Đạt 92% kế hoạch lợi nhuận sau quý III
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh Qúy III/2024, với những thành tích nổi bật. Theo báo cáo, Hòa Phát đạt doanh thu hơn 34.000 tỷ đồng trong quý III, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước (28.766 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận hơn 105.000 tỷ đồng doanh thu, tương đương hơn 4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước (85.431 tỷ đồng), hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024. 9 tháng đầu năm, Tập đoàn cũng nộp ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng, vượt số nộp cả năm 2023.
Trong đó, doanh thu bán hàng tăng, biên lợi nhuận một số lĩnh vực kinh doanh được cải thiện (như thép, nông nghiệp), đã giúp lợi nhuận của Hòa Phát tăng trưởng. Lợi nhuận nhóm thép tăng 42%, nhóm nông nghiệp tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, sản lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao trong Quý III đạt gần 1,1 triệu tấn, giảm 14% so với quý trước (1,27 triệu tấn), nhưng thị phần thép xây dựng trong nước vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 38%. Thép cuộn cán nóng đạt 738.000 tấn, tương đương quý II/2024.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, Hòa Phát sản xuất 6,4 triệu tấn thép thô, tăng 34% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 6,1 triệu tấn, tăng 32%. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đóng góp 3,3 triệu tấn, tăng 29%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,27 triệu tấn và phôi thép đạt 505.000 tấn. Đối với các sản phẩm thép hạ nguồn, Ống thép đạt 503.000 tấn tăng 3% so với 9 tháng đầu năm 2023. Tôn Hòa Phát đạt sản lượng 344.000 tấn tăng 43% so với cùng kỳ, vượt số cả năm 2023 (329.000 tấn).
Đáng chú ý, lĩnh vực cho thuê hạ tầng khu công nghiệp duy trì biên lợi nhuận ổn định ở mức 39%. Hiện Hòa Phát cũng tiếp tục đầu tư mở rộng các khu công nghiệp hiện có tại Hưng Yên và Hà Nam, nhằm tạo thêm quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Triển vọng lợi nhuận duy trì tích cực, cổ phiếu HPG được dự báo tăng
Mới đây, Chứng khoán SSI khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 31.400 đồng/cp, cao hơn 16% so với giá đóng cửa phiên giao dịch 14/10. Bởi SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát sẽ tăng 12%/82% năm 2024 và 22%/20% năm 2025.
Khuyến nghị trên là cơ sở, trong bối cảnh doanh thu Quý III/2024 của Hòa Phát khá rực rỡ. Chưa hết, Hòa Phát đặt kỳ vọng vào dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với quy mô 5,6 triệu tấn HRC/năm, hiện đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% tiến độ phân kỳ 2. Dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử đầu tiên vào cuối năm 2024.
Uớc tính, công suất sản xuất của Giai đoạn 1 Dung Quất 2 dự kiến sẽ đạt khoảng 90% vào cuối quý 1/2025, tương đương khoảng 2,52 triệu tấn thép HRC và giá thép HRC ở mức 550-560 USD/tấn. Khi vận hành tối đa công suất, dự án Dung Quất 2 sẽ đem về cho Hòa Phát thêm 70.000 - 80.000 tỷ đồng doanh thu, tương đương 3,25 tỷ USD, đóng góp 25%-30% biên lợi nhuận của Tập đoàn.
Một động lực tích cực khác cho Hòa Phát là có khả năng, Tập đoàn này sẽ tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Tại hội nghị với các doanh nghiệp lớn do Chính phủ tổ chức ngày 21/9 vừa qua, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, sẽ là một công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia. Đồng thời, khẳng định Hòa Phát sẵn sàng tham gia đấu thầu và đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao tại Việt Nam. Không chỉ giới hạn ở thép làm đường ray, ông Long khẳng định Hòa Phát sẵn sàng tham gia vào nhiều hạng mục khác trong dự án này.
Được biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các ngành liên quan. Nhất là nhóm sắt thép với tổng giá trị các hạng mục liên quan lên đến 51,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 chiếm 21,5 tỷ USD. Chính phủ sẽ ưu tiên sử dụng thép trong nước, giúp Hòa Phát hưởng lợi nhờ lợi thế thép HRC và mở rộng năng lực sản xuất với dự án Dung Quất 2.
Trước đó, Hòa Phát đã có bề dày kinh nghiệm tham gia cung cấp thép cho hàng loạt các dự án lớn và công trình trọng điểm quốc gia. Như Logos Tân Phú Trung Logistics Park (Củ Chi, TP.HCM) với thời gian cấp hàng đến hết tháng 12/2024, nhà máy Bellinturf - KCN Long Giang (Tiền Giang), Becamex Vân Canh (Bình Định), Trung tâm Cao ốc Nguyễn Kim (Đà Nẵng), Trung tâm Kho vận Bắc Giang 2 - Mapple Tree, Vin Ocean Park 3, và nhà máy ô tô Thành Công (Quảng Ninh)...Mới đây là hai dự án lớn: Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (thời gian giao hàng đến hết tháng 10/2024); và sân bay quốc tế Long Thành (bắt đầu cung cấp từ tháng 7-8/2024).
Tuy nhiên, với dự án lớn, đòi hỏi tiêu chí kỹ thuật cao như Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Hòa Phát chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức về yêu cầu kỹ thuật khắt khe. Song với quyết tâm cao độ, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết sẽ tính toán kỹ lưỡng để đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng.