Hoa hồng “đất lửa” và thương hiệu “Gạo hữu cơ Quảng Trị”

Hoa hồng “đất lửa” và thương hiệu “Gạo hữu cơ Quảng Trị”

Thứ Ba, 03/05/2022 - 06:09

Xinh đẹp và bản lĩnh, nữ doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ ví mình như “bông hoa dại” ven ruộng đồng khép nép tỏa hương...

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 27: Hoa hồng “đất lửa” và thương hiệu “Gạo hữu cơ Quảng Trị”

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Những ngày này, tỉnh Quảng Trị đang có những hoạt động quan trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Quảng Trị (1/5/1972 – 1/5/2022) và sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Tròn nửa thế kỷ Quảng Trị giải phóng, tái thiết, xây dựng quê hương, đã có vô vàn những đóng góp của đồng bào, chiến sĩ, nhân dân khắp mọi miền, trong đó có cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và cả những người con của Quảng Trị - những người con xa quê trở về hay hướng về quê hương Quảng Trị.

Trên từng thớ đất đã bị cày xới bởi bom đạn chiến tranh, rất nhiều bông hoa đã nở, những vườn hoa khoe sắc, những vụ mùa bội thu. Và, nữ doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ, sinh năm 1980, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) là một đóa hoa trong vườn hoa muôn sắc ấy.

Nguyên quán ở tỉnh Quảng Trị, nhưng Phạm Thị Diễm Lệ sinh ra và lớn lên tại Quảng Bình. Ở người con gái ấy dung nạp những phẩm chất chịu thương chịu khó của người dân miền Trung, nhất là đào luyện qua những khốn khó của vùng đất “Bình Trị Thiên khói lửa”.

Diễm Lệ tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại TP. Đà Nẵng và lập nghiệp tại TP.HCM. Xa quê, có công ăn việc làm ổn định, từng giữ chức Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của một công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, từng nhận bằng khen của Chính phủ, Bộ Công thương, nhưng Diễm Lệ vẫn quyết tìm về ruộng đồng ở Quảng Trị “làm ăn” với nông dân, cho ra đời những hạt gạo như mơ, định vị được trong phân khúc thị trường gạo cao cấp ở Việt Nam.

Những thành công của chị chưa lớn, diện tích gạo hữu cơ được công nhận chính thức mới chỉ vào chục héc-ta trên tổng số gần 170ha liên kết với nông dân để sản xuất (do đặc thù, chi phí kiểm nghiệm gạo hữu cơ); thậm chí có những “dùng dằng”, khó khăn trên thương trường khi tiếp cận và thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng bởi những dòng lúa, gạo sản xuất đại trà vẫn đang lấn lướt trong từng bữa ăn gia đình. Thế nhưng doanh nhân Diễm Lệ đã có “cái được nhất” là góp phần làm thay đổi sự nhận diện, sự phát triển nông nghiệp hữu cơ trên một vùng đất có những khó khăn khách quan do chiến tranh trong quá khứ, khí hậu, thời tiết, nhất là định kiến về “vùng đất bom đạn” như Quảng Trị.

Sự thành công của Phạm Thị Diễm Lệ còn ở việc đã tác động đến nhận thức và góp phần thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân.

“Sản xuất lúa gạo hữu cơ vốn đã khó, lúa gạo hữu cơ tại vùng đất Quảng Trị càng khó hơn nhiều bởi định kiến về vùng đất ảnh hưởng chiến tranh, có thể tồn dư lượng hóa chất, độc tố còn lại trong đất đai, môi trường... Vui thay là câu trả lời đã có, đã được kiểm nghiệm bởi cơ quan chức năng trong và ngoài nước, rằng gạo hữu cơ Quảng Trị “sạch nhất thế giới” với 545 chỉ tiêu chất lượng. Điều này sẽ thay đổi quan trọng định kiến với vùng đất như Quảng Trị khi sản xuất nông sản hữu cơ nói chung và lúa gạo hữu cơ nói riêng”, đó là một phần trong những điều tâm đắc trong câu chuyện mà Diễm Lệ chia sẻ với PV Reatimes.

