Cụ thể, doanh thu trong kỳ đạt 19.450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.305 tỷ đồng, tương ứng tăng 28% và 27% so với cùng kỳ 2019. Lĩnh vực thép và nông nghiệp là 2 mũi nhọn giúp Hòa Phát tăng trưởng đáng kể.
Trong 3 tháng đầu năm, Tập đoàn đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau nhằm thực hiện tốt các yêu cầu phòng chống dịch, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường trong tất cả các lĩnh vực của mình.
Lũy kế quý I/2020, thép xây dựng Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trên 732.000 tấn (chưa bao gồm sản lượng phôi thép), chiếm 31,9% thị phần tiêu thụ toàn thị trường, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, lượng thép thành phẩm xuất khẩu gần 135.000 tấn, tăng 74,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, lượng phôi thép Hòa Phát cung cấp cho thị trường đạt khoảng 350.000 tấn, chủ yếu là xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu phôi thép chính là Trung Quốc, các nước Đông Nam Á.
Riêng trong tháng 3, thép xây dựng Hòa Phát đã ghi dấu ấn kỷ lục. Tổng cộng cả lượng tiêu thụ thép thành phẩm và phôi thép, Hòa Phát đã cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước 486.000 tấn. Tất cả các vùng miền đều ghi nhận tăng trưởng mạnh, trong đó thép xây dựng thành phẩm xuất khẩu tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, khu vực miền Nam tăng 89,7%.
Với sản phẩm ống thép, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường gần 145.000 tấn, tiếp tục giữ thị phần vượt trội với 31,1%. Ống thép Hòa Phát tiếp tục xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới với sản lượng tăng đột biến, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ 2019. Trong đó, riêng sản lượng xuất khẩu của tháng 3/2020 vượt cả tổng số của 2 tháng đầu năm cộng lại. Đây là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19, giá HRC sụt giảm mạnh, nhu cầu thị trường giảm nhiều.
Các lĩnh vực công nghiệp khác như nội thất và điện lạnh và bất động sản vẫn đảm bảo việc làm và thu nhập cho CBCNV. Các sản phẩm của Điện lạnh Hòa Phát như điều hòa, tủ đông, tủ lạnh đều tăng trưởng mạnh góp phần đưa sản lượng tăng 57% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn Hòa Phát sẽ đưa vào hoạt động dây chuyền thép cuộn cán nóng HRC trong năm nay. Tiến độ giai đoạn 2 bị chậm lại vì lý do bất khả kháng - đại dịch Covid-19 đã khiến các chuyên gia của các nhà thầu châu Âu không thể sang Việt Nam theo dự kiến ban đầu.