Trong ký ức, tôi thường nhớ về những ngôi nhà xưa của làng chài quê tôi, quen gọi là: Người cửa bể. Tôi thích chữ “bể” hơn chữ “biển”. Biển và bể vẫn qua bao nổi chìm, nhưng mà bể thân phận hơn. “Buồn trông cửa bể chiều hôm”, Nguyễn Du đã từng viết thế khi ông về làm quan khá lận đận ở Quảng Bình, nhìn ra cửa bể Bảo Ninh (Đồng Hới). Rồi “dâu bể” bao phen biến thiên, bồi lở. Bể (vỡ) để lành, thiếu hụt để tròn đầy, bể nhiều va chạm vì thế cũng sóng gió hơn biển nhiều...
Tôi lại lẩn thẩn nghĩ về nếp nhà hơn là ngôi nhà, tòa nhà, khu nhà – những hàm nghĩa về kiến trúc hình khối với chức năng bảo tồn. Nếp nhà bao hàm cả gia phong, nếp ăn, nếp nghĩ, nếp sống, cũng như nếp áo mặc để thành hình hài, lớp bán cầu não thiên về tư duy. Cái nếp gấp dễ hằn khắc, dễ lưu lại, mang rõ dấu ấn đậm nét nhưng lại trải ra bao phóng khoáng. Đó là nếp nhà người cửa bể.
Tôi đã thuộc thế hệ U60 và trong những tháng ngày tuổi thơ được sống và được làm bạn láng giềng của những nếp nhà lợp bằng lá cỏ. Tường nhà vách xây bằng đá bên rú bể Nam Giới hay gạch đất, trát bằng vôi đun từ những vỏ sò, vỏ ốc, trát bằng mật mía, bằng cát với một tỷ lệ pha trộn lâu đời, hiếm có xi măng. Thế mà những tường những vôi ấy vẫn trụ lại đến bây giờ. Đôi lúc tôi có cảm giác hình như trong mạch vữa xây đó có cả tiếng âm âm của sóng biển dạt dào, đôi khi lẫn nguyên một vỏ ốc, vỏ sò như con mắt sống động nhìn mình không chớp.
Hình như nếp nhà nào cũng có một bộ phản gỗ, nếu khá giả, còn đa số là cái chõng tre. Những nan tre, mây tre nhẵn bóng mồ hôi như đan vào đó những ngày chẵn, lẻ với bốn chân chắc chắn. Chõng tre là nơi có thể thành chiếc võng tre để dễ dàng ngư phủ ngả lưng xuống sau buổi đi biển về vội vã, đầu gối lên thành song tre cửa sổ đón ngọn gió nồm mang theo cả vị mặn mòi thấm muối nhuộm trắng cả từng chân tóc, sợi tóc. Cái chõng tre có thể là bàn rượu để các bạn chài, bạn thuyền ngồi khoanh chân bên cái mâm gỗ đầy xốp vun lên các món rau ghém, rau sống. Họ thèm rau, thèm cái mơn man, mềm mại mát ruột ngấm li ti vào huyết quản, vào các mao mạch đã ửng đỏ màu men rượu. Ngật ngưỡng, khoan thai, khoáng đạt, nghiêng ngả, giọng đã hơi lè nhè, mắt đã hơi nheo nheo, tai đã hơi thủng thỉnh. Nhưng tay nâng chén rượu vẫn chuẩn lắm, lên cao ngang mày, ngước nhìn trời xanh, rồi đánh ực; Chân vẫn đánh nhịp câu ví dặm “Người ơi lên bến xuống thuyền”, vẫn lắc lư đều đặn nhịp lắm. Lại chao đảo bên nhau không say sóng biển mà say sóng đất, say sóng tình người...
Cái đời biển của họ cũng như nếp nhà, nhà một chái, hai chái... Nhà một gian, hai gian... Nhà một hồi, hai hồi... Nhưng chỉ có một cái hiên chung cũng như cái nghề biển cũng đổi thay theo thời tiết đánh bắt. Khi lưới rùng (lưới quét bắt cá gần bờ ngày biển động), khi lưới rê, khi lưới te, lưới rút... đến các câu ca cửa miệng cũng là đúc kết kinh nghiệm đánh bắt, cả kinh nghiệm sống nữa. Ví như “Tháng ba trong nước em ơi /Bớt cơm anh lại mà nuôi mẹ già”, hay “Tháng bảy nước chảy lo le” (luồng nước giằng chéo nhau khó đánh bắt), “Tháng chín nhịn đi buôn”.