KHỞI NGHIỆP Ở “VÙNG ĐẤT LỬA”

PV: Khoảng vài năm trở lại đây, khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam biết đến “Gạo hữu cơ Quảng Trị”. Hành trình hạt gạo hữu cơ trên “vùng đất lửa” đã được chị xây dựng như thế nào?

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Hành trình làm nên hạt gạo hữu cơ trên “vùng đất lửa” hết sức gian nan, khó khăn nhưng cũng rất đỗi ngọt ngào. Khó khăn đầu tiên phải nói là việc thuyết phục người nông dân đồng ý tham gia dự án, thay đổi thói quen canh tác, từ canh tác vô cơ sang canh tác hữu cơ. Vụ mùa đầu tiên, tôi đã dành ra hơn một tháng để gặp và thuyết phục từng hợp tác xã, nhóm hộ nông dân tham gia dự án. Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người dân vì họ chưa tin tưởng, sợ thất bại và cũng băn khoăn vì có những công ty trước đó không thực hiện đúng cam kết.

Để thuyết phục người nông dân tham gia dự án, chúng tôi đã đưa ra một hợp đồng liên kết có sự bảo đảm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị với các điều khoản lợi cho người dân như sau: Hỗ trợ 100% chi phí phân bón; Bao tiêu năng suất 5 tấn/ha; Cung cấp giống lúa chất lượng cao cho bà con nông dân gieo trồng; Đặc biệt là việc cam kết thu mua 100% sản lượng lúa thu được từ diện tích tham gia dự án với giá cao hơn thị trường 23% và thanh toán tiền ngay tại chân ruộng.

Khó khăn thứ hai cũng là khó khăn lớn nhất trong hành trình đó chính là thay đổi định kiến của khách hàng về mảnh đất Quảng Trị. Khi giới thiệu gạo hữu cơ Quảng Trị đến với khách hàng thì 7/10 người đặt câu hỏi: “Vùng đất Quảng Trị đầy bom đạn làm sao sản xuất được gạo sạch, gạo hữu cơ?”. Nhưng với các kết quả kiểm nghiệm khoa học, đặc biệt là kết quả kiểm nghiệm khẳng định gạo hữu cơ Quảng Trị đạt 545 chỉ tiêu chất lượng do tập đoàn Eurofins (công nghệ GC - MS - Công nghệ sắc ký khí ghép khối phổ) với những thiết bị hiện đại bậc nhất kiểm nghiệm...

May mắn vì trong hành trình tạo ra hạt gạo hữu cơ Quảng Trị, tôi đã nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật của các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Và sự hỗ trợ về mặt quảng bá sản phẩm của các sở ban ngành tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Để đến hôm nay gạo hữu cơ Quảng Trị là niềm tự hào của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, có vị trí trong phân khúc gạo cao cấp của thị trường lúa gạo Việt Nam.

Từ vài chục héc-ta ban đầu, đến nay, chúng tôi phối hợp với nông dân, sở ngành tại Quảng Trị trồng lúa và sản xuất gạo hữu cơ mỗi năm 2 vụ mùa trên diện khoảng 168ha, sắp tới sẽ mở rộng lên 200ha, chủ yếu tại 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng. Năng suất hiện tại cũng đã đạt 5 tấn thóc tươi/ha. Do đặc thù, chi phí kiểm nghiệm cao đối với gạo hữu cơ (điều này áp vào giá thành sản phẩm sẽ cao, khách hàng khó tiếp cận) nên hiện chúng tôi mới có 35ha lúa hữu cơ được chứng nhận, mặc dù số diện tích còn lại đều sản xuất theo cùng một công nghệ.

PV: Vì sao chị lại chọn Quảng Trị, mà không phải vùng đất nào khác để khởi nghiệp?

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Tôi nghĩ là do nhân duyên của tôi với vùng đất Quảng Trị. Khi tiếp xúc với ban lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, tôi cảm nhận được tình cảm chân thành họ dành cho những người nông dân, mong ước giúp người nông dân ổn định kinh tế một cách bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái bằng việc tái cấu trúc nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nhất là “tư lệnh ngành nông nghiệp” Quảng Trị lúc ấy là ông Võ Văn Hưng.

Những điều đó trùng với tâm nguyện của tôi nên đã chạm đến trái tim tôi và tôi đã quyết tâm xây dựng thành công thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị. Gạo hữu cơ nếu trồng trên vùng đất khác thì thuận lợi về truyền thông, nhưng với đất Quảng Trị thì rất khó bởi định kiến về bom đạn…

Người ta từng không tin đất Quảng Trị sản xuất được gạo hữu cơ nhưng chúng tôi đã làm được. Gạo hữu cơ sản xuất trên đất Quảng Trị đã được chứng nhận bởi cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước là thật. Hiện nay, Gạo hữu cơ Quảng Trị đã có mặt trên toàn quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất TP.HCM và Hà Nội. Thông qua các triển lãm quốc tế, gạo hữu cơ Quảng Trị đã được khách hàng một số nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Đức biết đến và yêu thích.

LÀM LÚA HỮU CƠ NHƯ TRỞ VỀ VỚI CỬA PHẬT

PV: Trước khi khởi nghiệp, chị có từng làm nông không, có từng ra đồng, dầm mưa dãi nắng không?

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Tôi sinh ra ở vùng quê, nhưng gia đình tôi không làm nông. Từ nhỏ đến lớn tôi lại học trường chuyên lớp chọn nên chỉ biết đến học, không biết gì về nông nghiệp... (cười).

Thú thật khi quyết định làm lúa gạo thì tôi phải học lại từ đầu các kiến thức về nông nghiệp, về trồng lúa từ người nông dân và các chuyên gia. May mắn của tôi là được các chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ, nên từ một người không biết gì về trồng lúa sau một vụ mùa đã có một lượng kiến thức và kinh nghiệm khá đủ đầy về trồng lúa, tự tin ra đồng cùng nông dân, tương trợ cho nông dân.

Vụ mùa đầu tiên năm 2017 lúc ấy tôi đang có công việc khá ổn ở một công ty tại miền Nam. Tôi đã xin nghỉ việc không lương 2 tháng để ra “nằm vùng” tại Quảng Trị. Tôi đi thuyết phục từng hộ dân, từng hợp tác xã tham gia dự án lúa hữu cơ, rồi xuống đồng cùng bà con nông dân vừa để học hỏi vừa để giám sát quy trình canh tác... Rất nhiều kỷ niệm khó quên lúc ấy. Giờ thì... tôi luôn tự hào giới thiệu với mọi người “Em là O nông dân”.

PV: Hỏi thiệt nhé: Khi xuống ruộng chị sợ nhất điều gì?

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Khi xuống ruộng tôi sợ nhất là bị đỉa cắn (Cười).

Ngày trước, do canh tác bằng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật nên ruộng đồng không có đỉa. Giờ đây có những cánh đồng canh tác hữu cơ như ruộng lúa của QTOrganic thì đỉa rất nhiều và to, nên mỗi lần lội ruộng là tôi phải... đề cao cảnh giác. (Cười)

PV: Có ai từng nói với chị chưa, cái tên Diễm Lệ, thoạt nghe có vẻ hơi yếu đuối, nhưng ai đã gặp chị thì sẽ cảm nhận được lửa đam mê luôn rực cháy cùng bản lĩnh khởi nghiệp tại vùng đất Quảng Trị vốn có nhiều khó khăn về khí hậu, thời tiết?

