Aa

Hóa giải "nút thắt" hàng nghìn dự án chậm tiến độ giải phóng mặt bằng

Thứ Năm, 02/12/2021 - 13:30

Đề xuất việc tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu, phạm vi; nội dung các giải pháp của Đề án, dự thảo Nghị quyết.

Đề xuất việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, bởi đây là hướng đi rất mới có thể giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn đầu tư công, giúp hóa giải tình trạng hàng nghìn dự án trên cả nước đang chậm tiến độ do những nút thắt về mặt bằng.

Hiện, đề án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu, phạm vi; nội dung các giải pháp của Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định tại Kỳ họp quốc hội tháng 12/2021

Xây dựng cơ chế tách riêng dự án giải phóng mặt bằng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ dự thảo Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết quan điểm xây dựng Đề án là xây dựng cơ chế, chính sách để tạo sự chủ động, thông thoáng, linh hoạt trong triển khai dự án; đồng thời phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền từng cấp, từng ngành trong từng giai đoạn chuẩn bị và thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí. Qua đó, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Việc xây dựng Đề án nhằm tạo cơ chế thí điểm không chỉ đối với việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập mà còn bao gồm một số cơ chế bảo đảm việc thực hiện dự án giải phóng mặt bằng được tách riêng. Việc này, nhằm tạo điều kiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, giảm chi phí giải phóng mặt bằng có thể phát sinh thêm sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, hạn chế việc điều chỉnh dự án.

Cùng với đó, các bộ, cơ quan, địa phương xác định rõ về khả năng thực hiện và giải ngân dự án, có cơ sở đề xuất nhu cầu vốn chuẩn xác hơn, chuẩn bị thực hiện dự án tốt hơn, tránh việc chiếm dụng vốn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng khi giải phóng mặt bằng được tách thành dự án độc lập, không tính vào thời gian thực hiện dự án, sẽ giảm bớt áp lực về tiến độ các khâu đấu thầu, xây lắp…, qua đó gián tiếp nâng cao chất lượng công trình.

Không những thế, việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, tính khả thi của dự án, bảo đảm các cam kết quốc tế đối với các dự án ODA có yêu cầu mặt bằng sạch và các cam kết của địa phương trong đóng góp vốn ngân sách Nhà nước do mình quản lý trong thực hiện dự án…

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đây là những lợi ích rất quan trọng, đặc biệt trong hoàn cảnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt, yêu cầu cấp bách đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án khởi công mới.

Thực tế, trong thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã liên tục đề xuất việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết một trong những nguyên nhân dự án đầu tư bị kéo dài nhiều năm là do vướng mắc giải phóng mặt bằng, tái định cư. 

“Tại một số dự án, người dân còn có kiến nghị về giá đất, cơ chế đối với đất có nguồn gốc đất nông nghiệp các hộ dân đã sinh hoạt ổn định lâu năm, không nhận tiền bồi thường, không đồng thuận phương án bồi thường gây ảnh hưởng đến mặt bằng thi công…,” ông Đỗ Anh Tuấn nói.

giải phóng mặt bằng
(Ảnh minh họa: Lê Sen/TTXVN)

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 có 1.867 dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách bị chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ; trong đó, có 1.074 dự án, chiếm gần 60% tổng số dự án chậm tiến độ gặp vướng mắc do giải phóng mặt bằng. 

Xác định mức giá đền bù hợp lý

Trong Tờ trình được gửi lên Chính phủ báo cáo về Đề án thí điểm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhấn mạnh những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư, bao gồm cả dự án đầu tư công lẫn dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Đặc biệt, với dự án đầu tư công và hợp tác công - tư (PPP), giải phóng mặt bằng là “điểm nghẽn” đối với tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đội vốn, tăng tổng mức đầu tư đối với nhiều dự án.

PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết việc giao giải phóng mặt bằng về các địa phương là một hướng đi rất tốt song cần phải có chế độ chính sách rõ ràng về đền bù giải phóng mặt bằng. Bởi, hiện nay giải phóng mặt bằng một dự án không thống nhất ngay cả trong một địa phương.

“Do đó, cần phải tính được mức đền bù bao nhiêu là thở đáng, tùy thuộc vào chủ đầu tư dự án. Hiện, còn nhiều lỗ hổng để người thực hiện công vụ lợi dụng nên đã xảy ra rất nhiều bất cập trong đền bù giải phóng mặt bằng,” PGS.TS. Trần Chủng cho biết.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng nếu không giải quyết được bài toán về giá đất, rất có thể chính dự án giải phóng mặt bằng cũng bị đình trệ ngay từ lúc triển khai. Do đó, vấn đề then chốt là muốn đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, địa phương hay cấp quyết định dự án phải xác định mức giá đền bù hợp lý vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi cũng như của chủ đầu tư dự án.

Hiện nay, chính tình trạng giá đất theo quy định trong khung giá đất do Nhà nước ban hành chưa theo kịp giá đất giao dịch trên thị trường cũng như việc khung giá đất thường năm sau cao hơn năm trước là một yếu tố khiến người dân có tâm lý chờ đợi, chây ỳ giải phóng mặt bằng.

Để đạt được mục tiêu mà đề án thí điểm tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư đặt ra, nhiều kiến nghị cho rằng, Luật Đất đai trong lần sửa đổi tới đây phải có các điều chỉnh để đưa ra được quy định và hình thức về bảng và khung giá đất hợp lý để xác định giá đất trong đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án. Thậm chí có thể xúc tiến xây dựng một cơ quan định giá đất độc lập để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có đất bị thu hồi.

Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra mới đây, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn thành phố Hà Nội, cũng đề xuất, Quốc hội và Chính phủ cho tách dự án giải phóng mặt bằng giao cho chính quyền địa phương làm chủ đầu tư đối với các dự án đi qua địa phương để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, gắn với cơ chế phân công và xác định trách nhiệm của người đứng đầu một cách rõ ràng, minh bạch, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top