Doanh nghiệp lớn so đo về giá
Không khó để nhận ra, dù ngày càng có nhiều các dự án giảm diện tích dùng sơn, tăng diện tích dùng kính hoặc vật liệu thay thế khác (như tấm aluminium, đá ốp…), nhưng sơn vẫn là một phần không thể thiếu với mỗi công trình xây dựng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Bùi Thị Xoan, Trưởng phòng Kinh doanh Xuân Mai Invest cho biết, do các dự án được xây dựng với số lượng tòa nhà, căn hộ lớn và quan hệ mật thiết đến uy tín của chủ đầu tư, nên các chủ đầu tư thường đưa ra yêu cầu cho sản phẩm sơn là “giá cả phải hợp lý”
Thị trường sơn cũng mang nét tương tự như thị trường thời trang, tức là có xu hướng theo năm, theo mùa. Một điểm chung mà đại diện các nhà sản xuất, phân phối sơn nhận định về xu hướng thị trường, đó là năm 2017 ghi nhận sự chuyển tông của các chủ đầu tư và người dân khi các loại màu sắc dịu nhẹ, trang nhã lên ngôi, trong khí trước đó là các loại sơn có màu sắc đậm, mạnh mẽ được ưa chuộng.
Để hài hòa hai yếu tố này, thường các hãng sơn sẽ có bộ phận dự án và các sản phẩm sơn tương ứng. Các chủ đầu tư thường lựa chọn các loại sơn của những thương hiệu lớn, sản phẩm có thời gian kiểm chứng thực tế ít nhất 5 năm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Takira Việt Nam cho biết, ở các công trình lớn, chủ đầu tư càng ngày càng yêu cầu giá rẻ, chất lượng không được đề cao.
“Người ta không quan tâm nhiều về chất lượng, điều này còn diễn ra với cả các công ty xây dựng lớn”, bà Phương nói.
Thực tế, hiện có nhiều tòa chung cư chỉ mới đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, nhưng lớp áo đẹp bên ngoài đã bị bong tróc, mốc meo, tòa nhà nhìn như người bị vảy nến.
Khách lẻ lại coi trọng chất lượng
Trong khi nhiều chủ dự án cân đong về giá cả, thì khách lẻ, nhà dân lại mua theo lòng tin và theo thị hiếu.
Nhóm mua theo lòng tin là đặt cược chất lượng, bộ mặt công trình cho đơn vị cung cấp, tư vấn về sơn.
Đại diện một đơn vị phân phối sơn cho biết: “Nhiều khách hàng rất dễ tính, họ đến và hỏi chúng tôi loại sơn nào ngoài trời tốt, trong nhà tốt, chúng tôi tư vấn là họ chọn ngay, lắm khi cũng không quan tâm về giá bán”.
Trong khi đó, nhóm khách hàng mua theo thị hiếu thì khó tính hơn, họ thường xem nhiều mẫu nhà, mẫu sơn, sau đó có thể đi vài ba cửa hàng, đại lý để tham khảo về giá.
“Điểm chung của nhóm khách hàng này là thường lựa chọn sơn của các hãng có tên tuổi, quảng cáo nhiều”, chủ một cửa hàng sơn trên phố Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Theo đánh giá của các chủ cửa hàng, đơn vị phân phối sơn, các khách hàng lẻ thường quan tâm đến màu sắc, chất lượng sơn chứ ít khi “cò kè” về giá.
“Người dân ngày càng quan tâm đến dòng sản phẩm cao cấp, đảm bảo sức khỏe, chứ giá cả họ không quan tâm nhiều. Công ty tôi có đến 80% sản phẩm sơn chất lượng là dành cho các khách hàng cá nhân, hộ gia đình”, bà Phương cho biết.
Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, đại diện một hãng sơn cho biết: “Thị trường sơn cũng ẩn chứa nhiều vấn đề về chất lượng, độ an toàn cho người sử dụng, những điều vốn không dễ nhìn nhận bằng sự quan sát bình thường mà đòi hỏi kiến thức nhất định. Người tiêu dùng cần tỉnh táo và có sự lựa chọn cẩn trọng để có được những sản phẩm tốt cho sức khỏe và có độ bền”.
Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp sản xuất sơn không hề có chế độ bảo hành sản phẩm, kể cả một số thương hiệu sơn có tên tuổi. Lý do đưa ra là, chất lượng của sơn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như vận chuyển, bảo quản, sử dụng…
“Trước tình trạng thiếu quản lý chặt chẽ về chất lượng sơn, vàng thau lẫn lộn và sự thổi phồng của thông điệp quảng cáo, đến chúng tôi là người trong nghề lắm lúc còn “hoa mắt, chóng mặt” nữa là người tiêu dùng. Vì vậy, các khách hàng cần tìm hiểu kỹ về cơ chế bảo hành sản phẩm, đặc biệt là các thành phần của sơn, xuất xứ sản phẩm để xem có đảm bảo sức khỏe hay không”, đại diện một đơn vị sản xuất sơn chia sẻ.