Hoài Đức (Hà Nội): Dự án khu nhà ở Ciri "biến tướng" thành loạt nhà xưởng
Lời tòa soạn:
Thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển "nóng", khi đó hàng loạt chủ đầu tư đua nhau xin cấp đất để xây dựng dự án nhà ở, trung tâm thương mại, hàng trăm nghìn mét vuông đất được quy hoạch trở thành đất dự án.
Nhìn vào những bản vẽ quy hoạch hoành tráng của các khu đô thị mới, khu nhà ở, … nhiều người mong chờ đến một viễn cảnh tươi sáng về bức tranh đô thị hiện đại. Tuy nhiên, thay vì được triển khai xây dựng và sử dụng theo đúng mục đích ban đầu được phê duyệt thì tại một số dự án lại xuất hiện tình trạng vi phạm trong xây dựng, sử dụng sai mục đích.
Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng biến tướng tại các dự án, vi phạm trong xây dựng, sử dụng đất sai mục đích tại các dự án không chỉ khiến cho bộ mặt đô thị Thủ đô trở nên nhếch nhác, mà còn gây lãng phí tài nguyên đất đai. Nếu tại những dự án này có thể được triển khai xây dựng đúng mục đích, hoặc có thể sử dụng và tạo ra trường học, khu dịch vụ để mang lại lợi ích cho Nhà nước, cho xã hội, cho toàn dân thì sẽ rất khả thi.
Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện từ ghi nhận thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Sử dụng đất sai mục đích tại các dự án: Cần sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền địa phương".
Dự án nhà ở "biến tướng" thành nhà xưởng
Theo nghiên cứu của phóng viên Reatimes, ngày 12/9/2005, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Quan hệ quốc tế - đầu tư sản xuất tại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Tây với diện tích 27.739m2 được sử dụng Xây dựng nhà máy sản xuất động cơ xe mô tô hai bánh, thời hạn sử dụng đất đến ngày 5/11/2031.
Nhưng đến ngày 13/7/2006, gần 28.000m2 đất trên được chuyển mục đích sang Xây dựng trung tâm đào tạo lái xe cơ giới, đường bộ và thời hạn sử dụng đến 5/11/2051. Nguồn gốc đất được xác định là đất cho thuê hàng năm.
Tiếp đó, đến ngày 17/7/2008, khu đất trên lại được cơ quan chức năng phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở Ciri. Nhưng sau đó khoảng 7 năm, (ngày 10/4/2015), Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội mới có văn bản về việc chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở Ciri.
Tuy nhiên, tới nay (tháng 10/2024), trên khu đất quy hoạch làm Khu nhà ở Ciri này, đang tồn tại 6 dãy nhà xưởng kiên cố với tổng diện tích hàng chục nghìn mét vuông. Theo người dân địa phương, những nhà xưởng này còn rất mới, được dựng bằng tôn lạnh và bắt đầu hoạt động từ đầu năm nay trở lại đây.
Tài liệu từ đại diện UBND xã Lại Yên cung cấp cho thấy, ngày 3/5/2024, Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện Hoài Đức đã có Biên bản kiểm tra công trình xây dựng tại dự án Khu nhà ở Ciri thuộc xã Lại Yên, huyện Hoài Đức. Theo Biên bản này, tại thời điểm kiểm tra, Công ty cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất (địa chỉ: 508 phố Trường Chinh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) đã thi công nhiều công trình trong khi chưa có giấy phép xây dựng. Ngay sau đó, UBND xã Lại Yên cũng đã có văn bản thông báo về việc yêu cầu doanh nghiệp nói trên "ngừng thi công tuyệt đối xây dựng công trình".
Ngày 20/5/2024, UBND huyện Hoài Đức có Quyết định số 2012/QĐ-XPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất. Người đại diện pháp luật là Nguyễn Hồng Hạnh, chức vụ Tổng Giám đốc.
Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, doanh nghiệp nói trên đã thực hiện hành vi vi phạm: Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng đối với xây dựng công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng tại Dự án Khu nhà ở Ciri, xã Lại Yên.
Quy mô xây dựng vi phạm: Chủ đầu tư đã tiến hành dựng 1 nhà xưởng với diện tích khoảng 1.200m2; xây dựng 2 khu (khu 1: đã dựng 40 cột sắt, đổ nền bê tông xây tường gạch xung quanh cao 0,6m, diện tích khoảng 2.500m2; khu 2: đã dựng 36 cột sắt chưa đổ nền bê tông, với diện tích khoảng 2.300m2); dựng 01 lán tạm cho công nhân với diện tích khoảng 143m2; đổ 1 đường bê tông với chiều rộng 4m, chiều dài khoảng 180m.
Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế - Đầu tư Sản xuất tiền thân là Tập đoàn GFS được thành lập năm 1997, trước đó Tập đoàn GFS là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 (Cienco 8). Năm 2005, khi thực hiện cổ phần hóa, doanh nghiệp lấy tên là Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế - Đầu tư Sản xuất (Công ty Ciri).
Ở thời điểm mới thành lập, công ty tập trung phát triển lĩnh vực lắp ráp, sản xuất xe máy. Đến năm 2014, khi thị trường bất động sản sôi động Công ty Ciri đầu tư vào một số dự án và từ đó phát triển thành Tập đoàn GFS, trở thành nhà đầu tư bất động sản có tiếng tại Hà Nội.
