Hồ Thanh Lanh nằm ở phía bắc làng Thanh Lanh khoảng 200m, thuộc xã Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Hồ được xây dựng từ năm 2000 nhằm phục vụ mục đích điều tiết, cung cấp nước tưới tự chảy cho 1.200ha diện tích đất canh tác của các xã Trung Mỹ, Bá Hiến và Thiện Kế và góp phần chặn lũ cho vùng đồng bằng Vĩnh Yên và Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).
Nhớ lại ngày ấy, sau đợt hạn năm 1998, người dân Bình Xuyên vui mừng khi biết tin Nhà nước sẽ đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng một hồ có dung tích chứa hàng chục triệu mét khối nước. Tháng 11/2000, lần đầu tiên đồng bào các dân tộc trong vùng được đón lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về động thổ khởi công công trình. Hôm đó, băng rôn, cờ hoa rợp trời vùng đất Thanh Lanh.
Dưới chân núi Tam Đảo, hồ Thanh Lanh như một nàng tiên nghiêng mình trong xanh phẳng lặng, in hình bóng núi và mây trời. (Ảnh nguồn internet)
Sau một thời gian dài thi công, người dân Trung Mỹ cũng được nhìn thấy hồ Thanh Lanh khoác lên mình “tấm gương thần kỳ khổng lồ”. Thống kê cho thấy, lòng hồ Thanh Lanh rộng khoảng 3,5km2, trong đó chứa đựng những nét hoang sơ của tự nhiên. Đây là sự kết hợp của vùng thung lũng và các đồi núi nhỏ có độ cao khoảng 100m. Dưới chân núi Tam Đảo, hồ Thanh Lanh như một nàng tiên nghiêng mình trong xanh phẳng lặng, in hình bóng núi và mây trời.
Bước trên con đường mòn khoảng 5km đi qua khu vực hồ Thanh Lanh rợp bóng mát, những đồng cỏ rộng thênh thang, những đoạn suối nước chảy róc rách là tới Thác Ba Ao. Khung cảnh nên thơ của Thác Ba Ao như tô hồng thêm vẻ đẹp huyền ảo của hồ Thanh Lanh.
Ngoài mục đích điều tiết, cung cấp nước tưới tiêu, với cảnh quan đẹp và đường đi thuận lợi, hồ Thanh Lanh còn hứa hẹn là một điểm du lịch sinh thái mới hấp dẫn. Đến đây, du khách có thể hòa mình với thiên nhiên, khám phá nét đẹp tự nhiên kỳ thú, tách biệt khỏi thế giới ồn ào của thành thị.
Loại hình nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái gắn với các hồ chứa nước đang được chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc và các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. (Ảnh nguồn internet)
Ngắm nhìn hồ Thanh Lanh từ trên cao, chắc hẳn bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp trữ tình, mộng mơ của hồ nước trong xanh này. Du khách sẽ tìm thấy cảm giác thanh bình của miền sơn cước khi dạo bộ xung quanh hồ nước.
Những năm qua, hồ Thanh Lanh có một vị trí quan trọng trong việc phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng với sự đầu tư mạnh mẽ cho ngành du lịch, các địa danh du lịch sinh thái của Vĩnh Phúc và hồ Thanh Lanh chắc chắn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Còn nhớ trong diễn đàn du lịch xanh tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2019 tại Hà Nội, khi bàn đến tiềm năng phát triển du lịch xanh của Việt Nam, mô hình phát triển du lịch xanh tại Flamingo tại Vĩnh Phúc đã được đưa ra như một ví dụ về mô hình mẫu để phát triển.
Dưới chân núi Tam Đảo, hồ Thanh Lanh như "chiếc gương khổng lồ" đang "biến hóa" và đổi thay nhanh chóng trước sự ngỡ ngàng của người dân địa phương. (Ảnh nguồn internet)
Tuy nhiên, tại Vĩnh Phúc không chỉ có mô hình xanh của Flamingo, địa phương này có những cảnh quan, danh thắng xanh tuyệt vời để du khách đến chiêm ngưỡng và hồ Thanh Lanh cũng là một trong số đó. Nắm bắt được nhu cầu, xu thế phát triển của các loại hình nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, các địa phương trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng đầu tư đến lĩnh vực này.
Trong những ngày tiết trời mùa Thu, hòa cùng ánh nắng dịu dàng hồ Thanh Lanh bỗng chốc biến hóa thành “nàng tiên nữ” yêu kiều, kiêu sa của mảnh đất Tam Đảo đã khiến bao người siêu lòng.
Mỗi du khách đến với hồ Thanh Lanh đều có một cảm nhận khác nhau, thế nhưng những ai đã từng đến tham quan, dạo chơi ở hồ Thanh Lanh sẽ “trót yêu” nơi này ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ. Khi trở về phố thị hào nhoáng, có lẽ chúng ta không thể quên được những phút giây lạc bước vào thế giới diệu kỳ ở hồ Thanh Lanh.
Không quá khi nói rằng mảnh đất Tam Đảo từ lâu đã là chốn thiên đường nghỉ dưỡng có một không hai, còn với hồ Thanh Lanh nơi đây như một “nàng tiên của Tam Đảo”.
Theo thiết kế, hồ Thanh Lanh có dung tích chứa xấp xỉ 10 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho trên 1.200ha đất canh tác nông nghiệp của bốn xã Trung Mỹ, Thiện Kế, Bá Hiến và Sơn Lôi.
Nó cũng làm nhiệm vụ ngăn lũ cho các xã vùng thấp của Bình Xuyên, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân vùng hưởng lợi trong mùa khô. Tổng vốn đầu tư cho công trình lên đến 53,4 tỷ đồng. Các hạng mục chính gồm: Đập tràn xả lũ, đập tràn sự cố, đập chính, hai đập phụ, hệ thống cống, kênh dẫn nước (gần 30km), khu quản lý.