Gần 50 cầu đưa vào khai thác an toàn
Thông tin với Báo Giao thông, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, 3 dự án thuộc gói 7.000 tỷ vốn trung hạn cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam do đơn vị này quản lý đã hoàn thành được nhiều hạng mục công trình quan trọng, đưa vào khai thác an toàn.
Cụ thể đơn vị này quản lý 3 dự án gồm: Cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (Dự án cầu yếu); Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh (Dự án Hà Nội - Vinh); Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn (Dự án Nha Trang - Sài Gòn).
Chính thức khởi công từ giữa năm 2020, các dự án vấp phải nhiều khó khăn do bão lũ bất thường khu vực miền Trung tháng 9, tháng 10/2020 và dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài tại nhiều tỉnh, thành. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu khắt khe về tiến độ, Ban QLDA Đường sắt và các nhà thầu, tư vấn mở nhiều mũi thi công đồng loạt, tập trung triển khai theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu hoàn thành ngay đến đó để đưa vào khai thác đảm bảo tốc độ thiết kế.
Đến nay, 4 gói thầu đã hoàn thành đưa vào khai thác, gồm 2 gói của dự án cầu yếu, 1 gói của dự án Hà Nội - Vinh, 1 gói của dự án Nha Trang - Sài Gòn. Trong đó, dự án cầu yếu đã hoàn thành trả tốc độ cho 49 cầu/125 cầu; Dự án Hà Nội - Vinh đã hoàn thành trả tốc độ được 9/15 khu gian; Dự án Nha Trang - Sài Gòn hoàn thành 4/5 khu gian và 2 ga.
“Các gói thầu còn lại đang được các bên tích cực thực hiện, trong đó một số gói thầu sẽ cơ bản hoàn thành trong tháng 8, tháng 9/2021, như các gói xây lắp XL-CY-06, XL-CY-03 dự án cầu yếu dự kiến hoàn thành 30/8/2021”, đại diện Ban QLDA đường sắt thông tin.
Bám tiến độ, đẩy nhanh thi công
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban QLDA đường sắt cho biết, công tác triển khai thi công các dự án này có nhiều đặc thù. Dự án thực hiện trên tuyến đường sắt đang khai thác chạy tàu vì thế công tác vừa thi công vừa đảm bảo an toàn chạy tàu cần sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan gồm chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn và đơn vị quản lý đường sắt, đơn vị khai thác đường sắt.
Trong quá trình thi công, công tác vận chuyển vật tư, vật liệu cũng khó khăn vì nhiều đoạn đường sắt nằm xa đường bộ, không có đường bộ tiếp cận vị trí thi công.
Khó khăn lớn nhất là các dự án trải dài trên tuyến đường sắt Bắc - Nam có phạm vi, diện tích, khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) nhỏ, phân tán và thực hiện tại nhiều địa phương nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian... Trong khi đó, cùng thời gian này, các địa phương ưu tiên tập trung công tác GPMB để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc.
Để tháo gỡ các khó khăn, đáp ứng yêu cầu tiến độ, Ban QLDA đường sắt chủ động xác định đường găng tiến độ. Khi lập kế hoạch tiến độ thực hiện luôn cố gắng để dành quỹ thời gian dự phòng và đánh giá những nguy cơ chậm tiến độ để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Đồng thời, xử lý nhanh các thủ tục cần thiết thuộc trách nhiệm của Ban, bố trí các cán bộ, kỹ sư có nhiều kinh nghiệm thường xuyên tại công trường để điều hành, xử lý công việc và đẩy nhanh công tác thi công, tháo gỡ những khó khăn kịp thời. Chủ động phối hợp với các địa phương trong công tác GPMB để khi xong các bước thiết kế, lựa chọn nhà thầu là có ngay mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.
“Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Đường sắt VN để thực hiện công tác bàn giao công trình, công tác mở điểm thi công, công tác chạy chậm, phong tỏa để thi công đảm bảo không ảnh hưởng tới công tác chạy tàu của ngành đường sắt. Đồng thời, tận dụng tối đa thời gian chạy chậm, phong tỏa được bố trí trong những tháng thấp điểm để đẩy nhanh tiến độ thi công, cố gắng đưa các công trình về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn”, đại diện Ban QLDA đường sắt nói.
Quy mô của 3 dự án chủ yếu: Cải tạo, nâng cấp các công trình cầu, hầm yếu, đã xuống cấp, làm trụ chống va cho các cầu có thông thuyền nhằm đảm bảo an toàn, đồng nhất tải trọng (4,2 tấn/m) và nâng cao tốc độ chạy tàu.
Cải tạo, mở mới một số ga và trạm đường nhường tránh, mở thêm đường số 3 với những ga 2 đường ga, kéo dài các đường ga đảm bảo chiều dài dùng được 400m, cải tạo mái che ke ga tại các ga có lưu lượng hành khách đi tàu lớn để giải quyết nút thắt về vận tải.
Nâng cấp nền đường, thay thế kiến trúc tầng trên (tà vẹt, ray, ghi, phụ kiện nối giữ); đường cong bán kính nhỏ R<300m để đảm bảo an toàn và nâng cao tốc độ chạy tàu.