liệu khoa học, cây hoa mõ còn có tên gọi khác là cây mủ trôm, tên khoa học là Sterculia foetida, thuộc họ Trôm. Cây phân bố rất nhiều ở các nước nhiệt đới như Ấn Độ, Úc, Pakistan, Panama, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Senegal, Sudan và Việt Nam. Cây hoa mõ là cây thân gỗ, cao, được trồng nhiều để lấy nhựa, có giá trị kinh tế. Nhựa cây hoa mõ có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, là vật liệu của ngành chế biến giải khát ở Việt Nam.
Theo các trang hoa cây cảnh, cây hoa mõ là loài cây có dáng cành lá xòe quạt mang màu vàng đỏ với một vẻ đẹp rất riêng khi vào mùa nở hoa. Thân cây và cành rất to, lá xanh hơi ngả vàng nhưng hoa thì bé xíu. Còn theo tôi, sở dĩ có tên gọi cây hoa mõ có lẽ là vì quả của cây có màu nâu đen to bằng nắm tay và có hình rất giống chiếc mõ. Khi chín, quả tách hai mảnh vỏ để lộ hạt bên trong màu nâu đen.
Mùa đông, lá cây chuyển màu vàng rực, sáng cả một góc hồ để sang xuân, những chồi non bắt đầu nhú lên chuẩn bị cho một mùa hoa lạ trên đất Hà thành.
Hoa mõ thường nở vào cuối tháng ba, đầu tháng tư, mỗi bông hoa có từ 4 đến 6 cánh, mặt trên màu đỏ tím, mặt dưới màu xanh nhạt. Nhụy trồi cao phủ trên mình bằng một lớp “áo nhung” mịn màng. Hoa mõ đẹp từ từng cánh hoa đến cả chùm hoa. Hoa mõ mọc ở đầu cành, gồm nhiều nhánh, xòe ra như những tia nắng sớm mai, vừa tinh tế vừa đầy sức sống. Chùm hoa kết hợp với tàu lá non xòe ra như nan quạt tạo cho hoa mõ có một vẻ đẹp rất riêng.
Cùng với cây lộc vừng chín gốc, lộc vừng cổ hay cây gạo cổ thụ, cây bằng lăng “quốc dân”…, cây hoa mõ bên hồ góp phần tạo một nét rất riêng cho Hồ Gươm nói riêng và Hà Nội nói chung, thường thu hút nhiều du khách đến ngắm và các thiếu nữ đến tạo dáng "check-in", nhất là vào mùa lá vàng và mùa hoa.