Theo dư luận, "hố tử thần" bất ngờ xuất hiện trên vào đêm mùng 7 rạng ngày 8/12 đúng vào thời điểm mưa lớn. Người phát hiện đầu tiên là một tài xế lái xe 4 chỗ, anh Hoàng Văn Đình, quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đi từ Cửa Hội đến Vinh để về quê.
"Hôm đó khoảng 5h ngày 8/12, tôi lái xe đi từ Cửa Hội về Hà Tĩnh có việc gia đình. Trời mưa, đường trơn nên tôi đi chậm và quan sát hai bên đường. Khi đến gần đầu cầu, tôi phát hiện một lỗ đen kịt trên mặt đường nên đã vội đạp phanh, quan sát qua kính xe thấy một hố lớn, mặt đường bị sạt lún", anh Đình kể lại.
Có mặt tại cầu Bưu điện để tìm hiểu, PV được một số nhà chức trách đang có mặt tại đây cho biết, nguyên nhân xuất hiện “hố tử thần” trên chưa được làm rõ, nhưng nhiều khả năng là do mưa lớn kéo dài. Theo quan sát của PV, phía trong "hố tử thần" là những tấm bê tông đúc sẵn nằm ngổn ngang, bên cạnh là một dầm bê tông dài khoảng 8m bị gãy ngang nhiều khúc, bị đất đá vùi một nửa.
Lý do nào khiến dầm bê tông bị gãy? Quan sát thực tế cho thấy, nhiều khả năng do một lớp đất cát phía dưới mặt dầm bê tông bị sụt, tạo ra một hố sâu, dài khiến dầm bê tông gãy, mặt cầu bị lún sập, trong khi phía trên mặt dầm được lắp đặt các tấm bê tông đúc sẵn, mỗi tấm nặng cả chục tấn để người và phương tiện xe ô tô qua lại. Câu hỏi đặt ra là, vì sao dầm bê tông dài như thế, phải gánh chịu hàng trăm tấn từ các tấm bê tông đúc sẵn gác lên, thay vì được đặt trên một lớp đá hộc kè xi măng, có chân trụ bê tông như các công trình cầu đường khác lại được đổ bê tông trực tiếp trên lớp đá dăm vụn, dưới cùng là cát?
Dựa vào kích thước các tấm bê tông đúc sẵn và dầm bê tông bị gãy, không khỏi đặt ra câu hỏi về những bất thường về chất lượng thi công và thiết kế khung sắt chịu lực. Mỗi tấm bê tông đúc sẵn dài gần 3m, rộng gần 1m, dày gần 14cm, nặng khoảng 4 tấn/tấm nhưng được dùng sắt phi 14 và phi 6. Còn dầm bê tông dài khoảng 8m, bề mặt rộng 30cm, nhưng bề dày chịu lực chỉ 23cm, kết cấu sắt cũng phi 14 và phi 6, đây là nghịch lý trong kết cấu dầm trụ xây dựng cầu đường.
Theo quan sát, các tấm bê tông đúc sẵn dài gần 3m (hiện còn nguyên trên mố chân cầu cũng như các tấm bị sập) một đầu được gác lên mố chân cầu (ảnh trên, X phải) đúc bê tông cốt thép, một đầu gác lên dầm bê tông dài khoảng 8m, dưới nền là lớp đá dăm 3x4 (X trái) nối với đường Lê Viết Thuật. Đây là phần chịu lực chính của các các tấm bê tông đấu nối với mố chân cầu khi các phương tiện đi qua cầu.
Từ thực tế hiện trường, có thể thấy, nếu dầm bê tông dài khoảng 8m, rộng 30cm, dày 23cm, được đúc trực tiếp trên một lớp đá hộc kè bằng xi măng, có chân trụ bê tông vững chắc, thì có thể đã không xảy ra việc dầm bê tông bị gãy, kể cả đất cát bị sụt lún do thẩm thấu nước mưa.
Một chuyên gia cầu đường phân tích, tối 7/12, do mưa lớn kéo dài, nước mưa đã thẩm thấu qua bề mặt đường nhựa (đã bị rạn nứt trước đó như dân phản ánh), nước ngấm xuống đất, dẫn đến đất cát bị lún, tạo lỗ hổng lớn, thanh dầm bê tông dài 8m bị rỗng chân, không có lực đỡ dẫn đến bị gãy. Vì vậy việc sập các tấm bê tông được đặt trên mố chân cầu và dầm bê tông sau khi bị gãy là lẽ đương nhiên.
Theo quan sát, mưa lớn kéo dài nhưng phía ngoài 2 mặt mố chân cầu không bị hư hỏng và không có mạch nước chảy xuyên từ mặt mố cầu từ trong ra phía ngoài, cũng không có hiện tượng nước thẩm thấu từ bề mặt cầu rồi tạo thành dòng chảy ra hai bên mố chân cầu, hiện tại mố chân cầu vẫn nguyên vẹn. Điều này cho thấy việc đất lún sụt do thẩm thấu nước từ mặt cầu, dẫn đến thanh dầm bị rỗng chân, khiến dầm bị gãy là có cơ sở.
“Nếu dầm bê tông dài khoảng 8m, được đúc theo tiêu chuẩn của một thanh dầm chịu lực, đủ để gánh các tấm bê tông đúc sẵn, thì dù đất cát có bị sụt lún do tác động của thiên nhiên, hoặc nước mưa thấm cũng không ảnh hưởng đến chất lượng công trình”, chuyên gia cầu đường chia sẻ với PV.
Từ những phân tích trên, cộng với thực tế hiện trường để lại, thấy rằng nguyên nhân lún, sập các tấm bê tông mố cầu Bưu điện do mưa lớn kéo dài là không thuyết phục.
Bên cạnh "hố tử thần", những hộ dân sinh sống hai đầu cầu Bưu điện cũng rất quan ngại trước một vấn đề khác, đó là hai đường nứt chạy song song nhau trên mặt cầu. Theo nhận định của người dân, nếu 2 mố cầu thi công, thiết kế giống nhau cũng đồng nghĩa với tai họa lần thứ hai có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Khi PV tìm hiểu về đơn vị chủ đầu tư, ông Nguyễn Đức An, Phó Giám đốc Sở GTVT trả lời: “Hiện chúng tôi đang cho cán bộ lục tìm hồ sơ, lúc đó mới trả lời được, anh thông cảm”. Ông An cho biết thêm, tới đây, Sở sẽ phối hợp với các phòng của UBND thành phố để xác định nguyên nhân trên cơ sở thành phố kiểm tra rà soát lại.
Tìm gặp ông Quốc Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Vinh, đề cập vấn đề thanh dầm bê tông bị gãy dẫn đến sập các tấm bê tông đúc sẵn, được ông cho biết: “Theo kiến thức được học, đây là quy trình thiết kế gọi là bản quá độ (dầm giảm tải) để giảm dần lực của các phương tiện xe ô tô từ đường vào cầu. Tuy nhiên, việc này các cơ quan và lực lượng chức năng sẽ làm rõ. Hiện nước ở mố cầu đang cao, chúng tôi chưa thể tiến hành kiểm tra chân mố cầu có bị sự cố dẫn đến bị trôi cát hay không. Tuy nhiên, đây xem như dịp tổng kiểm tra chất lượng cầu Bưu điện. Nếu phát hiện vấn đề chất lượng không đảm bảo, chúng tôi sẽ cho sửa chữa tổng thể luôn”.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin!