Aa

Họ không lên đây để thành những anh hùng

Thứ Năm, 12/04/2018 - 06:00

Chúng ta đến rồi đi. Có lúc nào chúng ta tự hỏi nếu chiều nay ta là người ở lại đây. Mai cũng thế. Cả đời ở đây. Với núi những chiều tối mưa rét. Đến khói cơm chiều cũng vắng.

Tôi không nói họ là những anh hùng, những người lúc nào cũng sôi sục nhiệt huyết và không coi gian khó là gì. 

Họ phần nhiều xuất thân từ các vùng nông thôn trung du, miền xuôi, một số từ các thị trấn miền cao. Họ cũng muốn có công việc ổn định, vào biên chế. Làm giáo viên vùng cao là một cách có được điều ấy.

Rất nhiều người trong số họ hy vọng sau 5 năm dạy học nơi hoang vu, được chuyển về miền dưới, về quê. Về nguyên tắc có (hay từng có) một quy định như thế: Ưu tiên nhận giáo viên đã làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa về các trường dưới xuôi. Nhưng nói chung điều này không thành hiện thực. Có lần, một cựu giám đốc Sở Giáo dục tỉnh vùng cao cười buồn nói với tôi: Cứ đầu năm học là nhận được thông báo từ các tỉnh miền xuôi năm nay không có biên chế nhận giáo viên từ vùng cao thuyên chuyển về.

Lên với các em nhỏ vùng cao

Lên với các em nhỏ vùng cao

Hy vọng thuyên chuyển là rất nhỏ, hầu như bằng 0. Nhưng làm sao có thể lại tay trắng về quê, không nghề nghiệp, không biên chế. Thôi thì chịu vậy, để ít ra hàng năm về quê như người đi công tác xa thăm nhà. Đừng nói những lời to tát về chí hướng. Là những ngả đường đời. Thân phận. Nhìn ở chiều nào cũng có nỗi buồn và ước vọng. Cái đương nhiên với người này, xa vời với người khác. Ai muốn cả thời thanh xuân trôi qua ở nơi xa thế này đâu. Niềm vui gạn ra để có. Mà cũng hiếm hoi lắm. Chúng ta đến rồi đi. Có lúc nào chúng ta tự hỏi nếu chiều nay ta là người ở lại đây. Mai cũng thế. Cả đời ở đây. Với núi những chiều tối mưa rét. Đến khói cơm chiều cũng vắng.

Họ không lên đây để thành những anh hùng. Nhưng họ đã ở lại, và trở thành một phần không thể thiếu của dòng đời vùng cao những thập kỷ đầy khó khăn chật vật này. Sau này vùng cao sẽ khác, đừng quên họ đã biến những tháng năm thanh xuân của đời mình thành đòn bẩy mạnh mẽ cho những đổi thay nhân bản nhất.

Họ không dễ dàng làm quen với sự xa vắng. Tôi đã đọc những dòng người giáo viên trẻ viết lên tường vách phòng ở điểm trường nơi xa. Họ viết vì không nghĩ có ai lạ lên đó đọc. Những câu thơ lúc có vần, lúc không. Cô quạnh lắm mới viết lên tường như thế. Viết vào trang giấy trong sổ gấp lại, cô đơn sẽ sâu thêm. Viết lên mảng tường đầu giường sẽ giống như có người bạn nhìn mình, nguôi ngoai đi chút ít.

Rồi họ quen dần với cây, với hoa núi. Với suối và với sương mù. Có sự cam chịu mà cũng có những ấm áp của người và cảnh. Nhất là trẻ con. Chúng ngoan và hiền không phải vì được dạy thế, mà vì núi rừng sinh chúng ra như thế. Họ gắn bó dần với chúng. Họ tìm được niềm vui trong những bếp lửa nấu cơm chung khi gặp đồng nghiệp. Vượt đường rừng về trường chính chơi bóng chuyền. Uống rượu nhà sàn. Đi xe máy hàng trăm cây số về thị trấn họp hành. Các cô giáo trẻ thì khó khăn hơn. Phần nhiều muộn chồng. Nhưng là con gái, sức chịu đựng dường cũng nhiều hơn...

Trường nghèo nơi bản xa

Họ nhớ lắm miền xuôi. Giờ đây đường xá dễ hơn, về thăm quê không khó. Nhưng về rồi vẫn phải lên. Chỉ sau một ngày xa đã thấy thiếu vắng bao nhiêu khi lại giữa núi rừng. Bởi thế mỗi lần thấy có ai dưới xuôi lên, họ hồ hởi như thể gặp người thân thiết lâu ngày.

Nhưng ở đâu có bếp lửa hồng, ở đó có sự sống, có sự vun vén các hạt vui thành hạnh phúc. Đó là điều tôi nghĩ, khi nhìn xuống khu tập thể giáo viên trên đỉnh núi cao vòi vọi, lúc thày cô trẻ nhóm lửa nấu cơm trưa. Là điều tôi cảm thấy, khi nhìn những căn phòng tường gỗ dán giấy của đôi vợ chồng giáo viên vùng cao bi bô tiếng trẻ con.

Họ không lên đây để thành những anh hùng. Nhưng họ đã ở lại, và trở thành một phần không thể thiếu của dòng đời vùng cao những thập kỷ đầy khó khăn chật vật này. Sau này vùng cao sẽ khác, đừng quên họ đã biến những tháng năm thanh xuân của đời mình thành đòn bẩy mạnh mẽ cho những đổi thay nhân bản nhất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top