Một ngày tôi ngược phố Trích Sài, nơi xưa kia vốn là một làng hái củi, rẽ sang phố Võng Thị, tới làng có chợ bán lưới sầm uất xưa kia, ven hồ Tây, rồi đi chạm tới mạn phía sau trường Chu Văn An, chợt thấy thấp thoáng chòi lá cao cao, nơi mà những năm cuối thế kỷ XX, một nhà văn gốc Huế có tên Phùng Quán cùng vợ ông là cô giáo Bội Trâm, đã từng sinh sống ở đó.
Cô giáo Bội Trâm - một người phụ nữ gốc Hà Nội, nền nếp gia phong, đã dám yêu, dám hứng chịu biết bao sóng gió, vì sự nghiệp sáng tạo văn chương của chồng. Còn Phùng Quán, ông nổi tiếng bên hồ Tây với cái danh cũng cồn lên như văn chương, đó là Quán rượu “chịu”, cá “trộm”, còn thơ “chui” thì chỉ bạn bè đồng nghiệp hay biết.
Vào quãng những năm 1990 của thế kỷ trước, tôi được Tạp chí Du lịch nhờ đưa tận tay ông nhuận bút bài thơ còm. Hồi đó, nhà văn Triệu Bôn chọn in thơ số mùa xuân để anh Quán có vài lít rượu uống. Tôi đã lên chòi lá bên mép hồ Tây, nơi ông đã sống và sáng tác. Khi lên, thấy ông đang ngồi rửa bát và cho con cá mè hoa mấy cái bèo tấm. Phùng Quán bảo: “Bạn bè vừa về, anh vừa có cái lộc “ất ơ”, tự dưng được in 2 bài thơ trong Sài Gòn, tiền kha khá nên đủ trả tiền rượu. Tôi nói: “Em mang nhuận bút cho anh, chỉ bằng ba cân ngỗng quay Hàng Buồm thôi”. Anh Quán nói: “Ngỗng quay là ngỗng quay thế nào, nhuận bút là phải quy ra rượu”.
Nghĩa là, cứ có lộc văn chương Phùng Quán đều quy ra rượu. Còn cá dưới hồ Tây thì khỏi phải nói, anh Quán ngửi nước hồ biết được hôm nào trở trời cá nổi anh đi xiên, đi câu, và đi vớt cá mè hoa. Cá mè hoa không thể câu được, thì anh xiên, còn cá chép, rô phi, trắm cỏ anh dùng vợt, hoặc câu.
Dĩ nhiên, cái mũi cực thính của anh khi đánh hơi nước hồ, biết mình nên cầm cần câu hay nên cầm cái xiên. Dù vậy, hồ Tây vẫn đủ cá cho anh luộc, đủ cá cho anh nấu riêu, chứ rán thì hiếm, hôm nào có chút mỡ mới được rán cá nhắm rượu.
“Số anh sát cá em ạ”. Cái giọng Huế rất ngọt của anh nghe xiêu lòng. Hèn nào chị Bội Trâm đã dám hy sinh không bến bờ, đánh đổi tất cả cuộc đời mình dành cho anh. Ừ, bà ấy “đổ” vì anh có một bài thơ duy nhất tặng Bội Trâm đấy. Còn một câu chuyện cũ sau này, khi gặp anh, anh thành thật thú nhận sau chén rượu: “Một thời anh cũng mắc cái bệnh “si mê”, bệnh này hơi khó chữa, anh mê nàng nhà văn ở quê anh, và đã viết cả một tập Trăng hoàng cung. Sau khi ra sách, chứng kiến cách ứng xử của vợ anh, anh phục lắm". Anh Quán đứng lên tìm cái vợt hớt bèo, tiếp: “Cũng tại cái số cả, anh vốn sát cá, sát cá thì khổ”.
Chỉ có mới đây thôi, có chuyện anh mua rượu chịu đang gặp vấn đề: “Vấn đề gì anh?”. Số là cô bán rượu, ở quán trà chén chếch bên phố kia hay cho anh nợ tiền rượu, cái quán lại ôm lấy gốc cây xà cừ trên ngõ phố Thụy Khuê. Chẳng hiểu sao cô ấy ghi tiền nợ rượu của anh lên vỏ cây xà cừ. Cô ta ký hiệu thế này: 1 xị là nửa lít, ký hiệu là dấu trừ; 2 xị là 1 lít ký hiệu là dấu cộng. Chắc là số nợ dấu trừ dấu cộng trên cây khá nhiều. Anh không rõ sổ nợ ghi trên cây là bao nhiêu tiền. Chuyện là chiều hôm trước đó, nhà anh Quán có một người bạn lính đến chơi. Nghe nói cậu ấy ở Sư đoàn 308, đến chơi ngồi nghe lỏm được câu chuyện nợ rượu của anh. Thế nào mà mới sáng tinh mơ hôm sau, cả nhà chưa ngủ dậy, vì anh viết muộn, dậy muộn, đã thấy cô chủ quán rượu vào chòi của anh, khóc bù lu bù loa rằng, không rõ thằng “bỏ mẹ” nào đã bóc hết vỏ cây, xóa hết dấu tích ghi nợ rượu của anh.
“Ông Quán ơi là ông Quán ơi, ông tính sao đây? Ông tính sao?”. Anh mới hiểu ra là bà ta sợ mình quỵt tiền rượu, anh trấn an ngay: “Cô yên tâm đi, tôi có tiền sẽ trả hết, cô lấy bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu”.
