Aa

Hoạt động đấu giá vào "tầm ngắm", doanh nghiệp bất động sản làm gì để tiếp tục "ôm" đất?

Chủ Nhật, 26/12/2021 - 06:15

Trong bối cảnh các quy định liên quan đến đấu giá, đấu thầu dự án ngày càng bị siết chặt, việc tìm kiếm quỹ đất trở nên khó khăn hơn, các doanh nghiệp bất động sản muốn "ôm" đất phải tìm hướng đi khác.

Trong gần 2 năm qua, dù dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều loại hình kinh doanh nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn sôi động với các giao dịch đất đai quy mô lớn.

Lý giải cho diễn biến này, công ty tư vấn bất động sản toàn Cầu Jones Lang Lasalle (JLL) cho biết, để dự báo được hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp bất động sản cần xem xét hai yếu tố gồm: Khả năng phát triển dự án và quỹ đất dài hạn.

Trong đó, quỹ đất là điều tất yếu để nhà phát triển chứng tỏ cam kết trong thời gian dài và năng lực phát triển sẽ được thể hiện qua số lượng các dự án và tỷ lệ bán thành công.

Tuy nhiên, với bối cảnh thiếu hụt quỹ đất ngay cả trước Covid-19, JLL dự báo cuộc đua thâu tóm quỹ đất của các nhà phát triển sẽ tiếp tục sôi động và điều này sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường nhà ở trong 5 năm tới.

Thực tế, có nhiều hình thức để thu về cho mình lượng quỹ đất "khủng", vị trí đẹp, nhưng các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu thâu tóm qua kênh đấu giá, đấu thầu, mua bán sáp nhập (M&A)...

Có thể kể đến, ngày 10/12 vừa qua, phiên đấu giá 4 lô đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) đã khiến thị trường phải "dậy sóng" khi thu về số tiền 37.346 tỷ đồng, gấp 7 lần giá khởi điểm. Trong đó, lô đất 3-12, diện tích 10.060m2 đã được đấu giá thành công với số tiền 24.500 tỷ đồng, tương đương hơn 2,45 tỷ đồng một mét vuông, gấp 8,3 lần so với mức khởi điểm.

Tại Hà Nội, hồi cuối tháng 10, phiên đấu giá 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy cũng gây chú ý. Mức giá cao nhất của phiên là 360 triệu đồng một mét vuông, gấp đôi giá khởi điểm, cho lô đất diện tích 44,5m2 mặt phố Dương Khuê. Các lô đất còn lại cũng có giá trúng thầu cao gấp 2 - 2,5 lần dù giá khởi điểm đã gần 200 triệu đồng một mét vuông.

Nhiều dự án có giá đấu cao bất thường khiến hoạt động đấu giá đất lọt "tầm ngắm".

Trước áp lực kinh doanh, phát triển, ngoài đấu giá quỹ đất, các doanh nghiệp bất động sản bắt buộc phải tìm hướng đi khác. Theo đó, kênh M&A sẽ được áp dụng triệt để, bên cạnh đó là "chiêu" gom cổ phiếu cũng được các "ông lớn" lưu tâm.

Các chuyên gia cho rằng, trong danh sách những doanh nghiệp thoái vốn mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) đang triển khai, những doanh nghiệp có quyền thuê đất, quyền sử dụng đất diện tích lớn như Tổng Công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC), Tổng Công ty Licogi - CTCP… được nhìn nhận sẽ thoái vốn thành công. 

Hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp này bết bát, nhưng có các nhà đầu tư quan tâm đến kế hoạch thoái vốn của SCIC nhằm nắm quyền khai thác quỹ đất.

Chẳng hạn, VEC (Nhà nước nắm giữ hơn 80% cổ phần) hiện hoạt động lay lắt, nhưng có quyền thuê đất nhiều vị trí đẹp. Vì thế, giá bán cho đợt thoái vốn sắp tới được nhận định sẽ không dưới 2x. Hiện, giá cổ phiếu VEC trên sàn chứng khoán đang dao động trong khoảng 16.000 - 17.000 đồng/cp.

Thị trường chứng khoán nhiều ngày qua cũng chứng kiến sự biến động mạnh của cổ phiếu PTL (Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí - Petroland) từ thị giá đến thanh khoản. Cùng với đó là sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông.

Cụ thể, phiên giao dịch 7/12, hơn 36 triệu cổ phiếu PTL (tỷ lệ 36%) của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (mã: PVX) đã được bán cho các nhà đầu tư thông qua phương thức thỏa thuận trên sàn, với giá 14.000 đồng/cp.

Một số nguồn tin cho biết, có nhóm nhà đầu tư lớn gom cổ phiếu PTL từ trước, cộng thêm lô cổ phiếu do PVX thoái vốn, nên gần như nắm quyền chi phối Petroland.

Động thái "gom hàng" này diễn ra trong bối cảnh nhiều năm liền cổ phiếu PTL liên tục nằm trong diện kiểm soát, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luôn là con số âm. Đến thời điểm hiện tại, Petroland chỉ mới hoàn thiện được 4 dự án lớn là Chung cư Petroland quận 2, Chung cư Mỹ Phú, Trung tâm Thương mại Tài chính Dầu khí Phú Mỹ Hưng (Petroland Tower) và Khu phức hợp 30/4.

Thế nhưng, Petroland lại có quyền phát triển nhiều dự án quy mô lớn như Khu đô thị mới Dầu khí Vũng Tàu, Khu chung cư quận 7, Khu nghỉ dưỡng sân gôn Cam Ranh (Khánh Hòa). Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các dự án bất động sản được coi là mục tiêu thâu tóm và tái cơ cấu doanh nghiệp ở Petroland./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top