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Tôi xem việc trở về vùng đất Quảng Trị làm lúa gạo hữu cơ là sứ mệnh của cuộc đời mình nên không quản khó khăn, vất vả, mất mát. Khi bắt đầu làm lúa gạo ở Quảng Trị là tôi biết mình đang đánh bạc với trời, mà không nắm chắc phần thắng.

Còn nhớ ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị đã nói một câu làm tôi rất xúc động. Ông ấy nói: “Cách em trở về quê làm lúa gạo hữu cơ, như cách em về với cửa Phật vậy”. Được lãnh đạo tỉnh thấu hiểu như vậy đối với tôi đã là một niềm hạnh phúc, sự động viên to lớn cho sự cống hiến của mình với quê hương.

PV: Được biết gạo hữu cơ Quảng Trị được nhiều chuyên gia đánh giá cao về chất lượng, đảm bảo nhiều tiêu chí, hàm lượng mà không phải nơi nào cũng có thể tạo ra. Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn?

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Gạo Hữu cơ Quảng Trị được canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ hàng đầu Nhật Bản trên những cánh đồng Quảng Trị với điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, cùng với khí hậu nhiều nắng - gió chính là khởi nguồn kết tinh dinh dưỡng trong hạt gạo hữu cơ Quảng Trị, giúp cho gạo hữu cơ Quảng Trị đạt 545 chỉ tiêu về chất lượng như tôi đã kể trên.

Đặc biệt, gạo hữu cơ Quảng Trị dung hợp được hai hợp chất quý là Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) vốn có tác dụng chống bệnh tiểu đường, gút, béo phì. Điều này đã được Trường Đại học Hiroshima Nhật Bản phát hiện và công bố ngày 3/08/2019 tại Hà Nội. Với công bố và xác nhận này người tiêu dùng có thể tin tưởng và lựa chọn gạo hữu cơ Quảng Trị trong bữa ăn của gia đình mình.

NIỀM TIN LÀ ĐỘNG LỰC ĐỂ THÀNH CÔNG

 PV: Chị nhận thấy điều gì thú vị khi hợp tác với người nông dân Quảng Trị trên hành trình khởi nghiệp? 

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Người nông dân Quảng Trị cần cù, chịu khó, đặc biệt là tin tưởng tuyệt vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị vận động tham gia dự án sản xuất gạo hữu cơ, người nông dân tuyệt đối tin tưởng và tuân thủ quy trình canh tác do công ty tôi đưa ra, nên mới tạo ra được những hạt gạo chất lượng như hôm nay.

Đến nay, 5 năm là thời gian chưa dài nhưng như đánh giá của một số anh chị phóng viên tại Quảng Trị, tôi tự hào mình là doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân Quảng Trị bền vững bậc nhất. Không đứt đoạn, bỏ cuộc, làm suy suyển lòng tin ở bà con…

PV: Còn với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng như ban ngành, địa phương của tỉnh hỗ trợ QTOrganic thế nào?

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: QTOrganic nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của tất cả các ban ngành của tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là lãnh đạo đứng đầu tỉnh Quảng Trị. Nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền nên QTOrganic mới thuyết phục được người nông dân tham gia dự án và thay đổi thói quen canh tác.

Cũng xin kể lại thêm, khi thực hiện dự án thì Chủ tịch UBND tỉnh là ông Võ Văn Hưng lúc đó đó là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã đứng ra bảo chứng với bà con nông dân rằng: Nếu doanh nghiệp không thực hiện bảo hiểm năng suất và bao tiêu sản lượng như cam kết thì ông ấy sẽ chịu trách nhiệm trước bà con, sẽ đền bù cho bà con.

Nhờ lời cam kết của ông Hưng cộng với sự thuyết phục của các cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, bà con nông dân mới mạnh dạn tham gia dự án. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và các sở ban ngành cũng rất tích cực hỗ trợ QTOrganic đắc lực trong việc quảng bá gạo hữu cơ Quảng Trị đến người tiêu dùng trên toàn quốc.

Khi bắt tay vào làm nông nghiệp, tôi không nhận được sự cổ vũ từ gia đình, người thân và bạn bè. Tất cả mọi người vì yêu thương tôi, vì nhìn thấy sự vất vả, mạo hiểm, mất mát… nên đã ngăn cản kịch liệt. Đến bây giờ sau 5 năm, tôi đã có một chút thành quả và dần được mọi người chấp nhận, nhưng chưa đồng lòng hoàn toàn vì thấy những vất vả, đánh đổi mà tôi đã trải qua.

PV: Được biết QTOrganic thanh toán “tiền tươi” cho bà con nông dân bên chân ruộng trong các vụ mùa thu hoạch. Phương thức thanh toán này tổ chức, duy trì như thế nào?

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Trước mỗi vụ mùa QTOrganic đều ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa hữu cơ với bà con nông dân có sự bảo chứng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị.

Với điều khoản bảo hiểm năng suất và bao tiêu sản lượng với giá lúa được ký từ đầu vụ, thanh toán tiền tươi ngay tại chân ruộng. Giá bao tiêu toàn bộ sản lượng của bà con cao hơn thị trường 25 - 30%. Người nông dân không phải mất tiền đầu tư và cũng tránh được nỗi lo được mùa mất giá, được giá mất mùa. Chúng tôi đã thực hiện được việc này 5 năm rồi.

PV: Chị có thể tiết lộ chiến lược trong giai đoạn tới của QTOrganic?

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Về chất lượng gạo hữu cơ Quảng Trị thì đã được các kết quả kiểm nghiệm khoa học chứng minh, người tiêu dùng đón nhận và tin tưởng, gạo hữu cơ Quảng Trị đã có lượng khách hàng trung thành lớn trên toàn quốc. Với giá thành 50 ngàn đồng/kg hiện nay số lượng gạo hữu cơ Quảng Trị của chúng tôi số lượng tiêu thụ khá tốt, nhất là tại thị trường TP.HCM và Hà Nội.

Tuy nhiên điều làm tôi hào hứng nhất hiện nay đó chính là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp chiết xuất từ cám gạo hữu cơ. QTOrganic đang chuẩn bị đầu tư sản xuất một bộ mỹ phẩm chiết xuất từ cám gạo và tung ra thị trường. Sau 5 năm tôi và người thân, bạn bè dùng và đã kiểm chứng với những hiệu quả tuyệt vời cho sức khỏe và sắc đẹp. Tôi tin tưởng sản phẩm này sẽ được hàng triệu phụ nữ Việt Nam đón nhận và yêu thích.

PV: Gạo hữu cơ Quảng Trị từng được trưng bày, giới thiệu ở nước ngoài được như thế nào, thưa chị?

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Năm 2019 khi mang gạo hữu cơ Quảng Trị đi triển lãm tại Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc lần thứ 16 (CAEXPO 2019) diễn ra tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, gạo hữu cơ Quảng Trị đã được người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận và yêu thích vô cùng. Toàn bộ gạo QTOrganic mang đi triển lãm đã được người tiêu dùng Trung Quốc mua hết trong ngày đầu tiên diễn ra hội chợ thương mại. Có một công ty thương mại lớn tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã muốn mua toàn bộ lượng gạo mà QTOrganic sản xuất mỗi năm, nhưng sau đó vì liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu nên đến nay chúng tôi chưa thể thực hiện được. Đồng thời thông qua các hội chợ Foodexpo trong nước gạo hữu cơ được các đối tác nước ngoài biết đến và vô cùng yêu thích.

PV: Điều gì đã cho chị niềm tin rằng gạo hữu cơ Quảng Trị chinh phục được người tiêu dùng trong và ngoài nước?