Với sai phạm nêu trên, Công ty cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất đã bị UBND huyện Hoài Đức xử phạt số tiền 130.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, công ty nói trên phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời gian này, nếu công ty không xuất trình được giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm theo quy định.
Trao đổi với phóng viên Reatimes về nội dung này, bà Nguyễn Thị Nhung, cán bộ địa chính xã Lại Yên, cho biết sau khi tiến hành lập hồ sơ vi phạm, UBND xã Lại yên có báo cáo lên UBND huyện Hoài Đức, sau khi xử phạt hành chính đối với đơn vị này thì UBND xã tiếp tục thực hiện công tác giám sát và đề nghị phía Điện lực Hoài Đức cắt điện. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống nhà xưởng trong dự án này đều không sử dụng điện lưới được cấp bởi điện lực Hoài Đức mà sử dụng toàn bộ bằng máy phát.
Cũng theo thông tin từ bà Nhung, đến thời điểm ngày 20/9 vừa qua, Đội quản lý TTXD đô thị huyện Hoài Đức tiếp tục kiểm tra công trình xây dựng tại dự án khu nhà ở cao cấp Ciri, tại thời điểm kiểm tra, tại dự án này tiếp tục phát sinh thêm vi phạm. Tại ô số 06 đã dựng vì kèo, thanh ngan hai bên. Vị trí giữa khu đất trước đó chưa lợp tôn xung quanh và chưa bắn mái nhưng tại thời điểm kiểm tra đơn vị đã tiến hành bắn khu vì kèo mái. Đồng thời chưa tự giác tháo dỡ, khắc phục phần quy mô vi phạm theo quyết định số 2012/QĐ- XPHC của UBND huyện Hoài Đức này 20/5/2024.
"Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc xây dựng công trình, không để phát sinh quy mô, tự giác tháo dỡ phần công trình vi phạm và khắc phục theo quyết định mà UBND huyện Hoài Đức đã ban hành", bà Nhung cho biết thêm.
Mặc dù đã có quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu đình chỉ thi công, tuy nhiên theo khảo sát thực tế của phóng viên Reatimes vào chiều ngày 7/10/2024, tại khu vực Dự án Khu nhà ở Ciri, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) hệ thống 6 nhà xưởng xây dựng trái phép đã được đưa vào hoạt động, một số được sử dụng làm kho đá, một phần bên trong được sử dụng làm các kho hàng,… Phía bên ngoài, một số công nhân vẫn đang tiến hành sửa chữa lại khu vực nền của hệ thống nhà xưởng.
Cũng liên quan đến Công ty cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất, lô đất C/D13 có diện tích hơn 7.200m2 có mặt tiền nằm trên mặt đường Thành Thái, kéo từ đường Trương Công Giai đến đường Khúc Thừa Dụ (Cầu Giấy, Hà Nội) được giới thiệu là nơi triển khai dự án chung cư Five Star Residence, tuy nhiên thời gian qua, một phần lô đất phía đường Trương Công Giai đang được sử dụng làm sân Pickleball.
Ghi nhận của phóng viên Reatimes, gần nửa diện tích lô đất đã được dọn cỏ dại, san nền, đầu tư trang thiết bị đầy đủ cho 8 sân Pickleball.
Trao đổi với phóng viên Reatimes về nội dung này, ông Trần Đình Cường, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, cho biết quan điểm của quận Cầu Giấy là sẽ xử lý triệt để nếu có vi phạm xảy ra.
Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong công tác quản lý sử dụng đất đai và quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội. Một trong số các nhiệm vụ của đoàn thanh tra là thanh tra việc chấp hành pháp luật về bán đấu giá quyền sử dụng đất đối với lô đất C/D13 thuộc Khu đô thị mới cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận cầu Giấy. Thời kỳ thanh tra từ năm 2011-2022.
UBND quận, phường chịu trách nhiệm toàn diện
Công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội lâu nay vẫn là một vấn đề còn tồn đọng nhiều bất cập. Không chỉ xét đến câu chuyện vi phạm trật tự xây dựng đơn lẻ, mà tại nhiều dự án, hàng loạt kho xưởng, kiot được xây dựng và hoạt động trên đất dự án đang là một vấn đề vô cùng nhức nhối.
Theo nghiên cứu của phóng viên Reatimes, ngày 2/3/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.
Về công tác quản lý trật tự xây dựng, Chỉ thị 14 nêu rõ, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã cần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, hàng năm, các địa phương phải tổ chức kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ; làm tốt công tác khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu trên địa bàn; xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm.
Sau Chỉ thị 14, công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng đã được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, còn một số địa phương vẫn để vi phạm xảy ra mà không được ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, còn những tồn tại kéo dài chưa có phương hướng giải quyết cụ thể.
Trước những tồn tại kéo dài, Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội đã ban hành Văn bản số 158-CV/BCSĐ ngày 28/3/2023, về việc xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý trật tự xây dựng, được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2022 của Ban Cán sự Đảng và tập thể lãnh đạo UBND TP.
Mới nhất ngày 7/4/2024, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 182/KH-UBND để triển khai công văn của Ban Cán sự Đảng Thành phố, nội dung kế hoạch ngoài phân công nhiệm vụ cụ thể còn quy định trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã như: Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND TP. Hà Nội về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Qua khảo sát, nghiên cứu tại một số dự án trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy, tại một số quận huyện, tình trạng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn để tồn tại, không có biện pháp khắc phục hậu quả vẫn diễn ra, dẫn đến tình trạng sử dụng đất sai mục đích, gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên đất.