May sao cũng sáng hôm ấy có nhuận bút văn chương in ở Sài Gòn, đủ trả và chắc có dư nên chủ quán rượu hể hả, vẫn bán rượu chịu cho anh sau này. Cô ta khôn lắm, còn xin Bội Trâm cuốn sổ nhỏ ghi: “Tiền Quán chịu rượu”. Lại còn chua một câu, cái nhà ông Quán này người đâu mà lắm bạn, đến quán nước trà chén cũng biết chuyện cá trộm với rượu chịu, chẳng nhẽ chỉ ngẩng mặt nhìn hồ thôi sao?
Anh Quán cười, vâng đúng thế, tôi còn biết làm gì ngoài nhìn hồ, ngửi hơi nước để sống đây. Cô ta hẳn không biết còn một ông Quán khác, đặc biệt biết viết văn và làm thơ nữa. Nhưng rồi sông cũng có khúc, người cũng có lúc. Mấy năm sau, khi hay tin ông Quán mất, cô ta mang cả can rượu đến khóc ông, mới kể lể không ngờ ông tài giỏi thế và ông thương người đến thế.
Một Phùng Quán nghèo nhưng hễ có tiền nhuận bút lại dành mua rượu cho bạn uống. Hồi đó ông hay cưu mang nhà thơ Tạ Vũ, ông nói: “Em nó còn“rách” hơn mình", có khi còn dành dụm vào đồng nhuận bút để cho Tạ Vũ đi xích lô về nhà, nhỡ say dọc đường ngã cũng tội lắm.
Phùng Quán đọc thơ Tạ Vũ: “Trong cuộc đua này tôi là kẻ chiến bại”. Không rõ thơ có bùa ngải gì, ma lực gì mà đẩy chữ nghĩa nhà thơ đến cùng cực như vậy. Phùng Quán thương bạn văn, thấu cảm rượu và chữ.
Nhớ lại một chiều thanh minh nào đó, tôi gặp chị Điều ở chợ Mơ, đang mua lá hương nhu và bồ kết. Chị Điều nói: “Rượu đã uống mất Tạ Vũ, ông ấy đi xin tiền bạn mua rượu, có đêm ba mươi tết còn mời hẳn lão ăn mày về “xông nhà” rồi còn đọc thơ Tạ Vũ cho nghe. Tảng sáng, còn xách cả đôi bánh chưng cho người khất thực dỗ dành: “Để cậu ăn tết no bụng”.
Khi đó trong nhà vợ con chẳng có đôi bánh chưng mà ăn. Nước mắt chị Điều lúc đó như đang chực ứa ra. Anh Quán biết chuyện, anh xót thương vợ chồng Tạ Vũ. Cả hai con người này đều không có gì bảo trợ, ngoài mấy câu thơ… Trong khi, có những người bạn thật sung túc quay lưng với Tạ Vũ thì Phùng Quán luôn chìa tay đón bạn lúc tâm hồn bạn đang rách nát.
Có lần, một nhà văn quân đội đến khoe với Phùng Quán, vợ anh vừa mới sinh cậu con trai, ông mừng rỡ, lục lọi trong nhà không thấy có gì, thấy có mỗi cái áo sơ mi mới toanh, bạn gửi cho từ bên Pháp, ông liền đem tặng ngay nhà văn quân đội, bảo: “Anh không có gì cho con em, thì anh cho bố nó chiếc áo mới!”. Phùng Quán hay nghĩ cho bạn, vì bạn, đại loại thế.
Đó là chưa kể đến chuyện ông si mê, si mê thì có tội tình gì. Lần ông về thăm quê, đơn phương yêu quý nhà văn Hà Khánh Linh. Từ Huế rồi ra Hà Nội chúi đầu vào viết “Trăng Hoàng cung”.
Kỳ lạ là ở chòi gác bên hồ, rất ngạc nhiên khi chị Bội Trâm ứng xử rất đẹp với nữ nhà văn người Huế khi ra Hà Nội đến thăm anh chị. Bà Bội Trâm còn đi đun nước bồ kết lá chanh cho nhà văn Hà Khánh Linh gội đầu, rồi nhẹ nhàng: “Chị phải cảm ơn em, không có em thì anh Quán không viết được Trăng Hoàng cung”.
Cả hai người phụ nữ đều thấu hiểu và đều bao dung thi sĩ Phùng Quán. Nhưng với tư cách làm vợ như chị Bội Trâm, tôi quan sát, vừa kính trọng thái độ nhã nhặn ôn hòa vừa thấy chị bao dung đến độ, không phải phụ nữ nào, người vợ nào cũng làm được như vợ nhà văn Phùng Quán .
Khi về đến Hà Nội, anh Quán cắm cúi vào viết, nghĩa là việc nhà chẳng đoái hoài, ngoài uống rượu và viết, chị Bội Trâm chỉ biết nhẫn nhịn, hy sinh không bến bờ vì chồng.
Dù giờ đây cô giáo Bội Trâm cũng theo chồng về Huế, nằm dưới đất của chín đời vua hai đời chúa, thì sóng hồ Tây vẫn gợn về một thời gieo neo của một nhà văn người Huế, Phùng Quán từng ngụ cư ở cái chòi bên hồ Tây lộng gió. Năm 2007, ông được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, khi đã về với thế giới bên kia. Nhưng giải thưởng cao nhất dành cho ông có lẽ chính là tình yêu thương con người và độ lượng với cuộc đời này.
Mặt hồ Tây vẫn phẳng lặng, nhưng thời gian nhạt nhòa thi thoảng vẫn dậy sóng trong lòng người, câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, những cách cư xử văn hóa thật đẹp của nhà văn hay của một người thường dân, mãi còn lưu dấu. Đó là cách để văn hóa ứng xử không tuột mất, vẫn lưu giữ trong tim người như hồi chuông, ngân rung như sóng vỗ, khiến ta bồi hồi ngoảnh lại, để nhìn lại mình ngay hôm nay, để mỗi ngày gắng sống đẹp hơn.