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Đó chính là chất lượng và hương vị đặc biệt gạo hữu cơ Quảng Trị. Sự đặc biệt này được tạo nên bởi những tinh hoa hàng đầu thế giới kết hợp với nhau. Đó là được QTOrganic canh tác bằng quy trình công nghệ hữu cơ hàng đầu Nhật Bản, do Phó giáo sư Trần Đăng Xuân, Trưởng phòng Thí nghiệm sinh lý thực vật và Hóa sinh (Đại học Hiroshima - Nhật Bản) trực tiếp hướng dẫn canh tác.

Trên những cánh đồng Quảng Trị đã được QTOrganic xử lý và cải tạo đất trong 4 năm liền bằng chủng men vi sinh Ong Biển đặc biệt do nhà khoa học Trần Ngọc Nam nghiên cứu, chế tạo dành riêng cho thổ nhưỡng Quảng Trị.

Chúng tôi cũng cấy lúa theo phương thức mới duy nhất trên thế giới là cấy lúa tam giác đều, giúp cây lúa hấp thụ toàn bộ ánh sáng từ nhiều phía từ đó tăng khả năng quang hợp của cây lúa, tạo ra hạt gạo với hàm lượng dinh dưỡng cao vượt trội so với phương thức cấy lúa thông thường đang áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới.

Điều thú vị khác là khí hậu Quảng Trị khắc nghiệt và thổ nhưỡng đặc biệt, cũng đã tạo ra những hạt gạo với hương vị đặc biệt và hàm lượng dinh dưỡng cao vượt trội.

QTOragnic hiện có 3 loại gạo trắng, 4 loại gạo lứt. Cùng với các sản phẩm chế biến từ gạo như: Cám gạo làm đẹp, cám gạo uống, trà gạo lứt đậu đen xanh lòng, cốm gạo lứt ăn liền, bún gạo.

Ngoài ra chúng tôi cũng sản xuất ra dòng gạo hữu cơ đặc biệt dành riêng cho trẻ em: “Gạo hữu cơ Quảng Trị for kids”, với hàm lượng dinh dưỡng cao vượt trội, sẽ là nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ trong những năm đầu đời.

Mặc dù sản phẩm chúng tôi đã được khách hàng tin tưởng, đón nhận, nằm trong top những loại gạo yêu thích nhất của phân khúc thị trường gạo cao cấp, điều này được minh chứng qua sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên như anh biết, chúng tôi cũng gặp phải khó khăn chung của ngành gạo hữu cơ trong tiếp cận khách hàng do thói quen tiêu dùng.

Người tiêu dùng thường quan tâm rau sạch, trái cây sạch, thịt sạch... mà chưa quan tâm nhiều đến “lúa sạch, gạo sạch”. Còn không ít người chưa hiểu rằng cây lúa là cây có vòng đời sinh trưởng ngắn; xác suất sâu bệnh trên cây lúa rất cao nên mỗi vụ mùa người trồng phải xịt vài lần thuốc trước thu hoạch. Trong khi đó người tiêu dùng phần lớn vẫn quan tâm giá cả, mà quên đi chất lượng, “độ sạch” của gạo. Có ý kiến cho rằng lỗ hổng lớn nhất trong bữa ăn mỗi gia đình Việt Nam bây giờ đó là gạo. Người ta hay nói thịt bẩn, rau bẩn, hoa quả bẩn... chứ có nói gạo bẩn đâu? 

“TÔI CHỈ LÀ ĐÓA HOA DẠI VEN ĐỒNG”

PV: Chị từng nói ngoài các vitamin bổ dưỡng, trong hạt gạo hữu cơ Quảng Trị còn có “vitamin yêu thương”. Có phải do chị lớn lên bằng nguồn dinh dưỡng và văn hóa của vùng đất Bình Trị Thiên đầy khó nhọc?