Nếp nhà người cửa bể, tôi từ nhỏ lớn lên, đã thấy cả “nhà thuyền” và cả.... “nhà ma” nữa. Làng chài quê tôi có hai nơi tốn gỗ, hay nói cách khác là làm nghề gỗ. Đó là nơi đóng thuyền suốt ngày chan chát tiếng đục, tiếng cưa, tiếng bào... Những con thuyền ván cong xếp lớp nhau như sóng biển dồn vào bờ. Dựng thuyền xong lại lo cột buồm, lo neo, hai mũi thuyền chạm khắc hai con mắt cá lấp lánh. Tôi mới càng hiểu vì câu hát đồng dao của con trẻ làng biển “Mắt cá mọc ở chân, nhắc em đi khỏi lạc”, thì đây là mắt thuyền, dẫn thuyền đi khỏi lạc, khỏi lạc cả nếp ăn, nếp nghĩ, nếp đối nhân xử thế. Xuống (nhà) thuyền cũng phải tuân theo phong tục “Xuống thuyền kiêng huýt sáo”. Hình như đời biển không dễ dàng, không dễ lạc quan tếu, mà phải đổi cả máu, mồ hôi, nước mắt để bòn từng con tôm, con cá.
Và nhà ma, đó là cỗ quan tài cho người chết biển. Làng chài quê tôi có một ông cụ chuyên đóng quan tài và mở luôn quán rượu. Chiều chiều, trước khi xuống thuyền đi biến, đám trai tráng trong làng hay đến đây chén chú, chén anh. Hồi ấy, đầu những năm 60 thế kỷ trước, đài radio rất hiếm, nên dân biển quê tôi có thói quen chủ yếu nhìn sao nhìn gió đoán thời tiết. Vì thế, họ thường phải gặp nhiều trận bão bất ngờ. Đống gỗ chất trong vườn nhà cụ chuyên đóng quan tài cạn xuống, thì đám trai tráng trong làng cũng vơi đi.
Hồi nhỏ đến đây, tôi thấy cụ nhìn ngắm đám trai lực lưỡng, cứ lẩm bẩm tính toán. Hỏi ra mới biết, cụ nói: “Ông đang tính chiều cao của từng đứa để ước lượng bề dài ván, còn bề ngang thì giống nhau. Quan tài phải rộng, chết biển tội lắm. Ba chìm, bảy nổi chín lênh đênh, đều trương phềnh lên giống nhau, còn chiều cao thì khác nhau là cái chắc”. Và lạ thay cái lịch thời tiết của làng biển quê tôi được tính bằng các ngày giỗ trong làng như “Gió nhà cu Hai” hay “Gió nhà chắt Bảy”. Nghĩa là năm nào ấy, cả nhà cu Hai chung một con thuyền nhỏ đi câu bị bão đánh đắm, hay nhà cu Bảy bị sóng nhấn chìm. Họ nhớ để tránh các dịp thời gian ấy hay có bão gió bất thường, không theo quy luật thời tiết...
Bây giờ làng tôi đã đổi thay nhiều. Biển bị khai thác kiệt cùng. Cá biển hiếm dần đi, đám trai làng phải theo nhau xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Đài Loan. Đi làm thuê thu ngoại tệ về, đã xây nhà kiên cố hơn. Nếp nhà từ đó cũng có nhiều thay đổi. Nhưng dù sao thì mái nhà vẫn phải đổ bằng, dù rằng dân gian có câu: “Con không cha như nhà không nóc”. Họ rất ít khi lợp ngói, để tránh những cơn bão từ biển khơi. Tường vườn cũng đã xây cao hơn, lởm chởm mảnh chai sắc nhọn, chứ không như ngày xưa, chỉ tấp bằng cánh cổng ngõ tre cho lấy lệ, còn xung quanh ngăn bằng dứa dại, trẻ con thoải mái nhảy qua chơi với nhau. Và ngày ấy, đồ dùng thô sơ cũng toàn từ dụng cụ nghề biển bỏ đi. Như mái nhà tranh lợp thêm tấm lưới rách ngăn bão, chiếc lu đựng nước mưa trước nhà là chiếc ghè trước đây đựng nước mắm bị vỡ miệng. Và tôi đã viết câu thơ “Hoa muống biển bò về những mái chèo gãy giấu trong dứa dại”, hay “Trên cát hoa xương rồng/Tự băng bó vết thương”.
Nếp nhà người cửa bể ngày ấy và bây giờ, qua bao biến đổi thăng trầm, thì cửa chính, cửa sổ đều mở ra hướng nhiều gió thổi...