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Cảm ơn anh vì câu hỏi rất ý nghĩa. Nó làm tôi nhớ đến những ngày đầu tạo nên Gạo hữu cơ Quảng Trị. Gạo hữu cơ Quảng Trị được tạo nên bởi sự tổng hợp từ rất nhiều tình yêu thương: Là tình yêu của những người con xa quê luôn đau đáu muốn làm được điều gì đó cho quê hương; Là tình yêu thương của những người lãnh đạo đứng đầu tỉnh mong muốn giúp bà con thoát nghèo và ổn định kinh tế bằng việc sản xuất lúa gạo chất lượng cao; Là tình yêu của bà con nông dân với ruộng đồng; Là tình yêu thiên nhiên, mong muốn bảo vệ môi trường bằng việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thuận tự nhiên… Tất cả đã tạo nên "Vitamin yêu thương" trong gạo hữu cơ Quảng Trị. Có lẽ điều đó khiến hầu hết khách hàng yêu thích gạo hữu cơ Quảng Trị ngay lần đầu tiên nếm thử!

PV: Chị theo đuổi triết lý gì trên con đường khởi nghiệp, kinh doanh, nhất là để hạt gạo quê hương vươn xa hơn, được khách hàng nước ngoài đón nhận?

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Tôi luôn đề cao “chánh nghiệp” tức là mỗi việc làm của mỗi mình phải lương thiện, đúng lẽ phải, không phạm pháp, không làm việc gì trái với đạo đức, trái với lương tâm.

Triết lý kinh doanh của tôi là tất cả những việc mình làm phải gắn liền với lợi ích của cộng đồng. Tất cả các sản phẩm, dịch vụ cung cấp ra thị trường phải là những sản phẩm tốt nhất, mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng.

Tôi nghĩ mỗi người phụ nữ vốn là một bông hoa. Và, tôi luôn xem mình là một bông hoa dại mọc ở ven ruộng đồng. Với tôi, vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ là má hồng, môi thắm mà còn ở chiều sâu tâm hồn và trái tim nhân hậu. Xắn quần lội ruộng, dầm mưa dãi nắng làm da tôi đen hơn, tóc cháy nắng hơn, nhưng luôn được hưởng niềm vui, hạnh phúc với bà con nông dân.

PV: Chị có niềm tin như thế nào về cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam, nhất là người trẻ khởi nghiệp?

Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Tôi thấy ngưỡng mộ các bạn trẻ khởi nghiệp trong cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam. Cách các bạn tiếp cận công nghệ số, các phát minh của thế giới, kết nối toàn cầu xuất sắc hơn thế hệ tôi trở về trước. Đặc biệt là ý thức bảo vệ môi trường được các bạn đề cao trong việc kinh doanh của mình. Tôi tin rằng thế hệ khởi nghiệp trẻ Việt Nam sẽ tiệm cận được với sự phát triển của thế giới.

Chúc chị cùng QTOrganic có thêm nhiều thành công trong tương lai!

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã, đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Một số loại cây trồng đã chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất công nghệ cao, công nghệ hữu cơ, chẳng hạn 35ha lúa hữu cơ của doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ. Mặc dù diện tích lúa hữu cơ chưa lớn, tập trung nhiều ở thị trường nội địa, nhưng mô hình này có nhiều triển vọng. Điều này phù hợp với Nghị quyết của Đảng bộ Tỉnh Quảng Trị, với mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ nâng tổng diện tích lúa hữu cơ trên toàn tỉnh lên 1.000ha.

Cùng với QTOrganic, tại tỉnh Quảng Trị hiện nay có một số đơn vị khác bắt đầu triển khai xây dựng đề án sản xuất lúa hữu cơ khá lớn và đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Đây đều là những mô hình chuyển đổi canh tác rất triển vọng với ngành lúa gạo hữu cơ của tỉnh Quảng Trị, không chỉ đáp ứng thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu. Với doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ, chúng tôi đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của cá nhân cũng như doanh nghiệp, nhất là có những đóng góp vào sự phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nói chung và ngành ngành lúa gạo hữu cơ tỉnh nói riêng.

Ông Trần Thanh Hiền - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị

 

03/05/2022 06:09
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top